MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người cởi trói cho doanh nghiệp

Khi còn là thủ tướng, ông Phan Văn Khải cho rằng Chính phủ trong mối quan hệ với doanh nghiệp không phải là “sự ban ơn” mà là sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm trước yêu cầu chung của sự nghiệp phát triển đất nước.

LTS: Hôm nay, sau lễ truy điệu, linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ được đưa về an táng tại quê nhà ở Củ Chi (TP.HCM). Để thêm một lần nữa nhìn lại những thành tựu của ông, cũng như lối sống giản dị, nghĩa tình của ông lúc sinh thời, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Thủ tướng Phan Văn Khải là người đã tiếp nối và phát huy ý chí cùng tư duy đổi mới của người tiền nhiệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt . Dưới sự điều hành và các quyết sách từ ông (bắt nguồn từ những năm ông còn là phó thủ tướng 1991-1997), Chính phủ giai đoạn đó đã tạo nên bước tiến mới về ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Trong quan hệ với mọi người, ông Khải là một người chân tình, khiêm tốn, có nhiều bạn bè.

Chính phủ không ban ơn cho doanh nghiệp

Khi nhậm chức Thủ tướng, ông Phan Văn Khải chọn ngay doanh nhân là tầng lớp nhân dân đầu tiên để tiếp xúc. Thủ tướng đã tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp (DN) ở ba nơi: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM để các doanh nhân tiện đi lại và tiết kiệm chi phí.

Tại các cuộc gặp này, ông Khải nói rõ: “Trong mối quan hệ giữa Chính phủ với DN, lâu nay thường chỉ nhấn mạnh quan hệ quản lý của Nhà nước và quan hệ này thường được hiểu theo nghĩa cơ quan nhà nước xét duyệt, kiểm soát, ban ơn cho DN. Theo tôi, phải quan niệm lại cho đầy đủ mối quan hệ này là mối quan hệ hợp tác, cộng đồng trách nhiệm trước yêu cầu chung của sự nghiệp phát triển đất nước”.

Lắng nghe ý kiến của các DN qua các cuộc tiếp xúc này, ông Khải chỉ đạo xây dựng Luật DN. Nhưng quan trọng không chỉ là việc xây dựng luật mà việc đấu tranh để luật được trình ra Quốc hội thông qua không phải dễ. Bởi lúc đó những quan điểm cơ bản để xây dựng Luật DN như “người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm (còn công chức chỉ được làm những gì luật pháp cho phép)” và “phải giảm tiền kiểm, chuyển sang hậu kiểm” không phải dễ dàng đạt được sự nhất trí trong bộ máy.

Thủ tướng cũng chỉ đạo sát sao việc xây dựng các văn bản pháp quy để thi hành luật ngay sau khi luật được ban hành. Ông cũng cho thành lập một tổ công tác thi hành luật do bộ trưởng Bộ KH&ĐT (người đã trực tiếp xây dựng luật và bảo vệ luật trước Quốc hội), đứng đầu để làm việc với từng bộ, đặc biệt là trong việc xóa bỏ giấy phép con gây phiền hà cho DN.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định xóa bỏ gần một nửa số giấy phép con, lúc đó ở cỡ vài trăm giấy phép. Nhưng mấy năm sau khi Thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm thì báo chí đưa tin số giấy phép con do các bộ ban hành lên đến hàng mấy ngàn và bây giờ lại phải đặt ra giảm bớt giấy phép con.

Người cởi trói cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp năm 2004. Ảnh: QUỐC TUẤN

Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hội nhập quốc tế

Cùng với việc xóa bỏ những thủ tục hành chính cản trở DN, Thủ tướng Phan Văn Khải rất quan tâm tới ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng kết cấu hạ tầng để cải thiện môi trường và điều kiện cho hoạt động kinh doanh.

Mở đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng, kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề trong khu vực; nhưng chúng ta đã chống chọi được và sau hai năm đã ổn định được tỉ giá hối đoái cùng chỉ số hàng tiêu dùng, đưa nhịp độ tăng trưởng GDP hằng năm lên 7%-8%.

Trong lĩnh vực đối ngoại, ông Phan Văn Khải ngay từ khi làm phó thủ tướng cũng như khi ở cương vị thủ tướng, đã cùng với bộ trưởng ngoại giao khi đó là ông Nguyễn Mạnh Cầm, sau đó là Phó Thủ tướng Vũ Khoan, tích cực thúc đẩy hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, gia nhập mấy tổ chức tài chính quốc tế và một số tổ chức liên kết khu vực.

Ông Khải đã có phần đóng góp quan trọng vào việc giải quyết nợ nước ngoài từ những năm chiến tranh (vận động nước chủ nợ xóa một phần nợ, đồng ý cho Việt Nam trả dần số còn lại bằng hàng Việt Nam); việc bình thường hóa và nối lại quan hệ thương mại với Mỹ, với Cộng đồng châu Âu (EU), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, gia nhập ASEAN, tham gia APEC, ASEM...

TRẦN ĐỨC NGUYÊN, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu

của Thủ tướng Phan Văn Khải

Vị thủ tướng nghĩa tình và khiêm tốn

Ông Khải, từ khi còn làm cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, sống ở khu tập thể đầu phố Thụy Khuê, có quan hệ thân tình với anh chị em cùng ở trong khu ấy. Sau khi ông Khải lên làm thủ tướng, những người ở khu vực ấy vẫn thỉnh thoảng đến thăm hỏi và ông Khải đón tiếp rất niềm nở, xưng hô như ngày nào. Ông sống tình nghĩa, chan hòa, nhiều bạn và rất khiêm tốn, không bao giờ tự đề cao mình và đánh giá thấp những người cùng làm việc.

Khi trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông không bao giờ "nghĩ một đằng, nói một nẻo" hoặc "nói thế này, làm thế khác". Khi không đồng ý thì nói không đồng ý. Cũng có cái ông ấy bảo không phải tôi không đồng ý với các anh nhưng lúc này chưa thể tạo được sự nhất trí, đồng thuận để triển khai. Ông ấy nói thẳng: "Nhận với các cậu rồi không làm được thì không hay!".

Trong quan hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài, ông Khải cũng tạo được sự thân tình với những người có thiện cảm và quan tâm giúp đỡ Việt Nam. Chẳng hạn, Thủ tướng đã kết bạn với mấy chính trị gia hàng đầu của Nhật Bản. Có thủ tướng Nhật Bản khi nghỉ hưu rồi vẫn sang Việt Nam thăm ông Khải. Thậm chí có thủ tướng, phó thủ tướng Nhật sau khi qua đời, mỗi lần ông Khải sang Nhật, con cái họ đều đến gặp hoặc khi con cái họ sang Việt Nam đều ghé thăm ông Khải như thăm người thân. Đó là một quan hệ tình nghĩa chứ không phải chỉ là xã giao.

Khi về hưu, ông Khải nói mình không thể làm tiếp như anh Kiệt được cho nên chỉ lo được chuyện giúp đỡ quê hương thôi. Tuy vậy, mỗi lần sắp đại hội đảng, Trung ương yêu cầu đóng góp ý kiến ông ấy đều góp cả và góp rất thẳng thắn, kể cả trong chuyện quan trọng, nhạy cảm…

Ngoài chuyện giúp huyện Củ Chi phát triển sản xuất và chăm lo đời sống của dân, ông ấy vận động xây trường cấp 1, cấp 2 khá khang trang tại xã quê mình. Khi có trường này, ông ấy không nói với các thầy cô những chuyện cao siêu mà chỉ yêu cầu làm sao cho trẻ em sống có văn hóa, trước hết đừng có "chửi thề". Qua một thời gian, ông hỏi lại, các thầy, cô giáo nói là thầy cô làm gương, các cháu noi theo không văng tục nữa. Điều đó cũng giúp gắn bó quan hệ thầy trò, bạn bè và ảnh hưởng tích cực đến học tập.

TRẦN ĐỨC NGUYÊN

Theo Chân Luận

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên