MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài chiến tranh thương mại, ông Tập còn phải đối mặt với những vấn đề "gây nhức đầu" gấp bội ở quê nhà

07-09-2019 - 08:35 AM | Tài chính quốc tế

Giống như ông Trump đang lo lắng về nhiệm kỳ sắp tới, thì ông Tập cũng có những nỗi lo cần phải cân bằng. Và nền kinh tế là thách thức rõ ràng đối với ông.

Tổng thống Donald Trump mới đây cho biết rằng bất kỳ thoả thuận thương mại nào mà Trung Quốc có thể đạt được từ Mỹ sẽ trở nên "khó khăn hơn rất nhiều" khi ông tái đắc cử. Đương nhiên, ẩn ý ở đây là Bắc Kinh nên thực sự thực hiện điều gì đó trước tháng 11/2020.

Cùng ngày hôm đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố với các quan chức trong nước rằng những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt sẽ chỉ ngày càng rối ren hơn và rằng những cuộc đối đầu này có thể sẽ kéo dài đến ít nhất là vào năm 2049. Dựa vào 2 thông tin này, dường như khoảng cách giữa ông Tập và ông Trump là khoảng 30 năm, dù có thể sẽ ngắn hơn.

Sự liền mạch của hệ thống chính trị và kế hoạch dài hạn được coi là một trong những thế mạnh của Trung Quốc. Điều đó cũng khiến nhiều người nghi ngờ chiến lược cuối cùng của Bắc Kinh là chờ đợi ông Trump hết nhiệm kỳ và tìm cách đối đầu với chính quyền mới. Dẫu vậy, giống như ông Trump đang lo lắng về nhiệm kỳ sắp tới, thì ông Tập cũng có những nỗi lo cần phải cân bằng. Và nền kinh tế là thách thức rõ ràng đối với ông.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại và triển vọng đối với đất nước này thậm chí còn thấp hơn nữa. Tuần này, một số nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo cho năm 2020, sau khi thuế quan bổ sung từ Mỹ có hiệu lực vào hôm 1/9.

Một thoả thuận thương mại không chỉ là "chỗ dựa" cho triển vọng tăng trưởng, điều này cũng giúp Bắc Kinh có được một khoảng thời gian nhẹ nhõm mà họ cần khi phải đối mặt với vô số những vấn đề kinh tế khác. Mức độ nguy hiểm của nợ, sự căng thẳng trong hệ thống ngân hàng và bong bóng thị trường nhà ở là một trong số đó.

Ngoài chiến tranh thương mại, ông Tập còn phải đối mặt với những vấn đề gây nhức đầu gấp bội ở quê nhà - Ảnh 1.

Hơn nữa, ngay cả khi Trung Quốc đang chờ đợi thời cơ ông Trump không thể tiếp tục nhiệm kỳ sau, thì vẫn không điều gì có thể đảm bảo rằng việc đối đầu với chính quyền mới sẽ dễ dàng. Cuối cùng thì, có rất nhiều lý do lý giải tại sao một thoả thuận trước ngày 11/2020 sẽ là sự ổn thoả với Bắc Kinh.

Hồng Kông

Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã đưa ra động thái nhượng bộ lớn nhất từ trước tới nay đối với phe biểu tình. Hồi đầu tuần này, bà tuyên bố rằng khai tử dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Ngay sao đó, thị trường chứng khoán Hồng Kông đã phản ứng tích cực với đà tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. 

Ngoài chiến tranh thương mại, ông Tập còn phải đối mặt với những vấn đề gây nhức đầu gấp bội ở quê nhà - Ảnh 2.

Dẫu vậy, nhiều người biểu tình vẫn không hài lòng với tuyên bố của bà Lam, họ cho rằng mọi thứ đã "quá muộn màng". Với tình trạng nhiều cuộc biểu tình vẫn được kêu gọi thực hiện vào cuối tuần này, thì một giải pháp hợp lý nên được đưa ra vào ngày thứ Hai.

Huawei

"Gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc đã đưa ra động thái đối phó với Washington khi đưa ra một loạt cáo buộc chống lại chính phủ Mỹ. Khiếu nại của Huawei bao gồm cáo buộc Mỹ giam giữ nhân viên của họ và gây áp lực buộc các nhân viên này phải tiết lộ thông tin của công ty.

Giờ đây, Huawei phải đối mặt với rủi ro rất lớn, bộ phận bán điện thoại của họ hồi tháng trước có thể mất 10 tỷ USD vì lệnh hạn chế mua công nghệ từ Mỹ. Vị trí dẫn đầu trong cuộc đua 5G của công ty này cũng đang bị đe doạ khi Mỹ kêu gọi các đồng minh tẩy chay thiết bị của họ.

Giá thịt lợn

Dịch tả lợn châu Phi vẫn hoành hành ở Trung Quốc. Thành phố Nam Ninh bắt đầu đưa ra mức giới hạn không chỉ đối với mức giá bán thịt lợn, mà còn là số lượng mua thịt lợn của mỗi khách hàng. Bởi thịt lợn là một nguyên liệu rất phổ biến trong các bữa ăn của người Trung Quốc, nên mức giá cũng như số lượng có sẵn là một vấn đề nhạy cảm. Điều đó có thể phần nào giải thích lý do tại sao chính quyền địa phương dường như đang khiến Bắc Kinh bối rối về mức độ nghiêm trọng của nó. Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, cuối tuần trước cho biết tình trạng này "căng thẳng hơn nhiều so với những gì chúng tôi được thông báo".

Giá nhà ở

Vấn đề nhạy cảm khác khiến ông Tập "đau đầu" là giá nhà. Một trong những vấn đề gây ra tình trạng bất ổn ở Hồng Kông là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Điều đó khiến nhiều người đối mặt với nguy cơ không có nhà để ở. Đó cũng là một vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh lo ngại, khi Bộ Chính trị nước này cho biết rằng Trung Quốc sẽ không nới lỏng sự kiểm soát đối với thị trường bất động sản, thậm chí khi nền kinh tế giảm tốc.

Ngoài chiến tranh thương mại, ông Tập còn phải đối mặt với những vấn đề gây nhức đầu gấp bội ở quê nhà - Ảnh 3.

Để hiểu được những rủi ro có thể xảy ra, hãy nhìn vào thành phố hạng 2 Hạ Môn. Giá nhà ở đây đã tăng hơn gấp 3 lần trong thập kỷ qua. Một căn hộ rộng hơn 1000m2 ở Hạ Môn hiện có giá tương đương với giá nhà ở London, dù mức lương trung bình ở địa phương chỉ bằng 1/4 so với thủ đô của Anh.

Hương Giang

Bloomberg

Trở lên trên