MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý giá vàng còn tiếp diễn đến bao giờ?

21-12-2016 - 07:17 AM | Tài chính - ngân hàng

​Giá vàng trong nước vênh với thế giới trên dưới 5 triệu đồng/lượng suốt nhiều ngày qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giá vàng trên thị trường thế giới liên tục đi xuống trong thời gian gần đây. So với 1 tháng trước, vàng giao ngay đã giảm 75 USD tương đương 6,2%, từ mức trên 1.200 USD/ounce xuống còn quanh 1.130 USD/ounce hiện tại.

Trong khi đó, thị trường vàng trong nước lại có diễn biến ngược lại. Giá vàng miếng SJC được các “nhà vàng” cố thủ ở mức cao trên 36 triệu đồng/lượng. So với cách đây 1 tháng, giá vàng chẳng những không giảm mà còn tăng thêm 500 nghìn đồng, tương đương khoảng 1,6%.

Do sự biến động “lệch pha” nhau nên khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng, hiện ở mức hơn 5 triệu đồng mỗi lượng, trong khi cách đây 1 tháng mức chênh chỉ 3 triệu đồng.

Nguyên nhân nào khiến giá vàng miếng trong nước lại “một mình một chợ” như vậy?


Giá vàng trong nước và thế giới đang lệch pha nhau (Diễn biến giá vàng 3 tháng gần đây, nguồn BTMC)

Giá vàng trong nước và thế giới đang lệch pha nhau (Diễn biến giá vàng 3 tháng gần đây, nguồn BTMC)

Dấu hiệu đầu cơ thấy rõ

Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng, từ đầu tháng 12 đến nay, các tin đồn thất thiệt trên thị trường góp phần đẩy giá USD, đồng thời kéo giá vàng trong nước lên cao dù giá vàng thế giới liên tục đi xuống. Thực tế, đồng USD ngoài thị trường tự do có lúc lên trên 23.400 đồng và hiện cũng bám quanh mức 23.300 đồng còn USD ngân hàng thì có thời điểm lên trên 22.800 đồng.

Trên thế giới khi đồng USD tăng thường khiến vàng giảm nhưng Việt Nam thì ngược lại, đồng USD tăng giá làm cho thị trường vàng cũng “nóng theo và không phải xuất phát từ lực cầu của người mua như các năm trước đây.

Chuyên gia Ngô Trí Long thì chia sẻ rằng, mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới khoảng 1 – 1,5 triệu đồng mỗi lượng là hợp lý, còn trên mức đó là đầu cơ. Cùng ý kiến như vậy, các chuyên gia khác cũng đánh giá có sự đầu cơ trên thị trường vàng. Trước đó, hồi ông Nguyễn Văn Bình còn làm Thống đốc NHNN, ông thậm chí cho rằng nếu vàng trong nước đắt hơn thế giới trên 400 nghìn đồng mỗi lượng đã là có dấu hiệu của đầu cơ.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cũng nhìn nhận rằng, mặc dù từ cuối tháng 11/2016 đến nay, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế có tăng nhưng chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu trong nước với giá vàng quốc tế quy đổi (chưa tính phí) chỉ ở mức dưới 1 triệu đồng/lượng, thị trường vàng ổn định, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng trong vẫn duy trì ở mức thấp, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những thời kỳ trước đây.

Và nguyên nhân khiến cho giá vàng trong nước và quốc tế ngày càng xa nhau, theo đại diện NHNN, là do sự sụt giảm của giá vàng quốc tế do đồng USD tiếp tục tăng giá so với những đồng tiền chủ chốt khác, lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng cao và sự lạc quan về triển vọng của thị trường tài chính trong đại bộ phận giới đầu tư. Trong khi đó, do trước đây các doanh nghiệp và người dân đã mua vàng với giá cao chưa muốn bán vàng ra nên giá vàng trong nước vẫn còn biến động chậm hơn.

Không chỉ là khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới nới rộng mà bản thân giữa giá bán ra và mua vào ở các doanh nghiệp cũng duy trì khoảng cách rất lớn, hiện ở mức 500 nghìn đồng/lượng, trong khi bình thường chưa đến 100 nghìn đồng. Lý giải hiện tượng này, theo đại diện các doanh nghiệp vàng, họ phải nới giá bán lên cao so với giá mua để…phòng ngừa rủi ro.

Thị trường neo giá chờ... NHNN can thiệp?

Dù rằng cơ quan quản lý Nhà nước đã nói rằng sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết. Tuy nhiên thị trường vàng đã biến động không theo xu hướng thế giới suốt 1 tháng qua song vẫn chưa thấy có sự can thiệp nào.

Mới đây, tại Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, một trong những yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với Ngân hàng Nhà nước cũng có đề cập đến thị trường vàng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN cần chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và thị trường vàng…

Theo ý kiến của một chuyên gia kỳ cựu, cơ quan quản lý cần có thông điệp hoặc hành động cứng rắn hơn nhằm loại bỏ tình trạng đầu cơ trên thị trường vàng một cách triệt để. Tuy nhiên, hành động như thế nào thì lại đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ lưỡng sao cho phù hợp với thị trường, với nguồn lực sẵn có cũng như chủ trương của Chính phủ.

Cơ quan quản lý cũng cần phải làm sao để thị trường vàng không còn trông chờ vào sự can thiệp của NHNN nữa, vì sự trông chờ ấy cũng tiềm ẩn nguy cơ dễ bị lợi dụng để đầu cơ. Chính vì vậy, vị này "hiến kế" rằng, thay vì NHNN là người tham gia mua bán trực tiếp để bình ổn thị trường như từng làm trong giai đoạn trước, nay có thể giao vai trò điều tiết mua bán ấy cho các doanh nghiệp và các ngân hàng cùng thực hiện như một mạng lưới chân rết của NHNN. Khi ấy NHNN vẫn giữ vai trò quản lý, khi cần bình ổn mua vào bán ra chỉ cần chỉ đạo các doanh nghiệp như với các ngân hàng bình ổn ngoại tệ hiện nay. Có như vậy, thị trường vàng mới có thể ổn định được.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên