Nghịch lý dùng thẻ ngân hàng phí “cắt cổ” tại Việt Nam
Phí dùng thẻ ngân hàng tại Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới.
- 26-09-2016Hai người nước ngoài dùng thẻ ATM giả rút tiền ngân hàng
- 15-09-2016"Từ chối mở thẻ ngân hàng là vi phạm quyền của người khuyết tật"
- 09-09-2016Xuất hiện nhóm người Trung Quốc nhập cảnh làm giả thẻ ngân hàng để chiếm đoạt
Trong khi Chính phủ đang khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt, thì phí dùng thẻ ngân hàng tại Việt Nam lại thuộc loại cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, trong số gần 100 triệu thẻ được các ngân hàng và tổ chức thanh toán phát hành đến nay, có đến 20 triệu “thẻ ma” phát hành ra rồi để đó.
Hiện có khoảng 20 triệu thẻ “ma”
Tại hội thảo Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử ngày 22/11, TS. Lê Huy Khôi (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương) đã đưa ra số liệu tổng quan về thị trường thanh toán thẻ ở Việt Nam. Theo đó, số lượng thẻ các ngân hàng và tổ chức thanh toán phát hành tại Việt Nam tính đến hết năm 2015 đã tăng lên 81,9 triệu thẻ (năm 2010 có 31 triệu thẻ). Tuy nhiên, chỉ khoảng 70% trong số này có hoạt động thực tế, tức là khoảng 60 triệu thẻ của trên 20 triệu người có tài khoản ngân hàng. Còn lại khoảng 20 triệu thẻ “ma” phát hành ra rồi để đó.
“Tỷ lệ thẻ hoạt động của các ngân hàng chỉ rơi vào khoảng 60-70% tùy từng ngân hàng và từng loại thẻ”, ông Khôi thông tin và nhận định: “Đây là một nghịch lý bởi phát hành thẻ phải song hành với phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp, chứ không phải là cuộc đua gia tăng thị phần thẻ và thực hiện mục đích rút tiền mặt”.
Trước các con số trên, bà Lê Thị Hà, Phó trưởng phòng Pháp chế, Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công thương) nhấn mạnh: “Đừng nói nhiều về số lượng thẻ mà phải xem thực chất người có thẻ có dùng thẻ hay không?”. Thực tế, doanh thu thanh toán thẻ chủ yếu vẫn là rút tiền từ các cây ATM, chiếm 85%. Chỉ có 15% là doanh thu từ giao dịch thanh toán và các giao dịch phát sinh từ các điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS). “Tại sao số lượng thẻ và POS nhiều nhưng doanh thu từ thẻ trên 80% là do rút tiền mặt từ ATM? Thực trạng này càng về giai đoạn cận Tết càng thấy rõ khi ATM luôn quá tải. Một cây ATM tải tiền vào 1,5-2 tỷ đồng mà người tới rút không đủ, luôn phải chờ đợi”, bà Hà đặt vấn đề.
Dân chê chi phí cao, bảo mật kém
Trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Huy Khôi cho biết: “Chi phí bình quân phát hành một thẻ ở Việt Nam vào khoảng 5 USD. Tuy nhiên, thực tế thì con số này khoảng gần 10 USD. Trong khi đó, chi phí phát hành thẻ bình quân trên thế giới chỉ khoảng 1 USD/thẻ”. Mặt khác, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao. “Nếu cộng thêm các khoản phí phải trả như phí thường niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ… có thể dễ thấy được chi phí sử dụng thẻ tín dụng của chủ thẻ là rất lớn”, ông Khôi phân tích.
Hiện, có khoảng hơn 60 sản phẩm thẻ có mặt trên thị trường Việt Nam như: Vietnam Airlines-Techcombank Visa; Vietnam Airlines-VP Bank Platinum MasterCard; Bac A Bank-TH True Mart; BIDV-Lingo Card... Theo thống kê, toàn thị trường đã có 16.573 máy ATM và 217.470 máy POS.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc VCCorp lấy ví dụ, khi khách hàng mua một chiếc iPhone giá 20 triệu đồng thì phải chi thêm 500-600 nghìn đồng phí thanh toán, thêm phí giao nhận... dẫn tới giá thành bị đội lên. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác như: Thẻ bị đánh cắp phải làm thế nào; Chờ thủ tục đối soát của ngân hàng để nhận lại tiền sao lại mất tới 30-40 ngày?...
Nhắc tới vấn đề này, bà Lê Thị Hà nêu thực trạng: “Tiền trong thẻ bỗng nhiên một ngày đẹp trời biến mất” khiến người dân không thích thanh toán qua thẻ mà chỉ lên các website chọn hàng, chọn hình thức thanh toán. Vì vậy, đến khâu quan trọng nhất của thương mại điện tử là thanh toán thì người dân lại dùng tiền mặt để trả. “Đây là vấn đề niềm tin và nó cũng giải thích câu chuyện vì sao số lượng thẻ nhiều nhưng người dân không thích dùng để thanh toán khi mua sắm”, bà Hà nói.
Trước “nút thắt” trên của thương mại điện tử, ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho rằng, Việt Nam hiện chưa có biện pháp tháo gỡ. “Trung Quốc có đơn vị trọng tài mà nếu anh cung cấp hàng hóa có vấn đề chất lượng hay có phàn nàn từ người mua thì đơn vị này giữ lại tiền hay có biện pháp nào đó để xử lý”, ông Minh lấy ví dụ.
Về nâng cao an toàn bảo mật thẻ, Phó tổng giám đốc Napas cho hay, đơn vị này đang cùng Ngân hàng Nhà nước xây dựng hạ tầng để chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip và kéo dài thời gian giao dịch liên ngân hàng lên 24/7. Theo đó, từ năm 2018 sẽ bắt đầu phát hành thẻ chip và đến hết năm 2020 sẽ thực hiện chuyển đổi toàn thẻ từ đã phát hành sang thẻ chip để tăng tính bảo mật thông tin thẻ. “Nếu không chuyển đổi thì Việt Nam trở thành vùng trũng, là thị trường mục tiêu của tội phạm thẻ. Điều này rất nguy hiểm”, ông Minh nói.
Báo Giao thông