MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Thái mua DN Việt: Trường kỳ trên mọi mặt trận

Các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan đã và đang tiến hành các vụ thâu tóm quy mô lớn doanh nghiệp Việt Nam không kể giá cả hay công sức bỏ ra miễn là đơn vị đầu ngành.

Chấp nhận lỗ ngay hàng ngàn tỷ đồng để hoàn tất thâu tóm

Vào cuối năm 2017, tỷ phú người Thái - ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBev đã gây chấn động thị trường khi thông qua đơn vị thành viên Vietnam Beverage chi gần 110 ngàn tỷ đồng (4,8 tỷ USD) để sở hữu 53,39% vốn điều lệ của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) – công ty bia hàng đầu Việt Nam.

Mức giá ThaiBev trả cho một cổ phiếu Sabeco tại thời điểm đó là 320.000 đồng, song đến nay cổ phiếu chỉ còn giao dịch tại 234.600 đồng/cp (phiên 15/6). Như vậy, tập đoàn này đã lỗ 29,3 ngàn tỷ đồng, gần 27% trên khoản đầu tư.

Sau thâu tóm, vào cuối tháng 4, dẫu chưa đủ 6 tháng trở thành cổ đông lớn nhưng tập đoàn Thái đã chính thức đưa người vào HĐQT Sabeco với 3 gương mặt, trong đó ông Koh Poh Tiong giữ chức Chủ tịch. Lãnh đạo mới của Sabeco cũng cam kết đưa thương hiệu Sabeco, đặc biệt là sản phẩm Bia 333 dẫn đầu Việt Nam và giới thiệu ra toàn thế giới nhờ hệ thống phân phối của ThaiBev.

Trường kỳ với Vinamilk, Nhựa Bình Minh

Không chỉ ra tay nhanh, gọn với trường hợp Sabeco mà người Thái còn rất kiên trì với mục tiêu của mình.

‘Trường kỳ kháng chiến’ là cụm từ chính xác nhất để miêu tả hành động của F&N Dairy Investment (thuộc Tập đoàn đồ uống Singapore F&N cũng do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát) trong công cuộc thâu tóm CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM), doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sữa Việt Nam.

F&N Dairy Investment tham gia đầu tư vào Vinamilk ngay từ khi doanh nghiệp còn chưa niêm yết và chỉ đến khi SCIC thực hiện quá trình thoái vốn từng phần thì tập đoàn mới lộ rõ ý định thâu tóm.

Cụ thể, vào cuối năm 2016, SCIC công bố bán hơn 130,6 triệu cp, ứng 9% vốn VNM. Do điều kiện lúc đó mỗi nhà đầu tư chỉ được mua tối đa 39,2 triệu cp nên F&N Dairy Investment đã cùng một đơn vị khác đồng chủ sở hữu là F&N Bev Manufacturing mua tổng cộng gần 78,4 triệu cp, chiếm 60% lượng đem ra chào bán; giá trị ước tính 11.300 tỷ đồng. Qua đó, sau phiên đấu giá, F&N đã nâng sở hữu tổng cộng cả nhóm từ 10,95% lên 16,35% vốn Vinamilk.

Cũng kể từ đây, F&N liên tục đăng ký mua vào hàng chục triệu cổ phiếu Vinamilk dù cho mỗi lần chỉ mua được vài trăm ngàn đơn vị.

Cuối năm 2017, SCIC tổ chức bán đấu giá tiếp 48,33 triệu cp không bán hết từ đợt đầu tiên. Trước buổi đấu giá diễn ra, F&N đã đăng ký mua với khối lượng 21,8 triệu cp qua phương thức giao dịch là thỏa thuận, khớp lệnh qua sàn và tham gia đấu giá cạnh tranh, thỏa thuận trực tiếp qua hệ thống của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Tuy nhiên, kẻ chiến thắng trong đợt đấu giá này là Platinum Victory Pte. Ltd khi mạnh tay chi 186.000 đồng/cp chứ không phải F&N.

Dẫu vậy, chuỗi liên tục đăng ký mua vào khối lượng lớn cổ phiếu VNM của F&N không hề chấm dứt. Trong lần gần nhất, F&N đăng ký mua thêm 14,5 triệu cp VNM để nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,31%, thời gian giao dịch từ 6/6 đến 5/7.

Với Vinamilk người Thái chưa thể hoàn tất thâu tóm do SCIC còn sở hữu 36% và nhiều tổ chức nước ngoài khác cũng nhăm nhe (Platinum Victory Pte. Ltd thuộc Jardine Cycle & Carriage (JC&C) - công ty hàng đầu của Singapore là một ví dụ). Tuy nhiên, với Nhựa Bình Minh thì người Thái đã thành công sau thời gian dài kiên trì.

Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong – hai doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam ở hai miền Nam và Bắc là mục tiêu mà The Nawaplastic Industries Co. Ltd (Saraburi) là thành viên của tập đoàn Thái Siam Cement Group (SCG) theo đuổi từ năm 2012. Đầu năm 2018, ngay khi SCIC quyết định buông Nhựa Bình Minh thì SCG cũng buông Nhựa Tiền Phong để tập trung đầu tư vào Nhựa Bình Minh.

Cụ thể, trong đợt đấu giá bán 29,51% vốn Nhựa Bình Minh do SCIC sở hữu, The Nawaplastic Industries Co. Ltd đã đăng ký tham gia và trúng thầu tại mức giá 96.500 đồng/cp, tương đương 2.330 tỷ đồng. Sau thành công đấu giá cổ phiếu BMP từ tay SCIC thì Saraburi tiếp tục gom trên thị trường, tính đến hiện nay đã gom được 52,96% vốn BMP.

Tuy nhiên, cũng tương tự như ThaiBev, Saraburi đành ngậm ngùi chấp nhận khoản lỗ hơn 800 tỷ sau mua đấu giá, ứng với mức lỗ 35%.

Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên đầu tiên sau thâu tóm, Saraburi đã có được 3/5 ghế trong HĐQT Nhựa Bình Minh. Người Thái cũng khẳng định đầu tư vào BMP để quản trị doanh nghiệp, tìm kiếm các giải pháp giúp công ty hoạt động hiệu quả.

Người Thái thâm nhập khắp mọi lĩnh vực

Người Thái đã và đang thâm nhập khắp mọi lĩnh vực tại Việt Nam. Trong lĩnh vực bán lẻ, người Thái nổi tiếng với các thương vụ thâu tóm như Tập đoàn Central (Central Group) của gia đình giàu nhất Thái Lan Chirathivat mua chuỗi Big C Việt Nam và 49% vốn công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim; Tập đoàn Berli Jucker thỏa thuận mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu Euro (khoảng 880 triệu USD)...

Tại lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Tập đoàn Amata của Thái Lan nổi danh với Khu công nghiệp Amata City Biên Hòa, Đồng Nai. Amata còn có dự án khác tại Đồng Nai là Khu công nghiệp City Long Thành, theo kế hoạch dự án này có tổng vốn đầu tư 634 triệu USD trên quy mô diện tích 1.285 ha.

Ngoài ra, tại buổi tọa đàm "Thành phố thông minh và tầm nhìn tương lai" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Amata tổ chức ngày 8/3/2018, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Công ty Amata Việt Nam cho biết ý định xây dựng một thành phố thông minh ở Hạ Long (Quảng Ninh), giai đoạn đầu triển khai trên diện tích 714 ha.

Mới đây, Công ty Siam Cement thuộc Tập đoàn SCG đã ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) mua nốt 29% vốn tại dự án hóa dầu Long Sơn để sở hữu 100% vốn. Giá trị của thương vụ vào khoảng 2.052 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2018.

Vào giữa tháng 5 vừa qua, thị trường rộ lên thông tin đơn vị phát triển bất động sản Frasers Property của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cân nhắc thỏa thuận mua 24 triệu cổ phần phổ thông (tương đương 75%) của CTCP bất động sản Phú An Khang – thành viên của tập đoàn bất động sản Trần Thái Group với giá 409 tỷ (gần 18 triệu USD). Phú An Khang đang phát triển dự án nhà ở kết hợp thương mại ở quận 2, TP.HCM.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên