MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài vàng, nhà đầu tư Mỹ còn nháo nhào tích trữ bitcoin và rượu whisky vì lo sợ lạm phát tăng cao

31-08-2020 - 19:28 PM | Tài chính quốc tế

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, một loạt nhà đầu tư và chuyên gia đã cảnh báo rằng lãi suất gần bằng 0 và việc Fed mua trái phiếu Kho bạc sẽ khiến nền kinh tế "chìm ngập" trong USD, đẩy giá tiêu dùng và bong bóng thị trường chắc chắn sẽ vỡ tung.

Vào một bữa trưa năm 2009, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu mua trái phiếu kho bạc sau những "tàn dư" mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để lại, Richard Hodges đã bước ra khỏi văn phòng để mua thỏi vàng đầu tiên tại Thành phố London.

Ở thập kỷ sau, ông đã tích trữ thêm vài kg vàng, được cất giữ trong "tầng hầm nhỏ của Bank of America". Hodges – nhà quản lý tài sản tại Nomura Asset Management, cho rằng biện pháp kích thích của ngân hàng trung ương đã mở ra "một thời đại thao túng giá tiền tệ và tài sản". Ông đã đánh cược rằng loại tài sản hữu hình là vàng có thể giữ nguyên giá trị nếu thị trường biến động và tài sản trên giấy sụp đổ. Ông cho hay: "Tôi thậm chí còn sắp xếp những thỏi vàng này như trong phim."

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, một loạt nhà đầu tư và chuyên gia đã cảnh báo rằng lãi suất gần bằng 0 và việc Fed mua trái phiếu Kho bạc sẽ khiến nền kinh tế "chìm ngập" trong USD, đẩy giá tiêu dùng và bong bóng thị trường chắc chắn sẽ vỡ tung. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát đã được khắc phục trong thập kỷ qua.

Chứng khoán toàn cầu đã hồi phục hơn 150% khi cổ tức và trái phiếu dài hạn đã giúp "túi tiền" của nhà đầu tăng gấp đôi. Ngay cả đại dịch và suy thoái cũng không thể xóa sổ những "thành quả" đó. Giá vàng giao ngay đã tăng gần 60% trong 10 năm qua. Nếu kim loại quý này là một "hàng rào" trú ẩn thì nó đã chống lại một thảm họa không hề xảy đến.

Dẫu vậy, nhu cầu đối với vàng trong thời gian gần đây đã tăng vọt. Lần gần đây nhất mà Hodges mua vàng là hồi tháng 5 và không còn thời điểm nào tốt hơn khi ấy. 3 tháng sau đó, giá vàng chạm mốc kỷ lục 2.064 USD/ounce, từ mức 1.700 USD vào đầu tháng 5, còn hiện tại dao động quanh mức 1.900 USD. Mối lo ngại về lạm phát một lần nữa lại xuất hiện, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ngay cả khi các biện pháp kích thích được tung ra ở thập kỷ trước không đủ để thúc đẩy mức giá tiêu dùng lên cao hơn, thì nỗi lo sợ đó vẫn tiếp diễn khi những động thái được Fed bổ sung khi đại dịch bùng phát. Cùng với vàng, nhà đầu tư còn tích trữ bitcoin và thậm chí cả rượu whisky khi tìm kiếm "hầm trú ẩn".

Có thể, nhà đầu tư không cho rằng lạm phát ngay lập tức tăng đột biến hoặc cực kỳ nhanh. Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ trong 12 tháng kết thúc vào tháng 7 chỉ tăng 1%. Mức giá trên thị trường trái phiếu – nơi nhà đầu tư có thể đặt cược vào mức độ lạm phát trong tương lai, cho thấy lạm phát có thể tăng lên. Tuy nhiên, nhà đầu tư trái phiếu chỉ đang đòi hỏi mức lãi suất 1.7% trong vòng 10 năm tới.

