MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người phê duyệt dự án BOT có lợi ích riêng?

13-05-2016 - 09:14 AM | Bất động sản

Câu hỏi này đang được người dân và doanh nghiệp vận tải đặt ra đối với những dự án đường BOT. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc quan điểm của ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô TP Hà Nội về những vấn đề liên quan đến phí đường bộ BOT.

Phí chồng phí đẩy giá vận tải tăng cao là một gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Nói chưa đi đôi với làm

Khi người dân và doanh nghiệp vận tải đi trên những tuyến đường cao tốc được xã hội hóa thì ai cũng vui vẻ trả phí. Bởi doanh nghiệp đầu tư làm đường và thu phí để bù đắp lại chi phí là chuyện rất phù hợp với quy luật. Tuy nhiên, với những đoạn đường Nhà nước đã bỏ tiền đầu tư có thể là vốn ngân sách, vốn ODA… nhưng đều là đường do Nhà nước làm thì lại khác. Phí bảo trì đường bộ cũng đã được thu trên đầu phương tiện vậy mà các dự án BOT cải tạo, nâng cấp lại nhảy vào thu là khó chấp nhận.

Hơn nữa, Đại diện Bộ GTVT giải thích rằng, ngân sách Nhà nước không còn tiền đầu tư vào nâng cấp, cải tạo đường là hết sức vô lý. Bởi vì, các xe ôtô hiện nay đều phải nộp phí bảo trì đường bộ. Cải tạo đường của Nhà nước làm thì phải lấy từ nguồn thu phí này. Tất cả những giải thích của Bộ GTVT thời gian vừa qua, người dân và doanh nghiệp vận tải đều cảm thấy họ nghiêng quá nhiều về phía các nhà đầu tư BOT. Việc xã hội hóa để thu hút đầu tư là điều cần thiết. Nhưng các dự án phải minh bạch.

Sự thiếu minh bạch thể hiện rõ ràng nhất đối với các tuyến đường nâng cấp, cải tạo rồi thu phí. Điển hình nhất giai đoạn hiện nay là con đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, đường Hà Nội – Bắc Giang. Chủ đầu tư chỉ rải thảm, nâng cấp lên một đoạn mà thu phí còn cao hơn mức thu giai đoạn làm cả con đường. Những sự vô lý đó khiến người dân và DN bày tỏ thái độ nghi ngờ có sự chia trác quyền lợi.

Đối với những con đường nhà đầu tư cải tạo, nâng cấp cần phải rạch ròi, đâu là phần giá trị mà Nhà nước đã đầu tư làm đường, đâu là phần của các nhà đầu tư.

Cần có sự giám sát của người dân và doanh nghiệp

Bộ GTVT thì giải trình là có nhiều cơ quan giám sát như thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra Bộ KH-ĐT, Viện Nghiên cứu xây dựng (Bộ Xây dựng). Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp vẫn tỏ ra nghi ngờ sự giám sát này. Mỗi dự án đều cần có một hội đồng giám sát. Trong đó, người dân và doanh nghiệp là những người được thụ hưởng và trả tiền thì họ phải là thành viên chính của hội đồng giám sát.

Khi các cơ quan giám sát các dự án BOT còn chưa có sự tham gia của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp vận tải, những chuyên gia… thì người dân và doanh nghiệp vẫn chưa thể thỏa mãn. Từ những tuyến đường liên thôn, liên xã… khi có sự giám sát của cộng đồng thì mọi việc đều trở nên suôn sẻ.

Người dân và doanh nghiệp vận tải không sợ giá cao, chỉ sợ thiếu minh bạch. Nhưng nếu minh bạch thì tôi tin giá phí qua trạm BOT sẽ giảm xuống. doanh nghiệp và người dân rất hy vọng những lời nói của tân Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ đi vào cuộc sống.

Theo Bùi Danh Liên

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên