MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người đàn ông 30 tuổi bị suy thận mạn tính do một vết nhiễm trùng từ thuở nhỏ: Bác sĩ cảnh báo cần hết sức lưu ý về một loại nhiễm trùng thông thường này

14-09-2020 - 11:48 AM | Sống

Bệnh viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn có thể dẫn tới viêm cầu thận mạn và suy thận mạn tính, làm chức năng thận suy giảm dần dần cho tới mất chức năng hoàn toàn đòi hỏi phải điều trị thay thế thận suy như lọc máu, ghép thận, ... tốn kém rất nhiều tiền của và gây mệt mỏi, chán nản cho người bệnh và gia đình người bệnh.

Thận là một tạng thuộc hệ tiết niệu, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Thận có chức năng lọc máu để bài tiết ra nước tiểu, đào thải các chất cặn bã của cơ thể, điều chỉnh các chất điện giải, ngoài ra thận còn có chức năng duy trì sự ổn định của huyết áp và tham gia vào quá trình tạo máu. Vì một lý do nào đó làm suy giảm chức năng thận sẽ dẫn đến rối loạn các chức năng trên kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống thậm chí tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Bộ môn Nội tổng hợp – Trường Đại học Y Hà Nội đã có bài viết cảnh báo về nguy cơ viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn:

Bệnh viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn

Bác sĩ Thanh chia sẻ rằng, trong 1 tuần anh đã khám cho 2 trường hợp đều là người bệnh nam giới, trẻ tuổi bị suy thận mạn tính do viêm cầu thận mạn .

Một trường hợp ở phòng khám là nam giới, 30 tuổi, chưa lập gia đình. Khai thác tiền sử có bị viêm cầu thận cấp vào năm 10 tuổi, được điều trị và theo dõi bởi chuyên khoa Nhi đến năm 14 tuổi thì tự dừng theo dõi và điều trị. Nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp khai thác được thời điểm đó có lẽ là một nhiễm trùng ngoài da vị trí mắt cá chân sau khi bị bỏng và không được chăm sóc vết thương tốt.

Khoảng nửa năm nay người bệnh đi khám lại thì đã phát hiện ra có viêm cầu thận mạn tính và suy thận mạn tính, siêu âm hai thận đã tăng âm vang và bắt đầu teo nhỏ nên không còn chỉ định sinh thiết để chẩn đoán chính xác thể bệnh của viêm cầu thận. Theo mẹ người bệnh thì gia đình tưởng là đã khỏi bệnh nên không cho con trai đi khám kiểm tra định kỳ nữa.

Một trường hợp khác cũng là một nam giới, cũng còn rất trẻ (28 tuổi), phải nhập viện điều trị nội trú vì suy thận nặng, phải lọc máu cấp cứu và đợi điều trị lọc máu chu kỳ. Khai thác tiền sử cũng thấy người bệnh bị viêm cầu thận cấp năm 10 tuổi nhưng đã phát hiện ra suy thận mạn từ mấy năm nay.

Người đàn ông 30 tuổi bị suy thận mạn tính do một vết nhiễm trùng từ thuở nhỏ: Bác sĩ cảnh báo cần hết sức lưu ý về một loại nhiễm trùng thông thường này - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Thanh.

Có lẽ những người học Y khoa dù là bác sĩ hay điều dưỡng thì không ai là không biết về thuật ngữ viêm cầu thận cấp. Viêm cầu thận cấp có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng được chia ra làm 2 nhóm là nhóm nguyên nhân do nhiễm trùng và các nguyên nhân không nhiễm trùng.

Viêm cầu thận cấp do nhiễm trùng có thể do nhiễm khuẩn (vi trùng), nhiễm virus (siêu vi trùng) và nhiễm ký sinh trùng. Một trong những căn nguyên vi khuẩn gây viêm cầu thận cấp sau nhiễm trùng (hay còn gọi viêm cầu thận cấp hậu nhiễm trùng) nổi tiếng nhất trong y văn, đã được chứng minh rõ ràng nhất về cơ chế bệnh sinh và điều trị là viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn (Streptococcus), do 2 loại nhiễm liên cầu thường gặp ở hầu họng (viêm họng cấp) và mụn mủ ở da.

Tại sao nhiễm liên cầu ở hầu họng hoặc ở da lại gây viêm cầu thận?

Có lẽ, trong tự nhiên thì cơ thể con người là một thực thể toàn mỹ nhất nhưng cũng phức tạp nhất, có nhiều điều đã được chứng minh rõ ràng bằng khoa học những cũng còn rất nhiều điều bí ẩn, chưa có lời giải đáp.

Trong viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu ở hầu họng hoặc ở da, sau một khoảng thời gian một vài tuần sẽ xuất hiện biểu hiện tổn thương ở thận: Phù toàn thân, tăng huyết áp, đái ít, hồng cầu và đạm (protein) trong nước tiểu. Trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện hội chứng thận hư do mất quá nhiều đạm trong máu qua nước tiểu gây giảm protein và albumin trong máu; trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện suy thận cấp, biến chứng viêm cầu thận tiến triển nhanh và suy thận tiến triển nhanh, thậm chí mất chức năng thận phải điều trị bằng lọc máu cấp cứu.

Người đàn ông 30 tuổi bị suy thận mạn tính do một vết nhiễm trùng từ thuở nhỏ: Bác sĩ cảnh báo cần hết sức lưu ý về một loại nhiễm trùng thông thường này - Ảnh 2.

Cơ chế đã được chứng minh là khi bị nhiễm liên cầu khuẩn, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được khởi động để chống lại hiện tượng nhiễm trùng này. Trong cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể. Các kháng thể này sẽ kết hợp với các kháng nguyên, là các thành phần cấu trúc của vi khuẩn tạo thành các phức hợp miễn dịch (phức hợp kháng nguyên – kháng thể). Các phức hợp miễn dịch này lưu thông (lưu hành) trong máu và đi đến, lắng đọng lại ở cầu thận.

Các phức hợp miễn dịch lắng đọng ở cầu thận sẽ kích hoạt các cơ chế gây viêm, và hiện tượng viêm xuất hiện. Thật không may cho cơ thể của chúng ta, hiện tượng viêm này lại tấn công và gây tổn thương luôn cả các thành phần của cầu thận và gây viêm cầu thận cấp.

Người ta thấy rằng, trong các chủng liên cầu khuẩn thì chỉ có chủng liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (một trong những đặc điểm giúp phân loại Liên cầu khuẩn) là có khả năng gây viêm cầu thận cấp.

Nhưng một điều cũng gây ngạc nhiên không kém là không phải là tất cả các loại (type) Liên cầu khuẩn mà chỉ có một số type mới có khả năng gây viêm cầu thận cấp, ví dụ như type 12 thường gây viêm họng (vào mùa đông) và type 49 thường gây viêm da (mụn mủ da vào mùa hè).

Và thời gian xuất hiện viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu cũng khác nhau tùy vào vị trí nhiễm trùng, khoảng 1-2 tuần với viêm họng và muộn hơn, sau khoảng 3 tuần với viêm da. Đó là khoảng thời gian để cơ thể huy động các cơ chế miễn dịch, hình thành kháng thể cũng như phức hợp miễn dịch, tấn công vào cầu thận và có biểu hiện trên lâm sàng, dù lúc này nhiễm trùng đã khỏi hoặc đã lui bệnh.

Vì vậy, viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu cũng được xếp vào nhóm bệnh viêm cầu thận có yếu tố miễn dịch. Nhưng, viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu hay gặp ở trẻ em hơn so với người trưởng thành. Ở trẻ em, lứa tuổi thường gặp là từ 2-15 tuổi, hay gặp nhất ở 8-9 tuổi. Ở người trưởng thành thì loại nhiễm trùng hay gặp hơn và gây viêm cầu thận cấp lại là do tụ cầu (Staphylococcus).

Điều trị viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu chủ yếu là điều trị hỗ trợ (nghỉ ngơi, chế độ ăn, thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp) và điều trị các biến chứng khác nếu có chứ không phải là ưu tiên điều trị kháng sinh (vì lúc này thường nhiễm trùng đã hết) và thường không cần đến các thuốc ức chế miễn dịch.

Ở trẻ em, tỉ lệ viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khỏi hoàn toàn khá cao, lên tới 90-95%. Ở người lớn, tỉ lệ này thấp hơn, chỉ còn khoảng 80-85%. Như vậy, viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu nhìn chung có tiến triển thuận lợi, nhưng có một tỉ lệ khoảng 5% trẻ em và 10-15% người trưởng thành sẽ tiến triển thành viêm cầu thận mạn tính (có protein và hồng cầu trong nước tiểu thường xuyên, có thể có tăng huyết áp và phù từng đợt).

Đặc biệt, có những bệnh nhân tưởng là đã khỏi hoàn toàn, xét nghiệm không thấy có protein và hồng cầu trong nước tiểu, nhưng thực tế vẫn có thể có tổn thương thận ở các mức độ khác nhau mà phải sinh thiết thận mới biết được, sau nhiều năm sẽ xuất hiện suy thận mạn, xuất hiện lại protein niệu và hồng cầu niệu, thậm chí là bị bệnh thận giai đoạn cuối sớm nếu như không được phát hiện sớm và điều trị bảo tồn kịp thời.

Do đó, những người bị các đợt viêm họng cấp và viêm da mủ cũng cần phải lưu ý đến biến chứng viêm cầu thận cấp. Và những người bệnh đã được chẩn đoán viêm cầu thận cấp dù đã ổn định cũng cần chú ý khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để tránh biến chứng viêm cầu thận mạn và suy thận mạn tính có thể xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Thanh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên