MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngôi trường giữa sa mạc có khả năng tự làm mát không cần điều hoà

10-08-2023 - 16:10 PM | Sống

Thị trấn Jaisalmer phía bắc Ấn Độ, thường được gọi “Thành phố Vàng”, là nơi sở hữu dãy kiến trúc bằng đá sa thạch có thể tự làm mát giữa cái nóng 49 độ C ở sa mạc.

Tại khu vực này, các tòa nhà từ lâu đã được thiết kế để thích ứng với cái nóng sa mạc, ngôi trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati cũng không phải một ngoại lệ.

Kiến trúc sư người Mỹ Diana Kellogg xây dựng ngôi trường nhằm mục đích trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua giáo dục ở khu vực có tỷ lệ phụ nữ biết chữ thấp nhất ở Ấn Độ.

Dự án được ủy quyền bởi CITTA, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ cung cấp hỗ trợ kinh tế và giáo dục cho các cộng đồng phụ nữ ở vùng sâu vùng xa tại Ấn Độ. Trường Rajkumari Ratnavati nằm trong dự án kiến trúc gồm ba phần, bao gồm trường học, trung tâm hợp tác của phụ nữ và không gian triển lãm.

Ngôi trường giữa sa mạc có khả năng tự làm mát không cần điều hoà - Ảnh 1.

Ngôi trường nằm giữa sa mạc Thar vẫn mát mẻ dù không có hệ thống điều hoà. (Ảnh: Diana Kellogg)

Rajkumari Ratnavati khánh thành vào tháng 11/2021, điểm độc đáo trong kiến trúc của trường là nó được xây hoàn toàn bằng đá sa thạch thân thiện với môi trường và có khả năng tự làm mát tuyệt diệu. Năm 2020, trường được tạp chí nội thất Architectiral Digest India vinh danh là “Toà nhà của năm”.

Theo kiến trúc sư Kellogg, việc thiết kế một không gian học tập thoải mái giữa trung tâm sa mạc Thar, nơi biến đổi khí hậu đang khiến hạn hán kéo dài, là một thách thức vô cùng lớn.

“Nhiều phương pháp làm mát không gian đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ. Những gì tôi đã làm là kết hợp chúng lại với nhau để tạo nên hiệu quả” , bà Kellogg nói, đồng thời cho biết thêm rằng nhiệt độ trong nhà ở trường thấp hơn khoảng 1-7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời.

Ngôi trường giữa sa mạc có khả năng tự làm mát không cần điều hoà - Ảnh 2.

Giống như nhiều cấu trúc ở Jaisalmer, ngôi trường sử dụng đá sa thạch làm vật liệu xây dựng. (Ảnh: Diana Kellogg)

Đối với cấu trúc, Kellogg lựa chọn sử dụng đá sa thạch có nguồn gốc địa phương – vật liệu có khả năng chống chịu khí hậu đã được sử dụng từ lâu cho các tòa nhà trong khu vực, bao gồm cả Pháo đài Jaisalmer.

“Đá sa thạch được sử dụng rất nhiều trong khu vực này. Giá cả của vật liệt này rất hợp lý và các thợ đá dễ dàng tạo tác. Ngoài ra, điểm đặc biệt của đá sa thạch là khả năng giữ nhiệt tuyệt vời và giữ mát vào ban đêm”, bà Kellogg cho hay.

Trong số các kỹ thuật truyền thống được sử dụng, bà Kellogg đã kết hợp lót các bức tường bên trong bằng thạch cao vôi, một vật liệu xốp có khả năng làm mát tự nhiên giúp giải phóng hơi ẩm bị tích tụ lại do độ ẩm cao.

Ngôi trường giữa sa mạc có khả năng tự làm mát không cần điều hoà - Ảnh 3.

Bên trong trường, các phòng học rộng rãi và sáng sủa với thiết kế trần nhà và các cửa sổ cao để giải phóng hơi nóng và độ ẩm tối ưu. (Ảnh: Diana Kellogg)

Lấy cảm hứng từ các tòa nhà khác trong khu vực, bà Kellogg lắp đặt một bức tường jali, một lưới đá sa thạch giúp đẩy nhanh tốc độ gió, từ đó làm mát không gian sân trường, đồng thời cung cấp nhiều bóng râm.

Bên cạnh đó, thiết kế trần nhà và cửa sổ ở vị trí cao cũng giúp giải phóng nhiệt tăng cao trong các lớp học. Mái che của trường được tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời không chỉ giúp cung cấp bóng mát mà còn chuyển hoá năng lượng sạch cho cơ sở.

Ngôi trường giữa sa mạc có khả năng tự làm mát không cần điều hoà - Ảnh 4.

Nhìn từ trên cao, trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati có hình elip như một quả trứng nằm giữa sa mạc, tượng trưng cho sức mạnh của nữ giới. (Ảnh: Diana Kellogg)

Nhìn từ trên cao, cấu trúc tổng thể của ngôi trường có hình elip. Lý giải về thiết kế đặc biệt này, bà Kellogg nói rằng cấu trúc này sẽ tăng khả năng thu và lưu thông không khí mát mẻ, đồng thời nó cũng mang ý nghĩa biểu tượng của sự nữ tính, phù hợp với đặc điểm của dự án.

Bà Kellogg lưu ý rằng, mặc dù những kỹ thuật làm mát được sử dụng tại trường có thể được áp dụng ở những nơi khác, nhưng hiệu quả và tính bền vững của chúng sẽ thay đổi khác nhau giữa các địa điểm. Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như hướng gió và các loại đá sa thạch cụ thể. Mỗi loại đá khác nhau sẽ có khả năng điều chỉnh nhiệt độ khác nhau.

Ngôi trường giữa sa mạc có khả năng tự làm mát không cần điều hoà - Ảnh 5.

Đối với học sinh, việc sử dụng vật liệu thân thuộc ở địa phương như đá sa thạch sẽ giúp các em cảm thấy thoải mái hơn, từ đó tự tin hơn. (Ảnh: Diana Kellogg)

Toà nhà không lắp đặt bất cứ hệ thống điều hòa không khí nào, không chỉ vì tác động đến môi trường mà còn bởi điều hoà nhiệt độ chưa phổ biến trong khu vực này. Kiến trúc sư Kellogg tin rằng, bằng cách áp dụng các cơ chế làm mát truyền thống và tự nhiên, các sinh viên sẽ có được cảm giác thoải mái từ môi trường xung quanh, từ đó khiến họ trở nên tự tin hơn.

Ngôi trường giữa sa mạc có khả năng tự làm mát không cần điều hoà - Ảnh 6.

Ngôi trường giữa sa mạc có khả năng tự làm mát không cần điều hoà - Ảnh 7.

Bao bọc xung quanh trường là những bức tường jalis kẻ ô vuông. Những lưới sa thạch này giúp cung cấp bóng râm và tăng tốc luồng gió để làm mát sân trường. (Ảnh: Diana Kellogg)

“Bản thân tôi đã chứng kiến điều này trong 3-4 tháng qua. Sự thay đổi ở các cô gái, từ khá nhút nhát trở nên rạng rỡ như ánh nắng mai. Họ chăm chỉ học tập và sẽ “ngấu nghiến” bất cứ loại kiến thức nào được đưa ra trước mặt họ” , bà Kellogg nói.

 (Nguồn: CNN)


Theo Phương Thảo/VTC News

vtc.vn

Trở lên trên