MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người đàn ông bản lĩnh thực sự, làm nên sự nghiệp, gánh vác được việc lớn nhất định không thể thiếu 4 chữ "khí"

18-11-2020 - 20:00 PM | Sống

Bằng cấp, tiền tài chưa đủ để tạo nên bản lĩnh thực sự của đàn ông.

Một người đàn ông làm nên sự nghiệp, gánh vác được việc lớn không nhất định phải là trải đời thâm sâu hay có bằng cấp hơn người. Bản lĩnh thực sự của người đàn ông, tiền tài, địa vị chưa đủ để nói lên. Điều đó còn cần sự kết hợp của cả trí tuệ, trách nhiệm và không thể thiếu 4 điều này.

1. Chí khí

Cổ nhân có câu: "Nhân vô chí bất lập", ý nói người không có chí hướng thì không thể đứng vững ở đời. Mỗi người có một mục tiêu, nhưng để đạt được mục tiêu ấy thì cần phải có ý chí. Ý chí không mạnh thì trí tuệ không thông. Mọi sự thành bại trong sự nghiệp, đời người đều do điều này quyết định.

Đời người không thể tránh khỏi những thời điểm khó khăn, áp lực. Người có chí khí sẽ vững vàng vượt qua, tiếp tục kiên trì với mục tiêu của mình. Người gặp khó khăn không chùn bước và ra sức gánh vác, nhẫn nhịn, chịu khổ có thể nuôi dưỡng chí khí hơn người, đến cuối cùng họ sẽ đạt được những thành tựu xứng đáng.

Người đàn ông bản lĩnh thực sự, làm nên sự nghiệp, gánh vác được việc lớn nhất định không thể thiếu 4 chữ khí - Ảnh 1.

2. Hòa khí

Hòa khí là sự bao dung, tinh thần hợp tác, ý thức khiêm nhường trước mọi người. Đó là một sự tu dưỡng từ bên trong. Những người có hòa khí sẽ có thể chung sống hòa bình với người khác, hợp tác tốt với cộng sự, làm việc gì cũng thuận lợi, suôn sẻ hơn.

Học giả Hồng Ứng Minh, Trung Quốc từng có câu: "Người tâm bình, khí hòa thì trăm phúc tự đến". Người có thể giữ vững tâm bình, xử sự khiêm tốn, không tranh giành, nóng giận vô nghĩa thì chắc chắn sẽ có nhiều nhân duyên, mối quan hệ tốt đẹp. Mọi chuyện cũng nhờ đó mà thuận lợi và dễ có thành công hơn.

Mạnh Tử từng nói: "Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa". Người có hòa khí thường độ lượng, rộng rãi, hậu vận hơn người. Họ nhìn thấu người khác mà không vạch trần, luôn chừa cho người khác một đường lui. Luôn thể hiện sự nhiệt tình mà không giả tạo, không lợi dụng người khác để mua chuộc danh tiếng... Người như vậy vừa được lòng người, vừa sống ung dung, bình an.

3. Đại khí

Đại khí là phong thái, khí chất, sức mạnh vô hình toát ra từ tổ hợp các tố chất của một con người. Người có đại khí nói năng từ tố, giao tiếp lịch sự, xử thế hài hòa, không vội vàng, không lười biếng. Họ hiểu khi nào nên "ngây ngô như tượng", khi cần ra tay thì khiến ai nấy đều nể phục.

Người có đại khí giống như một cuốn sách hay, khiến người khác rung động tâm can, bất kể nhìn từ góc độ nào cũng không thấy nhạt nhẽo, vô vị. Họ luôn nhìn nhận vấn đề ở một tầm cao hơn, khiến người khác cảm thấy được đãi ngộ. Người đàn ông có thể không giỏi giao tế, bằng cấp hơn người nhưng có đại khí, nhìn xa trông rông, thì nhất định sẽ làm nên việc lớn.

Đại khí không phải là tính cách bẩm sinh. Người có được điều này phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày. Bởi thế, họ là những người vững vàng, chín chắn ở phương diện đối nhân xử thế, thấu hiểu lòng người.

4. Dũng khí

Người đàn ông bản lĩnh thực sự, làm nên sự nghiệp, gánh vác được việc lớn nhất định không thể thiếu 4 chữ khí - Ảnh 2.

Xưa kia có 2 người một người nghèo khổ, một người nhiều tiền. Cả 2 chuẩn bị đi Nam Hải bái Thánh lễ Phật. Người giàu nói với người nghèo rằng: "Mấy năm nay tôi dự tính thuê thuyền xuôi dòng sống đi xuống Nam Hải mà vẫn chưa thực hiện được. Ông dựa vào cái gì để đi đây?".

Một năm sau, người nghèo đã bái lễ Phật từ Nam Hải trở về, còn hòa thượng giàu thì vẫn đang chuẩn bị cho việc khởi hành. Người nghèo kể cho người giày nghe những gì ông ta trải qua trên đường tới Nam Hải: "Một năm trời lặn lội đường xa, tôi chỉ dựa vào một bình nước và một đôi tay làm việc để hoàn thành tâm nguyện".

Người giàu nghe xong vô cùng xấu hổ. Ông có trong tay đủ vật lực để tới Nam Hải nhưng lại thiếu dũng khí để bắt đầu, mọi dự định chỉ dừng lại ở lời nói. Người nghèo kia chẳng có gì ngoài dũng khí, dám nghĩ dám làm, dốc sức thực hiện tâm nguyện. Do vậy, kết quả họ nhận được hoàn toàn trái ngược nhau.

"Đạo đức kinh" của Lão Tử có câu: "Cây lớn nhiều người ôm bắt đầu sinh trưởng từ mầm nhỏ. Đài cao chín tầng bắt đầu từ đắp hòn đất nhỏ. Hành trình nghìn dặm khởi đầu từ bước chân". Trong cuộc sống có rất nhiều việc đáng làm, cần làm, nhưng người không có dũng khí bắt đầu thì mãi đứng ngoài dòng chảy, cơ hội cứ thế trôi quá. Người có dũng khí, quyết đoán, mạnh mẽ sẽ nắm mọi cơ hội để làm nên nghiệp lớn.

Trong cuộc đời, cơ hội chia đều cho tất cả mọi người. Nhưng khác nhau ở chỗ, người có dũng khí sẵn sàng dấn thân, không chần chừ lần lữa, trong khi người do dự chỉ biết đứng nhìn cơ hội trôi qua. Chỉ những con ong chăm chỉ hút mật mới xây được tổ lớn. Cũng như vậy, người thiếu dũng khí, không kiên trì thì khó gánh vác được việc lớn, không đi được đường dài.

*Tổng hợp

Hoàng Lan

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên