"Ngọn núi lửa" EU trực phun trào, euro ngày càng lép vế so với USD
Sự bất lực của châu Âu trong việc đảm bảo sự sống còn của đồng euro mặc nhiên đã đưa USD trở thành tiền tệ đáng tin cậy không thể thay thế trên thế giới.
Những ai đã kỳ vọng rằng đồng euro, đồng tiền pháp định của một hệ thống kinh tế gần tương xứng quy mô nền kinh tế Mỹ là phương tiện hữu hiệu để đa dạng hoá hạng mục đầu tư sẽ phải chấp nhận một thực tế giản đơn: USD vẫn là một đồng tiền giao dịch toàn cầu không thể thay thế và cho đến nay là tài sản dự trữ quan trọng nhất trên thế giới.
Những hy vọng ấp ủ của cựu Tổng thống Pháp François Mitterrand và cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl về một đồng tiền chung euro có thể liên kết Pháp và Đức và phần còn lại của châu Âu thành một liên minh hoà bình và thịnh vượng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Thành quả chính trị của các nhà lãnh đạo này đã trở thành biểu tượng bất hoà của châu Âu và là nguyên nhân dẫn đến những chia rẽ về kinh tế và chính trị dường như khó có thể hoà giải giữa hai nước thành viên lớn này của Liên minh châu Âu (EU).
Tại Pháp đang nổ ra những cuộc biểu tình bạo loạn trên đường phố. Họ yêu cầu chính phủ ngay lập tức rút lui khỏi EU và liên minh tiền tệ euro. Các nhà đầu tư cần phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Kể cả khi Pháp có thể chống lại làn sóng phản đối EU, sự xung đột âm ỉ từ lâu với Đức xem ra khó tránh khỏi. Đối với nhiều chính trị gia Pháp, Đức đã đi quá xa trong việc "chỉ huy” các nước châu Âu, dẫn đến những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội và chính trị cho Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp do áp đặt chính sách khắc khổ tài chính của mình.
Giới phân tích nhận định những hậu quả về kinh tế và tài chính do làn sóng đối địch hiện nay trong lòng châu Âu dẫn đến một cơn địa chấn về chính trị có thể là rất nghiêm trọng. Chiếm 20% thị phần các tài sản dự trữ trên thế giới, đồng euro vẫn là đồng tiền giao dịch chính thức trên 1/5 nền kinh tế thế giới.
Cả hai nước Đức và Pháp đều biết rằng để vận hành liên minh tiền tệ đúng cách cũng như tăng cường sự tín nhiệm của đồng euro, châu Âu cần có các chính sách tài chính chung và có sự thống nhất trong điều tiết thị trường lao động.Đó là những gì cần thiết để hoàn tất liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu. Song cách tổ chức đó chỉ có thể có tính khả thi trong một liên minh chính trị với cơ cấu hành chính của một nhà nước liên bang.
Trong khi đó những người ủng hộ Brexit gọi Liên minh tiền tệ Châu Âu (EMU) là một siêu quốc gia của châu Âu. Họ không muốn là một phần của liên minh này vì lo sợ rằng Cung điện Westminster tôn kính sẽ biến thành viện bảo tàng của nền dân chủ nghị viện.
Là kiến trúc sư của cả hệ thống tiền tệ khu vực đồng tiền chung châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Đức muốn liên minh tài chính này vận hành theo các điều khoản của mình. Đức đề nghị bầu một bộ trưởng tài chính cho khu vực euro để phụ trách quản lý ngân sách chung và cấp tài chính nợ công chung.
Song nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang đưa ra một đề xuất mà người Pháp khó có thể chấp nhận. Paris kiên quyết đề xuất tiến hành các cuộc thương lượng liên chính phủ về các vấn đề tài chính, cho phép Hội đồng EU giám sát và đe doạ trừng phạt theo hướng có thể thương lượng.
Đức là nước đầu tiên vi phạm các quy định về tài chính của khu vực euro với thâm hụt ngân sách trên 3% GDP trong ba năm liên tiếp (từ 2001 đến 2003) song người Đức từ chối bàn luận về điều này. Song hiện nay Đức đang thúc ép EC tiến hành trừng phạt Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì không đạt được chỉ tiêu thâm hụt ngân sách. Những người Hy Lạp nghèo song dũng cảm đang ngẹt thở bởi các cuộc tổng đình công do Đức từ chối tiếp thêm một chút dưỡng khí bằng cách chấp nhận đề xuất quản lý nợ linh hoạt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo các phương tiện thông tin Pháp, các biện pháp Đức và Pháp cần thực hiện để củng cố khu vực euro gồm lập ra một nghị viện của liên minh tiền tệ này để giám sát công tác quản lý tiền tệ và chính trị đồng thời nhanh chóng thực hiện xoá các khoản nợ công vượt trên 60% GDP.
Ngoài ra, Đức lo sợ sẽ đơn độc nếu Anh rút khỏi EU. Vào đầu tháng 5, phát biểu trước công chúng Anh Bộ trưởng Tài chính Đức cho biết Brexit có thể khiến châu Âu trở nên "kém ổn định và dễ biến động hơn” và "những người Đức chúng tôi sẽ khóc” nếu Anh ra đi. Lời "thỉnh cầu" này cho thấy mối quan hệ đang xói mòn sâu sắc giữa Pháp và Đức, trong đó những cơ hội thoả hiệp về một liên minh tài chính đích thực và các biện pháp để củng cố EMU là số không tròn trĩnh.
Cho dù các đảng cực tả và cực hữu tại Pháp nếu thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2017 không sớm thực hiện chủ trương rút lui khỏi EU và euro, thì mọi thứ sẽ vẫn ì ạch cho đến khi cuộc khủng hoảng tiếp theo làm "nổ tung” liên minh tiền tệ này. Quả bom hẹn giờ này đang điểm và nó được cài đặt bởi chính sách khắc khổ tài chính đã khiến nền kinh tế đình trệ (GDP của khu vực euro thấp hơn mức 2007 trước khủng hoảng tài chính), tỉ lệ thất nghiệp cao và tình hình chính trị bất ổn.
Có thể thấy, đồng euro đang thực sự bị tổn thương bởi những bất đồng khó có thể hàn gắn giữa Pháp và Đức về cách thức quản lý liên minh tiền tệ EU. Cuộc khủng hoảng này còn bị ảnh hưởng bởi phong trào chống EU và bài trừ Đức ngày càng gia tăng của các phe phái chính trị ở Pháp và của các phong trào xã hội chính trị tương tự ở Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.
Trong bối cảnh này, đồng USD mặc nhiên thắng thế. Một đồng USD mạnh cũng có thể trì hoãn và tiết chế các biện pháp tăng lãi suất của Fed, vì đồng USD tăng giá về kỹ thuật tương đương với việc thắt chặt tiền tệ.