MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân Hà Nội kêu trời vì hoá đơn tiền điện tháng vừa qua tăng gấp đôi: Công ty điện lực lý giải nguyên nhân

21-07-2019 - 07:26 AM | Thị trường

Sau khi nhiều người dân bày tỏ thắc mắc vì nhận hóa đơn tiền điện trong tháng 6 tăng đột biến so với các tháng trước đó, đại diện tổng công ty điện lực Hà Nội cho biết, đơn vị có nhận được phản ánh của người dân, và đưa ra những lý giải về hiện tượng này.

Nhiều người sửng sốt khi hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi

Những tuần vừa qua, miền Bắc trải qua đợt nắng nóng kinh hoàng kéo dài với nền nhiệt trung bình khoảng 37 - 40 độ C. Cùng với đó, hóa đơn tiền điện trong tháng 6 của một số hộ gia đình có hiện tượng tăng đột biến khiến nhiều người dân bất ngờ và không khỏi thắc mắc.

Chia sẻ về hóa đơn tiền điện mà gia đình đã phải nộp trong tháng 6 vừa qua, anh Hoàng Anh (36 tuổi, ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đã phải thanh toán hơn 4,8 triệu đồng tiền điện (điện năng sử dụng 1,591kWh). Trong khi tháng trước đó gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng, 2 con nhỏ chỉ sử dụng hết 976kWh tương đương 2,8 triệu đồng.

Người dân Hà Nội kêu trời vì hoá đơn tiền điện tháng vừa qua tăng gấp đôi: Công ty điện lực lý giải nguyên nhân - Ảnh 1.

Tiện điện trong tháng 6 của gia đình anh Hoàng Anh tăng hơn 2 triệu đồng từ 2,3 triệu (tháng 5) lên 4,8 triệu (tháng 6)

Tương tự, anh Hoàng Ân (Linh Đàm, Hà Nội) cũng cho biết, số thiết bị điện gia đình anh sử dụng vẫn như tháng trước đó, thậm chí còn tiết kiệm hơn nhưng tiền điện trong tháng 6 vừa qua cũng đã tăng thêm 600.000 đồng từ 2,036 triệu đồng lên 2,583 triệu đồng.

Người dân Hà Nội kêu trời vì hoá đơn tiền điện tháng vừa qua tăng gấp đôi: Công ty điện lực lý giải nguyên nhân - Ảnh 2.
Người dân Hà Nội kêu trời vì hoá đơn tiền điện tháng vừa qua tăng gấp đôi: Công ty điện lực lý giải nguyên nhân - Ảnh 3.

Số tiền điện tháng 6 của nhà anh Hoàng Ân tăng khoảng hơn 500.000 đồng so với tháng trước.

"Nhà tôi có 2 trẻ nhỏ ở nhà, nên một điều hòa 9000 BTU hoạt động 24/24, 1 điều hòa 9000 BTU khác bật từ 8h tối - 6h sáng. Cộng thêm các thiết bị điện sinh hoạt khác nữa. Dù đã cố gắng sử dụng tiết kiệm hơn nhưng hóa đơn tiền điện tháng này vẫn tăng khá khó hiểu", anh Ân chia sẻ thêm.

Trong khi đó, chị Nguyễn Trang (Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội) cùng bày tỏ thắc mắc khi tiền điện tháng này tăng đột biến dù chị vẫn dùng điện tương tự tháng trước, không hề phát sinh thêm thiết bị điện nào. "Mình hiện sống một mình, toàn đi làm từ sáng đến tối mới về nhà. Các thiết bị điện cũng như điều hòa chỉ sử dụng từ khoảng 20h tối đến khoảng 8h sáng hôm sau, nhưng tiền điện tháng này cũng đã lên 1,3 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với tháng 5 trước đó".

Đặc biệt, gia đình của chị Thu (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) cũng tỏ ra bất ngờ khi tiền điện trong tháng 6 vừa qua tăng gần gấp đôi so với tháng trước đó. Trong khi tháng 5 gia đình chị chỉ sử dụng hết 994kWh, tổng số tiền phải nộp là 2,912 triệu đồng thì sang tới tháng 6, sản lượng điện năng tiêu thụ tăng gấp đôi lên 1,840kWh, tương ứng với số tiền là 5,636 triệu đồng.

Người dân Hà Nội kêu trời vì hoá đơn tiền điện tháng vừa qua tăng gấp đôi: Công ty điện lực lý giải nguyên nhân - Ảnh 4.
Người dân Hà Nội kêu trời vì hoá đơn tiền điện tháng vừa qua tăng gấp đôi: Công ty điện lực lý giải nguyên nhân - Ảnh 5.

Chị Thu bày tỏ bất ngờ khi tiền điện tháng 6 của gia đình tăng gấp đôi từ 3 triệu đồng lên gần 6 triệu đồng trong tháng 6 vừa qua

"Nhận thông báo tiền điện tháng 6 mà tôi hết hồn. Bình thường các tháng khác chỉ hết khoảng hơn 3 triệu đồng tiền điện, mà đến tháng 6 vừa qua tăng vọt lên hơn 5 triệu đồng. Không hiểu đến tháng tới sẽ tăng lên bao nhiêu nữa, khó hiểu quá", chị Thu băn khoăn.

Cùng là một trong số các hộ dân có tiền điện tăng đột biến, chị Xuân (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, "Sau khi nhận hóa đơn tiền điện tăng đến 30% (từ khoảng gần 7 triệu lên tới 9 triệu đồng) trong tháng 6, cả nhà đã phải ngồi lại với nhau cùng họp gia đình để bàn về vấn đề tiết kiệm điện như thế nào".

Có thể dễ dàng lí giải do thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, các thiết bị điện như quạt, điều hòa trong các hộ gia đình, đặc biệt hộ kinh doanh đều hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu dẫn đến lượng tiêu thụ điện tăng. Thế nhưng khi nhận hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt, thậm chí gần gấp đôi vẫn khiến không ít người sửng sốt.

Tổng công ty điện lực Hà Nội lý giải nguyên nhân

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, đại diện tổng công ty điện lực Hà Nội cho biết, đơn vị có nhận được phản ánh của người dân.

Theo vị đại diện, thời gian vừa qua, tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát của người dân Thủ đô cũng tăng cao đột biến. Điều này dẫn đến lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô cũng tăng cao.

Người dân Hà Nội kêu trời vì hoá đơn tiền điện tháng vừa qua tăng gấp đôi: Công ty điện lực lý giải nguyên nhân - Ảnh 6.

Ảnh minh họa

Theo đó, lượng điện tiêu thụ bình quân trong tháng 6 tăng cao ở mức 71,18 triệu kWh/ngày (Trong đó có nhiều ngày cao kỷ lục như: ngày 12/6 mức 85,09 triệu kWh; ngày 13/6 mức 80,2 triệu kWh; ngày 21/6 mức 80,98 triệu kWh; ngày 22/6 mức 82,02 triệu kWh…).

Ngay trong những ngày đầu tháng 7, thời tiết ở Hà Nội tiếp tục nắng nóng gay gắt, lượng điện tiêu thụ toàn Thành phố đều duy trì ở mức rất cao trên 70 triệu kWh/ngày.

Cũng theo thống kê lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô, tổng lượng điện thành phần phụ tải quản lý tiêu dùng (điện phục vụ sinh hoạt) trong tháng 6 là 1.039,895 triệu kWh tăng trưởng 23% so với tháng 5 (843,927 triệu kWh) và tăng 36% so với tháng 4 (763,622 triệu kWh).

Điều này cho thấy, lượng điện tiêu thụ trong tháng 6 tăng trưởng rất cao. Dự báo hóa đơn tiền điện cũng tăng cao cùng tiêu thụ điện trong nắng nóng.

Trong những đợt nắng nóng gay gắt, để tránh tình trạng điện tiêu thụ tăng cao dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, điện lực Hà Nội khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm (bao gồm khung giờ từ 11h00 đến 14h00 và từ 18h00 đến 23h00 hàng ngày).

Sử dụng các loại điều hòa tiết kiệm năng lượng có kết hợp thêm quạt và để nhiệt độ từ 26 độ C trở lên. Nhiệt độ điều hòa cũng nên chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời từ 10 đến 12 độ C là hợp lý về tiêu thụ điện. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ gây tốn điện.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt áp dụng từ ngày 20-3-2019 được điều chỉnh tăng; chia làm 6 bậc, cụ thể như sau:

Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh (giá cũ là 1.549 đồng);

Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh (giá cũ 1.600 đồng);

Bậc 3 được tính giá 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh (giá cũ 1.858 đồng);

Bậc 4 được tính giá 2.536 đồng cho mức tiêu thụ 201-300 kWh (giá cũ 2.340 đồng);

Bậc 5 được tính giá 2.834 đồng cho mức tiêu thụ 301-400 kWh (giá cũ 2.615 đồng);

Bậc 6 được tính giá 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên (giá cũ 2.701 đồng).

Theo Kim Anh - Ngọc Thắng

Trí thức trẻ

Trở lên trên