Nhà vườn trong phố của gia đình cô giáo ở Hà Giang: Dồn tâm huyết cho mảnh vườn, cùng chồng và các con sống gần gũi với thiên nhiên
Mong muốn gia đình có một không gian sống rộng rãi, thoáng đãng, có sân vườn, gia đình anh Huy chị Thảo đã chuyển nhà từ trung tâm thành phố ra khu đô thị mới để thỏa sức chăm chút cho tổ ấm của mình.
- 16-03-2022[ Tuổi 30, tôi có 1 căn nhà] Vợ chồng trẻ quyết mua căn hộ 4 tỷ dù phải đi vay hơn 50%, lên kế hoạch tăng thu nhập để trả nợ trong 1-2 năm: Đầu tư cho tổ ấm là xứng đáng vì ''an cư rồi mới lạc nghiệp''
- 15-03-2022[ Tuổi 30, tôi có 1 căn nhà ] 28 tuổi có cả tỷ đồng, mặc lời dị nghị "sao không ở thành phố cho sướng", chàng trai trẻ đánh liều vay thêm tiền để về quê: Ngôi nhà đầu tiên chất chứa nhiều hoài bão
- 14-03-2022[ Tuổi 30, tôi có 1 căn nhà ] Mong ước có nhà ở Hà Nội, 9X tỉnh lẻ vừa học đại học vừa tập tành kinh doanh: 22 tuổi mua xe, tậu nhà tiền tỷ, đủ tiền nhưng vẫn trả góp vì 1 lý do
Ngôi nhà đẹp là khi chủ nhân
dành tình yêu cho mỗi góc nhỏ
Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về một ngôi nhà đẹp. Đó là nội thất sang trọng, cách bố trí đồ đạc nghệ thuật, hài hòa hay không gian rộng lớn… Tuy nhiên, khi nhìn căn nhà vườn trong phố của gia đình chị Đỗ Phương Thảo, 41 tuổi, ở Hà Giang, bạn sẽ nhận ra rằng, ngôi nhà đẹp là khi chủ nhân dành tình yêu cho mỗi góc nhỏ, nơi các thành viên trong gia đình dành nhiều tâm sức để cùng nhau vun đắp mỗi ngày để tổ ấm của họ thân thuộc, thoải mái nhất có thể.
Chị Đỗ Phương Thảo, từng là giáo viên cấp 3 nhưng hiện đang ở nhà làm nội trợ. Trước đây, gia đình chị ở trong một ngôi nhà ở 1 phường trung tâm của thành phố Hà Giang. Vì cả 2 vợ chồng đều thích ở một nơi rộng rãi, thoáng đãng, có không gian, có nơi làm vườn nên đã quyết tâm chuyển chỗ ở tới một khu đô thị mới của TP Hà Giang.
Toàn bộ khu đất rộng được 2 vợ chồng chị Thảo lên ý tưởng sau đó giao cho bên thiết kế hiện thực hóa. Theo đó, anh chị dùng 1 nửa để xây nhà ở và diện tích sân vườn để trồng hoa. Diện tích còn lại được sử dụng để làm vườn trồng rau sạch cung cấp cho gia đình.
Lối ra cổng phụ vào mùa xuân ngập tràn hoa lá.
Ngôi nhà được anh chị lên ý tưởng sau đó đưa cho bên thiết kế để hiện thực hoá.
Trong quá trình làm nhà, vợ chồng chị Thảo trực tiếp tham gia vào rất nhiều công đoạn như: làm hàng rào, làm lối đi quanh nhà... Với tình yêu với sỏi đá, khi xây dựng ngôi nhà mới vợ chồng chị Thảo đã đưa rất nhiều sỏi đá tự nhiên vào căn nhà của mình từ cổng vào, hàng rào để lối đi, sân, vườn. Chị Thảo tự tay nhặt từng viên sỏi ở sông về và tỉ mẩn ghép thành cánh hoa trang trí cho ngôi nhà của mình.
Từ tường rào, sân, vườn đến móng nhà đều được ốp sỏi.
Chị Thảo cũng tự sáng tạo những bức tranh nghệ thuật từ sỏi đá trang trí cho ngôi nhà của mình.
Bồn cây cũng ốp đá
Khu vườn của người nông dân phố
Vốn là người rất thích việc trồng và chăm sóc cây cối, nhận thức được những lợi ích to lớn trong việc làm vườn, quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ về thể chất cũng như tinh thần cho các thành viên trong gia đình, nên anh chị dành 1 diện tích tương đối lớn để làm vườn. Và điều khiến chị yêu thích, tự hào nhất trong ngôi nhà của mình không phải là không gian, nội thất mà chính là mảnh vườn với đủ loại hoa, trái, rau sạch.
