Nghiên cứu cho thấy: Lãnh đạo trẻ tuổi có nhiều điểm nổi trội hơn hẳn những người đồng cấp lớn tuổi
Lãnh đạo trẻ thiếu góc nhìn mang tính chiến lược và kiến thức sâu về lĩnh vực họ đang làm, nhưng về tổng thể, họ hơn hẳn sếp già.
- 10-07-2017Bài học lãnh đạo sâu sắc tôi học được từ những người có tầm ảnh hưởng thế giới khi làm việc chung: Đây là lý do họ làm sếp, còn bạn thì không
- 06-07-20177 nguyên tắc sống để đời của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: Tôi chọn làm một lãnh đạo được nể sợ
- 06-07-20173 tính cách hiếm có khó tìm trong công sở, nhưng ai có cả 3 sẽ được lãnh đạo hết mực tin dùng
Joseph Folkman - cây bút của Forbes chuyên viết những câu chuyện dựa trên các dữ liệu quản trị kinh doanh - đưa ra kết quả, người trẻ lãnh đạo tốt hơn khi so sánh hai nhóm: lãnh đạo trẻ và già.
Đánh giá này dựa trên dữ liệu công việc và đánh giá từ nhiều nhóm, phòng, ban khác nhau trong các công ty.
Folkman kể rằng, mỗi khi các công ty đề bạt những người trẻ tuổi lên vị trí lãnh đạo, nhiều người xung quanh luôn nghi ngờ về năng lực của họ và đặt ra những phân vân: “Anh ta chẳng có nhiều kinh nghiệm quản lý con người” hay “Ông nghĩ là anh ta có thể đảm nhận công việc của một quản lý sao?”
Folkman thú thực, là một ông sếp già, ông luôn nghĩ những lãnh đạo kỳ cựu mới là người dẫn dắt nhóm hiệu quả hơn. Tuy vậy, dữ liệu ông tìm thấy đã khiến ông phải suy nghĩ lại.
Trong một bài báo trên trang Harvard Business Review về hơn 65.000 lãnh đạo. Ông và đồng nghiệp Jack Zenger đã sàng lọc và chia ra làm hai nhóm: nhóm lãnh đạo 30 tuổi trở xuống và nhóm lãnh đạo trên 45 tuổi. Folkman và đồng nghiệp đã rút ra một số điểm đáng chú ý.
Cụ thể, trong nhóm lãnh đạo trẻ, 44% được xếp là nhóm sở hữu những phẩm chất lãnh đạo toàn diện như kỹ năng quản lý, nhất quán, biết lắng nghe, truyền cảm hứng cho nhân viên... Ngược lại, nhóm lãnh đạo già chỉ có 20% sở hữu tố chất toàn diện này.
Khi Folkman và đồng nghiệp tổng hợp dữ liệu đánh giá từ các phòng, ban khác nhau, nhóm lãnh đạo trẻ được đánh giá tốt hơn trong tất cả các hạng mục được đưa ra.
Tuy nhiên, từ một số bình luận và dữ liệu khác, Folkman cũng chỉ ra những hạn chế của các lãnh đạo trẻ. Cụ thể, họ không được cấp dưới và đồng nghiệp hoàn toàn tin tưởng, họ cũng luôn nghi ngờ năng lực không đủ khả năng để đại diện cho công ty. Một số bình luận chỉ ra rằng, lãnh đạo trẻ thiếu những góc nhìn mang tính chiến lược và kiến thức sâu về lĩnh vực họ đang làm.
Folkman cho rằng, điều đó không phải là vấn đề quá lớn bởi những điều đó sẽ được học và cải thiện qua thời gian.
Sau đây là 6 lí do Folkman đúc kết khi cho rằng, một lãnh đạo trẻ có thể làm việc tốt.
1. Sẵn sàng đón nhận sự thay đổi:
Lãnh đạo trẻ luôn cổ vũ sự thay đổi. Họ luôn tiếp nhận và “tiếp thị” ý tưởng mới. Họ dũng cảm để tạo ra sự thay đổi dù biết, sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Có thể, sự thiếu kinh nghiệm khiến họ nhìn nhận mọi thứ một cách đầy lạc quan. Tuy vậy, họ sở hữu lòng can đảm để đưa ra những sự thay đổi lớn và sẵn sàng trở thành những nhà cải cách.
2. Truyền cảm hứng:
Lãnh đạo trẻ luôn biết cách khiến người khác tràn đầy năng lượng cho công việc và khơi gợi sự hứng khởi, giúp nhân viên hoàn thành mục tiêu. So với nhóm lãnh đạo già, họ có xu hướng dẫn dắt, tạo cảm hứng làm việc hơn là thúc ép nhân viên làm việc.
3. Cởi mở với phản biện:
Lãnh đạo trẻ hoàn toàn cởi mở với phản biện từ nhân viên. Họ thường xuyên yêu cầu nhân viên đóng góp ý kiến cho các dự án và mong muốn nhận được góp ý nghiêm túc liên quan đến nhiệm vụ của họ. Từ đó, họ sẽ tiếp thu và khắc phục những điều chưa thuyết phục. Về điểm này, lãnh đạo già ít khi sẵn sàng với những phê bình từ nhân viên hơn.
4. Liên tục cải thiện:
Lãnh đạo trẻ luôn sẵn sàng thử thách và không chấp nhận tình trạng hiện tại. Họ luôn tìm kiếm những phương pháp hiện đại nhằm hoàn thành công việc hiệu quả và chất lượng cao hơn gấp bội.
5. Chú trọng mục tiêu:
Lãnh đạo trẻ sẽ làm mọi thứ có thể để hoàn thành mục tiêu. Họ luôn khao khát thành quả và sẽ tập trung tối đa năng lượng để đạt được mục tiêu. Ngược lại, khi một người làm việc trong công ty trong một thời gian dài, họ sẽ trở nên dễ hài lòng với xem những kết quả không mấy nổi trội là vừa đủ.
6. Nâng cao mục tiêu:
Lãnh đạo trẻ luôn sẵn sàng đặt ra những mục tiêu cao hơn. Trong khi đó, lãnh đạo già thường đặt ra những mục tiêu an toàn bởi không phải làm việc quá nhiều. Lãnh đạo trẻ có xu hướng đặt ra mục tiêu khó và khích lệ nhân viên của họ “chiến đấu” để hoàn thành nhiệm vụ.
Mọi công ty sẽ đến lúc cần những người trẻ thay thế những lãnh đạo tiền nhiệm. Hiểu được những điểm mạnh của người trẻ sẽ tạo ra cơ hội lớn, dẫn đến sự thành công cho các công ty.
Hãy nhìn quanh, họ có thể là một ai đó đang ngồi ở góc phòng trong công ty bạn đấy!