MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người phụ nữ nhận thông báo có một tài khoản 3,2 tỷ, công an bất ngờ chặn lại khi bà vừa rút 200 triệu đồng

23-01-2024 - 19:40 PM | Kinh tế số

Người phụ nữ này đã may mắn không bị chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng, nhưng có rất nhiều người khác đã bị lừa, và người dân vẫn cần rất cảnh giác nếu như gặp phải tình huống tương tự.

photo-1706013211492

Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau; có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Trong đó một thủ đoạn phổ biến là sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giả mạo cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. 

Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP, hoặc yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Ví dụ như một vụ việc xảy ra hồi tháng 10/2023, tại phòng giao dịch Vietinbank Chi nhánh huyện Hà Trung, Trung úy Bùi Trung Kiên, cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Hà Trung phát hiện một phụ nữ có biểu hiện bất thường trong việc chuyển tiền nên đã báo với Công an thị trấn Hà Trung phối hợp xác minh. 

Cụ thể, bà V.T.C, sinh năm 1963 ở thôn Đường Cát, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung nhận được cuộc gọi từ đối tượng tự xưng là cán bộ công tác tại Bộ Công an gọi điện thoại nói bà có một tài khoản Ngân hàng ở Hà Nội có số tiền 3,2 tỷ đồng đang liên quan đến một vụ án đánh bạc nghìn tỷ, rồi đe dọa, yêu cầu bà C. phải rút toàn bộ tiền gửi tiết kiệm ra chuyển vào tài khoản mà đối tượng cung cấp để xác minh, làm rõ nếu không bà sẽ bị bắt.

Lo sợ trước lời đe dọa của "cán bộ" giả mạo này, bà C. đã đến phòng giao dịch Vietinbank Chi nhánh huyện Hà Trung (địa chỉ tiểu khu 3, thị trấn Hà Trung) rút toàn bộ số tiền có trong tài khoản là hơn 207 triệu đồng và chuẩn bị chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

May mắn, Trung úy Bùi Trung Kiên, cán bộ đội An ninh, Công an huyện Hà Trung thấy bà có biểu hiện bất thường nên đã báo cho Công an thị trấn Hà Trung đến để phối hợp xác minh.

Qua làm việc với bà C. lực lượng Công an và nhân viên ngân hàng đã tuyên truyền, thuyết phục để bà C. hiểu đây là thủ đoạn lừa đảo của tội phạm trên không gian mạng, từ đó bà C. đã dừng việc chuyển tiền cho đối tượng.

Tuyệt đối không có cán bộ Công an gọi điện yêu cầu công dân chuyển tiền 

Trước những vụ việc như trên, cơ quan công an ở các địa phương đã tích cực tuyên truyền để giúp người dân phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an cũng phối hợp với các ngân hàng tuyên truyền, cảnh báo cho khách hàng đến giao dịch nâng cao ý thức cảnh giác.

Công an khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy kẻ xấu. Tuyệt đối không có việc cán bộ Công an gọi điện thoại và yêu cầu công dân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. 

Lực lượng Công an cũng như các lực lượng tư pháp khi mời người dân đến làm việc đều thông qua giấy mời hoặc giấy triệu tập đến trụ sở, không bao giờ nhắn tin hay điện thoại. Vì vậy khi nhận được những cuộc điện thoại của các đối tượng này, người dân cần bình tĩnh không làm theo yêu cầu của đối tượng mà phải báo ngay cho cơ quan Công an để hỗ trợ giải quyết kịp thời.


Nhã Mi

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên