Người Việt chuộng thanh toán điện tử
Thanh toán và giao dịch điện tử đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Trong báo cáo mới nhất về thói quen, thái độ và hình thức thanh toán của người tiêu dùng do Mastercard công bố, trong việc quản lý tài chính cá nhân, người tiêu dùng Việt Nam thường quan tâm đến hình thức thanh toán điện tử nhiều hơn so với mức trung bình trong khu vực.
- 05-11-2022Xoá ngay 5 ứng dụng Android này để bảo vệ tài khoản ngân hàng của bạn
- 05-11-2022Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tăng mức xử phạt tin giả, tin xấu độc
- 05-11-2022Công dân cần quét mã QR trên CCCD gắn chip để kiểm tra những thông tin này, nếu sai cần chỉnh sửa lại ngay
Cuộc khảo sát nêu trên được Mastercard thực hiện với một nhóm người tiêu dùng tại 40 thị trường thuộc 5 khu vực, trong đó có 7 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam. Thông tin từ cuộc khảo sát, cho thấy có 94% người tiêu dùng Việt Nam đã sử dụng ít nhất một phương pháp thanh toán điện tử; 78% người tiêu dùng tăng tần suất sử dụng cùng lúc nhiều hình thức thanh toán. Nổi bật như thanh toán qua ví điện tử, mã QR, mua trước trả sau (BNPL), sinh trắc học… Tỷ lệ này cao hơn so với mức trung bình của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 88%.
Báo cáo cũng chỉ ra, người tiêu dùng sử dụng các nền tảng số để thanh toán hóa đơn bởi sự tiện lợi (chiếm 78%), tính an toàn và bảo mật cao hơn (chiếm 60%) và tránh việc quên hay thanh toán muộn (chiếm 58%).
Ngoài ra, theo số liệu thống kê, trong năm 2022, có 89% người tiêu dùng Việt Nam cũng sử dụng công cụ số cho hoạt động tài chính. Phổ biến nhất là thanh toán hóa đơn (chiếm 85%), chuyển khoản ngân hàng (chiếm 80%) và bắt đầu thói quen tiết kiệm (chiếm 73%).
Trước đó, thống kê của Visa cũng cho thấy, người Việt Nam dành trung bình 3,1 giờ mỗi ngày để dùng các ứng dụng trực tuyến, nhưng trong thời giãn cách xã hội, con số đó đã tăng vọt lên 4,2 giờ một ngày vào lúc cao điểm. Điều này củng cố số liệu thống kê từ nghiên cứu của Visa cho thấy 85% người tiêu dùng đang sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh của họ để thanh toán hàng hóa và dịch vụ ít nhất một lần một tuần và 44% đã bắt đầu mua sắm qua các kênh truyền thông xã hội lần đầu tiên kể từ dịch Covid-19. Ngành điện lực cũng thông tin, trong 6 tháng năm 2022, có tới 96,97% tiền điện được khách hàng của EVN thanh toán qua các kênh không dùng tiền mặt, cao hơn 6,54% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, vấn đề quản trị rủi ro các giao dịch và thanh toán điện tử cũng được đặt ra bởi vẫn còn tồn tại những lo ngại về tính bảo mật. Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý 840 chuyên án, vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, tăng 42% so với 6 tháng cuối năm 2021. Ngoài ra, Cục An ninh mạng Viettel cho biết, trong năm 2021, các vụ tấn công giả mạo (phishing) vào Việt Nam tăng gấp ba lần so với năm 2020.
Về phía ngân hàng, trong quá trình hoạt động thường gặp phải những hình thức gian lận phổ biến như đánh cắp thông tin bảo mật để chiếm quyền sử dụng thẻ tài khoản ngân hàng điện tử, lừa đảo khách hàng tự thực hiện giao dịch gian lận, kẻ gian lừa khách hàng tự thực hiện giao dịch chuyển tiền, trộm cắp danh tính và sử dụng trái phép thông tin cá nhân của khách hàng để đăng ký mở tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử và chiếm quyền sử dụng, đăng ký vay trực tuyến hoặc sử dụng vào các mục đích gian lận.
Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Nghiệp vụ kỹ thuật thanh toán và ngân hàng số, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,24% về số lượng và tăng 33,21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, giá trị bình quân 900.000 tỷ đồng/ngày. Giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99,64% về số lượng và 114,25% về giá trị. Giá trị bình quân hơn 10 triệu giao dịch/ngày. Về sự phát triển của thanh toán điện tử, đến cuối tháng 7/2022, số lượng thẻ lưu hành đạt 138,1 triệu thẻ (tăng 15,3% so với cuối năm 2021). Hiện đang có khoảng 5,5 triệu tài khoản mở bằng eKYC đang hoạt động tại 24 ngân hàng, 8,9 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành tại 10 ngân hàng. Tính đến cuối tháng 6/2022, hơn 1,8 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ mobile money (hơn 60% là khách hàng ở nông thôn). Đến tháng 6/2022, 65% thẻ hoạt động đang lưu hành, 88% máy ATM và 96% POS đang hoạt động trên thị trường đã thực hiện chuyển đổi theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Về cơ bản, các nghiệp vụ thanh toán đã được số hóa hoàn toàn.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán và giao dịch điện tử, để đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán, nhiều chủ trương, chính sách đã được triển khai. “Những chính sách này hướng đến mục tiêu xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, dùng chung; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt giám sát chặt chẽ các hình thức thanh toán trực tuyến qua biên giới; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế; đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt”, bà Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.
Đại đoàn kết