MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghiên cứu đáng lo ngại: Lớn lên trong môi trường ô nhiễm không khí có nguy cơ cao mắc bệnh tâm thần sau này

24-08-2019 - 00:30 AM | Sống

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, việc sống giữa môi trường ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần hoặc trầm cảm.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, những người sinh trưởng và lớn lên ở những khu vực có chất lượng không khí kém, nhiều khả năng mắc chứng trầm cảm và rối loạn lưỡng cực về sau này.

Nghiên cứu đáng lo ngại: Lớn lên trong môi trường ô nhiễm không khí có nguy cơ cao mắc bệnh tâm thần sau này - Ảnh 1.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Chicago, Mỹ đã tiến hành so sánh 151 triệu hồ sơ bảo hiểm y tế và thống kê ô nhiễm trên toàn nước Mỹ và số liệu từ sổ đăng ký sức khỏe bao gồm 1,4 triệu người ở Đan Mạch. Kết quả họ phát hiện thấy mối liên kết quan trọng giữa các rối loạn sức khỏe tâm thần và việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí, đặc biệt là thời thơ ấu.

Theo đó, người Mỹ sống ở khu vực ô nhiễm nặng có nguy cơ mắc chứng rối loạn lưỡng cực tới 27% và trầm cảm tới 6%.

Tương tự như vậy, những người bị phơi nhiễm khí thải cao trước 10 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn nhân cách cao hơn gấp đôi so với những người lớn lên trong môi trường không khí lành mạnh.

Các nhà khoa học Anh cho biết, việc cải thiện chất lượng không khí có thể mang tới cơ hội chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn và phòng ngừa bệnh tâm thần về sau này.

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Atik Khan cho biết, những bệnh về thần kinh và tâm thần gây tốn kém về mặt tài chính và làm rối loạn xã hội. Và dường như căn bệnh này đang ngày càng phổ biến tại những nơi có chất lượng không khí kém.

Trong nhiều năm trở lại đây, các nhà khoa học luôn cố gắng phát hiện các biến thể di truyền khiến một số người dễ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên họ phát hiện thấy dường như ADN chỉ chiếm 10% rủi ro đối với hầu hết mọi người. Trên thực tế, sự tương tác phức tạp của di truyền, hóa chất thần kinh và các yếu tố xã hội cũng là một phần nguyên nhân.

Một số nghiên cứu gần đây về động vật gặm nhấm cho thấy, các hạt nhỏ phát ra từ động cơ diesel, có thể đi thẳng tới não thông qua mũi, phổi và động vật tiếp xúc với ô nhiễm có dấu hiệu suy giảm nhận thức và các triệu chứng giống như trầm cảm.

Nghiên cứu đáng lo ngại: Lớn lên trong môi trường ô nhiễm không khí có nguy cơ cao mắc bệnh tâm thần sau này - Ảnh 2.

Ô nhiễm không khí liên quan đến nhiều căn bệnh phổ biến như bệnh phổi, tiểu đường và đau tim. Năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Đại học Lancaster đã phát hiện thấy, các hạt từ tính phun ra từ động cơ xe hơi và phanh có trong não bộ của những người mắc chứng mất trí nhớ Alzheimer.

Theo các nhà khoa học Anh, những người sống ở khu vực ô nhiễm hơn có xu hướng dễ mắc nhiều chứng bệnh hơn do tầng lớp thấp kém. Tuy nhiên rõ ràng việc cắt giảm khí thải sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tâm thần tốt hơn cho toàn bộ cộng đồng.

Tiến sĩ Ioannis Bakolis, Giảng viên khoa Thống kê sinh học và Dịch tễ học tại Đại học King tin tưởng, phát hiện trên sẽ bổ sung thêm bằng chứng cho nhiều nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và rối loạn tâm thần.

Cải thiện chất lượng không khí chính là giải quyết tốt nhất lúc này mà mỗi quốc gia cần làm để bảo vệ sức khỏe tâm thần cho người dân.

Tiến sĩ Daniel Maughan đến từ Đại học tâm thần học Hoàng gia Anh nhận định, nghiên cứu không khẳng định ô nhiễm không khí gây ra bệnh tâm thần mà chỉ hé lộ mối liên hệ giữa việc tiếp xúc sớm với ô nhiễm không khí và nguy cơ phát triển bệnh lý tâm thần về sau này.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính, ô nhiễm không khí giết chết 7 triệu người mỗi năm. Con số này tương đương 13 triệu người chết mỗi phút và nhiều hơn tổng cộng số người chết vì chiến tranh, giết chóc, lao, HIV, AIDS và sốt rét.

Một số nghiên cứu trước đây đã liên kết giữa chất lượng không khí kém với một loạt các tình trạng bệnh gồm hen suyễn, bệnh tim và các loại ung thư khác nhau.

Nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí PLOS Biology mới đây.

(Tham khảo Independent)

Theo Thiên Long

Trí thức trẻ

Trở lên trên