Một trường hợp mà nhà đầu tư có thể cân nhắc để phòng ngừa rủi ro đó là tỷ lệ lạm phát chỉ được phép vượt mức 1,7% với 1 điểm phần trăm, hoặc cả hệ thống sẽ bị "sốc". Nikhil Chandra – giám đốc đầu tư bộ phận tài sản thực tại Aviva Investors, cho hay: "3% không phải là mức siêu lạm phát, nhưng tỷ lệ lạm phát 3% mỗi năm có thể khiến tài sản của bạn giảm 1 nửa giá trị trong chưa đầy 25 năm. Khó mà nói rằng lạm phát đã hoàn toàn biến mất." Ông lập luận rằng các khoản đầu tư tạo ra thu nhập như bất động sản là một cách để tỷ suất sinh lời cao hơn lạm phát.

Trong khi đó, liệu vàng có mang đến sự phòng vệ như các nhà đầu tư kỳ vọng hay không là một câu hỏi phức tạp hơn. Campbell Harvey – giáo sư ngành tài chính tại Đại học Duke, nhận định: "Vàng là một biện pháp phòng ngừa lạm phát không đáng tin cậy". Ông và các cộng sự nghiên cứu nhận thấy rằng giá trị của vàng được giữ vững rất tốt kể từ thời La Mã, nhưng rất dễ gặp biến động và sụp đổ trong các giai đoạn ngắn. Hiện tại, trên cơ sở điều chỉnh theo lạm phát, vàng đang đắt hơn so với trước đây. Nếu giá vàng quay lại mức trung bình trong dài hạn, nhà đầu đổ tiền vào kim loại này có thể sẽ mất rất nhiều tiền.

Các nhà đầu tư tiền số hiện cũng có cách suy nghĩ giống nhà đầu tư vàng. Dù không phải loại tài sản vật lý như vàng, nhưng tiền số lại bị hạn chế nguồn cung, khiến nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào loại tài sản này nếu giá trị của tiền giấy bị sụt giảm. Đồng tiền số phổ biến nhất thế giới là bitcoin đã tăng 60% trong năm nay, lên mức 11.300 USD. Michael Novogratz – nhà sáng lập và CEO của Galaxy Investment Partners, cho hay: "Tôi nghĩ rằng, cả vàng và bitcoin đều là ‘biện pháp’ bảo vệ trước những bất ổn đang diễn ra." ¼ tài sản của ông thuộc lĩnh vực tiền số và các công ty liên quan.

Novogratz nói thêm, cũng như vàng, bitcoin có giá trị cao chỉ đơn là vì mọi người tin rằng nó có giá trị cao. Điều khiến bitcoin là loại tài sản hấp dẫn đối với ông là hiện tại nó vẫn ở giai đoạn dần được chấp nhận. Tuy nhiên, bitcoin lại mang tính đầu cơ hơn vàng. Ngay cả sau khi đã tăng giá mạnh trong năm nay, thì giá của đồng tiền số này vẫn thấp hơn 40% so với mức đỉnh vào năm 2017.

Trong khi đó, loại tài sản được nhà đầu tư James Scott gần đây rất ưa thích là rượu whisky. Ít nhất có 4.000 lít rượu được cất giữ trong 1 nhà kho của ông ở Scotland. Ông bắt đầu sưu tập rượu whisky cách đây 5-6 năm, đầu tiên là mua theo chai sau đó là theo thùng. Gần đây, Scott đã bán một thùng Bunnahabhain 28 năm tuổi, được sản xuất trên đảo Islay sau khi tăng giá 10% trong 11 tháng.

Ông cho biết: "Rõ ràng rằng giá rượu whisky còn tăng nhanh hơn lạm phát. Không có gì để bàn về việc đó." Nhưng liệu điều gì sẽ xảy ra nếu lạm phát không tăng? Đối với Scott, whisky vẫn là loại tài sản có lợi thế hơn so với tài sản tài chính truyền thống. Ông nói: "Nếu whisky không phải là một khoản đầu tư thành công, thì ít nhất bạn vẫn có một bữa tiệc tuyệt vời."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên