Người giàu Indonesia chuộng đầu tư tiền mã hoá
Trên toàn khu vực, 83% người giàu không đầu tư hoặc đầu tư rất ít vào tiền mã hóa (Ảnh: Reuters)
40% người giàu ở Indonesia muốn tiếp tục đầu tư vào tiền mã hóa, bất chấp đà giảm của loại tài sản này, theo nghiên cứu mới đây của Lombard Odier.
- 09-09-2022Meta đầu tư 1 tỉ USD cho cộng đồng nhà sáng tạo nội dung
- 09-09-2022Doanh nghiệp công nghệ tham gia đào tạo cho Tổ công nghệ số cộng đồng
- 09-09-2022Chủ tịch Tập đoàn Viettel: Đừng chọn cách sống an nhàn khi còn trẻ
Những người giàu ở Indonesia cho thấy sự quan tâm tới việc đầu tư vào tiền mã hóa hơn hẳn các đối tác của họ ở các trung tâm tài chính như Singapore và Hong Kong, bất chấp nhiều đồng tiền mã hoá sụt giá mạnh trong năm nay.
Điều này được rút ra từ một nghiên cứu về xu hướng đầu tư của 450 cá nhân giàu có ở Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Đài Loan và Australia do Lombard Odier - ngân hàng tư nhân có trụ sở tại Thuỵ Sĩ thực hiện.
Nghiên cứu này được thực hiện trong tháng 5 và 6, khi giá tiền mã hóa sụt giảm thê thảm, khiến cho nhiều nhà đầu tư quan ngại về loại tài sản này.
Khảo sát cho thấy, có gần 40% những người tham gia ở Indonesia có kế hoạch tăng tỉ trọng tài sản số trong danh mục đầu tư của họ. Trong khi đó, con số này ở Singapore và Hong Kong chỉ là 20%.
Người giàu ở Indonesia dẫn đầu về đầu tư tiền mã hóa (Ảnh: Lombard)
Một tỷ lệ cao những người giàu có ở Indonesia vẫn muốn tăng lượng tài sản số mà họ sở hữu. Indonesia cũng có tỷ lệ cao nhất những người giàu có đầu tư vào tiền mã hóa – 70%, trong khi ở Hong Kong là 59% và ở Đài Loan là 55%.
Xét trên toàn khu vực, nghiên cứu của Lombard cho thấy 83% những cá nhân giàu có – những người có ít nhất là 1 triệu USD tài sản có thể đầu tư – không đầu tư vào tiền mã hóa, hoặc chỉ sử dụng dưới 5% danh mục đầu tư của họ cho loại tài sản này.
“Có lẽ ở thời điểm bắt đầu, nhiều người hết sức quan tâm tới việc đầu tư vào tiền mã hóa, và bởi vậy mà xu hướng này trở nên phổ biến hơn ở Indonesia,” Jean-Francois Aboulker, người phụ trách quan sát những cá nhân giàu có của khu vực châu Á của Lombard, cho hay.
Ông Aboulker cho rằng những hướng tiếp cận khác nhau về quản lý tiền mã hóa có thể dẫn tới thái độ khác nhau đối với lớp tài sản này, mặc dù ông thừa nhận rằng không có câu trả lời chính xác tại sao nhiều người ở Indonesia lại hứng thú với tiền mã hóa hơn so với những nơi khác.
Tại Indonesia, mua hoặc bán tiền mã hóa với mục đích đầu tư là hoạt động hợp pháp, trong đó bitcoin được công nhận là một loại tài sản, theo công ty tư vấn Cekindo Business International.
Ở Singapore và Hong Kong, các quy định liên quan tới tiền mã hóa được thắt chặt. Tình trạng sụt giá tiền mã hóa trong năm nay đã gây tổn hại cho hàng loạt nhà đầu tư và các bên cung cấp dịch vụ token, bởi vậy càng khiến các nhà chức trách nhanh chóng soạn thảo các quy định mới để thắt chặt lĩnh vực này.
Singapore hiện đang làm việc để đưa ra những quy định mới chặt chẽ hơn đối với các nhà đầu tư muốn thu lợi nhuận từ tiền mã hóa. Ở Hong Kong, một số cơ quan quản lý tài chính đã đưa ra biên bản hướng dẫn liên quan tới tiền mã hóa, bao gồm Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hong Kong và Cơ quan Tiền tệ Hong Kong.
Trong tháng 6 vừa qua, trung tâm tài chính này cũng công bố một dự luật trong đó có bao gồm cơ chế cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, áp dụng cơ chế chống rửa tiền và chống rót vốn cho các tổ chức khủng bố đối với các công ty như vậy.
“Mỗi quốc gia lại có một bước đi khác nhau về tiền mã hóa,” ông Aboulker nói. “Khi các loại tiền mã hóa bắt đầu trỗi dậy – Bitcoin, Ethereum – đương nhiên chúng tôi nhận thấy cơ hội. Nhưng giờ thì những cơ hội đó đang ẩn chứa nhiều thách thức"./.
Nguồn tham khảo: Nikkei Asia
VietTimes