MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý: Giá gia súc gia cầm xuống thấp kỷ lục, nhập khẩu thức ăn gia súc vẫn tăng ầm ầm

29-06-2017 - 10:22 AM | Thị trường

Mặc dù ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn, song sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước lại đang có sự tăng trưởng “nóng”.

Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm của Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do giá gia súc, gia cầm xuống mức thấp kỷ lục, mà vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi theo hướng xuất khẩu bền vững; mặc dù vậy, tình hình nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu vẫn đang có chiều hướng tăng mạnh.

Theo số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2017 Việt Nam đã chi ra khoảng gần 1,5 tỷ USD để nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu, con số này tăng 20,6% so với 5 tháng đầu năm 2016. Thị trường lớn nhất cung cấp thức ăn gia súc nhập khẩu cho Việt Nam là Argentina (chiếm 48% thị phần); 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này trị giá 636 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu từ Hoa Kỳ - thị trường lớn thứ 2, chiếm 12% thị phần, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng mạnh 27% so với cùng kỳ, đạt 161,2 triệu USD; nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ - thị trường đứng thứ 3 về kim ngạch (chiếm 6% thị phần), kim ngạch cũng tăng rất mạnh 116% so với cùng kỳ, đạt 74,9 triệu USD.

Thị trường nổi bật nhất về mức tăng kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Italia. Mặc dù kim ngạch chỉ đạt trên 39 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ thì tăng đột biến gấp 9 lần (tức tăng 894%). Bên cạnh đó, nhập khẩu cũng tăng mạnh trên 100% kim ngạch từ một số thị trường như: nhập từ thị trường Canada (tăng 211%, đạt 18,4 triệu USD); Ấn Độ (tăng 116%, đạt 74,9 triệu USD); Chilê (tăng 165%, đạt 4 triệu USD); Mexico(tăng 158%, đạt 1,5 triệu USD); Anh (tăng 124%, đạt 1,1 triệu USD).

Thức ăn gia súc nhập khẩu chủ yếu là ngô và đậu tương; trong đó, đậu tương nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2017 cũng tăng 23% về khối lượng và tăng 37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 (đạt 730.789 tấn, trị giá 321,8 triệu USD); trong đó đậu tương nhập khẩu từ thị trường Canada tăng mạnh 328% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ (đạt 122.814 tấn, trị giá 57,8 triệu USD).

Nhập khẩu ngô 5 tháng đầu năm 2017 tăng 5% về khối lượng và tăng 8,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 (đạt trên 3,1 triệu tấn, trị giá 634,8 triệu USD). Argentina và Brazil là hai thị trường cung cấp ngô nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam, chiếm lần lượt là 43% và 17% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. Đáng chú ý nhất là lượng ngô nhập khẩu từ thị trường Thái Lan trong 5 tháng đầu năm 2017 tăng gấp 43 lần so với cùng kỳ năm 2016, nhưng giá trị chỉ tăng hơn 4 lần (đạt 150.896 tấn, trị giá 44,3 triệu USD).

Theo các chuyên gia, nguyên nhân nhập khẩu thức thức ăn chăn nuôi về Việt Nam tăng mạnh, do giá thức ăn chăn nuôi (ngô và đậu tương) của của các thị trường chính như Hoa Kỳ, Argentina, Ấn Độ… đang ở mức khá thấp; trong khi giá nguyên liệu trong nước lại cao nên khó cạnh tranh.

Hiện giá ngô nhập từ Hoa Kỳ, Argentina về đến cảng của Việt Nam đang được chào bán với giá 4.700 đồng/kg, luôn thấp hơn giá ngô trong nước. Giá bã đậu nành về cũng chưa tới 10.000 đồng/kg.

Theo ước tính, hiện nước ta thường xuyên phải nhập khẩu 50% trên tổng sản lượng ngô phục vụ ngành chăn nuôi, khô dầu gần như 100% và các nguyên liệu phụ gia như premix, vitamin, axit amin, các chất phụ gia màu, mùi sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi nước ta phải nhập gần như 100%. Thị trường nhập khẩu các mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc, các nước châu Âu và Nhật Bản.

Mặc dù ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn, song sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước lại đang có sự tăng trưởng “nóng”. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tại, nước ta có 218 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, với tổng công suất trên 31 triệu tấn, cao hơn nhu cầu thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2020 (25 triệu tấn). Sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghiệp năm 2016 đạt 20,15 triệu tấn, tăng 27,3% so với năm 2015 (15,8 triệu tấn). Hiện năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang vượt quá sức tiêu thụ của thị trường, có nguy cơ cảnh báo trong thời gian tới cần phải xuất khẩu hoặc có biện pháp để giảm tốc độ của các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Thùy Linh

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên