MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý đường tồn kho, nhập lậu nhiều nhưng giá vẫn ở mức cao

22-08-2016 - 18:03 PM | Thị trường

Lượng đường nhập lậu năm nay đã có dấu hiệu suy giảm nhưng vẫn cao, khoảng 200.000 tấn. Đường giữ giá cao trong khi nguồn cung không thiếu được xem là một nghịch lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất cần sử dụng tới đường.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong tuần qua, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại nhà máy ổn định, hiện đang ở mức trên dưới 16.300 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguồn cung đường trong nước hiện nay không thiếu. Lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, khoảng 416.000 tấn, cộng với lượng đường chuyển từ Lào về Việt Nam của Hoàng Anh Gia Lai hơn 30.000 tấn, 85.000 tấn đường phải nhập hàng năm theo cam kết với WTO và 100.000 tấn được Chính phủ đồng ý chủ trương nhập bổ sung chưa thực hiện. Theo đó khả năng thời gian tới có thể dư thừa hơn 200.000 tấn đường. Bên cạnh đó, lượng đường nhập lậu năm nay có giảm nhưng vẫn cao, khoảng 200.000 tấn.

Đáng chú ý, trong khi nguồn cung không thiếu nhưng giá đường vẫn duy trì ở mức cao so với hồi đầu năm. Theo ghi nhận, tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá đường chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Giá đường kính trắng xuất khẩu trong siêu thị hiện là 21.000 đồng/kg. Giá đường bán lẻ 19.000 - 21.000 đồng/kg. Đường giữ giá cao trong khi nguồn cung không thiếu là một nghịch lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất cần sử dụng tới đường.

Được biết, giá đường hiện ở mức cao trước hết là do sản lượng mía giảm nhiều do hạn, mặn. Đầu niên vụ 2015-2016, để khuyến khích nông dân trồng mía, nhiều nhà máy đường đã tăng giá thu mua mía lên khá nhiều. Vì thế, các nhà máy đang buộc phải điều chỉnh giá đường bán ra theo hướng tăng lên để bù chi phí sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá đường trên thế giới tăng do ảnh hưởng của El Nino. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như trên thì việc một số doanh nghiệp, nhà buôn trung gian tranh thủ găm hàng, đầu cơ cũng khiến giá đường bị đẩy lên cao.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân giá cao trong khi tồn kho lớn là do nhiều đại lý, doanh nghiệp còn găm hàng, chưa chịu hạ giá bán để trục lợi. Nên để kéo giá đường xuống, cân đối cung cầu thì phải loại bỏ tình trạng đầu cơ.

Chỉ rõ hơn sự "gian manh" này của các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại Vũ Vinh Phú nhận định, hiện nay còn quá nhiều khâu trung gian phân phối đường đã tạo điều kiện cho các tư thương gom hàng trục lợi bất chính. Muốn hạ giá đường, phải tổ chức lại khâu phân phối, cắt bớt các khâu trung gian không cần thiết để đường từ nhà máy có thể đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Nếu không làm được điều này thì dù hạn ngạch nhập khẩu đường có tăng lên nữa thì giá đường vẫn khó giảm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã khẳng định, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường găm hàng đợi giá đường tăng đã gián tiếp khiến giá đường sốt ảo, gây khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra để phát hiện các doanh nghiệp cố tình đầu cơ trục lợi.

Theo Tuyết Nhung

Một thế giới

Trở lên trên