Chị Thảo tự nhận mình là một "người nông dân phố". Chị chia sẻ rằng, trồng rau ở thành phố siêu tốn kém. Trước tiên bạn cần có một mảnh đất, mà đất thành phố thì tất nhiên có giá không hề rẻ. "Mảnh vườn này là biết bao tâm huyết và sức lực của 2 vợ chồng. Đá xếp luống phải thuê người xuống sông lấy rồi thuê xe trở về. Sỏi lối đi trong vườn cũng phải thay 2 lần để cho các con có thể dễ dàng đi lại. Đất trồng rau vì không có kinh nghiệm cũng phải thay 2 lần rồi. Mỗi lần làm thuê nhân công rất tốn kém".
Mảnh vườn nhỏ của gia đình chị Thảo được bố trí hệ thống tưới nước tự động, nhưng hàng ngày chị vẫn chăm chỉ ngâm nước rau củ quả để bón từng gốc cây.
Toàn bộ rau, trái trong vườn đều được chị Thảo trồng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng hóa chất. Ngoài thuê nhân công làm các việc nặng, các công việc chăm sóc vườn hàng ngày như nhổ cỏ, rắc phân, làm đất, chị Thảo đều tự tay tham gia.
Mảnh vườn tuy không quá rộng những cũng trồng đủ loại rau, cung cấp đủ cho nhu cầu của gia đình 2 người lớn, 3 trẻ con.
Chị Thảo thưởng thức ly cà phê, ngắm khu vườn xanh do mình chăm sóc
Với chị Thảo, làm vườn rất vất vả, nhưng đem lại niềm vui vô giá. Với chị, thời gian chăm sóc cây cối vừa giúp rèn luyện thể chất và hít thở không khí trong lạnh, tăng cường miễn dịch, giảm bớt các triệu chứng hen, suyễn, dị ứng… và đặc biệt giúp giảm stress hiệu quả.
"Có cái vườn vô cùng tiện lợi. Cần rau gì, đặc biệt là các loại rau gia vị, chỉ cần chạy ào ra vườn cái là có ngay. Buổi sáng bát mì tôm thêm nắm cải cúc vừa hái; lát bánh mì, trứng ốp la thêm vài lá mùi, xà lách cũng trở nên tuyệt hảo. Hạnh phúc nhất khi được chồng con ca ngợi món salad từ các loại rau trong vườn là món salad ngon nhất thế giới", chị Thảo tâm sự.
Cả gia đình chị đều tham gia vào việc chăm sóc vườn rau và vườn hoa của gia đình. Nhà chị có 3 cô con gái. Cô cả đang học cấp 3, vì bận học nên chỉ tham gia vào việc chăm sóc vườn vào những ngày nghỉ, cô thứ 2 và cô út thì thường xuyên hơn. Cô thứ 2 thường đc mẹ giao cho các việc như thu hoạch, tưới các chậu cây nho nhỏ, buộc dây cho những cây thân leo... Chị Thảo cũng dạy bé được một số kĩ năng làm vườn như tách ngó dâu tây, cắt tỉa lá...
Nhờ có mảnh vườn mà chị dạy được cô út 2 tuổi rất nhiều sự vật, nhiều từ vựng về cây cối, động vật bằng cả tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Việt. Chị Thảo cảm thấy may mắn vì các con được sống trong một môi trường trong lành, gần gũi với thiên nhiên, được thoải mái vui chơi và vận động.
Hơn cả một vườn rau, vườn chính là nơi vui chơi, nơi thư giãn của cả gia đình chị Thảo. "Vườn cũng là nơi có thể dạy cho lũ trẻ rất nhiều điều, về thực vật, về động vật, về sự sống... Các con nhờ việc tham gia làm vườn cùng mẹ mà biết được những gì có lợi hay bất lợi, các con bắt đầu hình thành khái niệm nhân quả.
Con chăm chút cái cây, cái cây sẽ sinh trưởng khoẻ mạnh. Con chăm chỉ, con sẽ có những bữa ăn ngon. Cũng từ việc chăm sóc cây cối mà từ đó các con biết quý trọng sinh mệnh. Hơn cả việc làm vườn, tôi đúc rút ra được rất nhiều triết lý sống, đặc biệt là những triết lý trong việc giáo dục con cái. Làm vườn cũng giúp tôi cải thiện rất nhiều sức khoẻ thể chất cũng như sức khoẻ tinh thần", chị Thảo say mê nói về khu vườn của gia đình.
Ảnh: NVCC