MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Việt đầu tiên trở thành công dân danh dự Seoul “vén màn” hậu trường nghề phiên dịch cho các chính khách và chủ tịch tập đoàn lớn

07-09-2021 - 07:47 AM | Sống

Minh Phương từng phiên dịch cho chủ tịch, phó chủ tịch và lãnh đạo cấp cao của nhiều “đế chế" nổi tiếng như LG, Samsung, Hyundai...; phiên dịch cho cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Chiều muộn cuối tháng, Minh Phương ngồi lại với tôi bên chiếc laptop nhỏ cắm headphone. Một người ở Hàn Quốc. Một người ở Việt Nam. Tại thời điểm cuộc nói chuyện diễn ra, đó đã là một ngày rất dài với tôi. Còn với Phương thì là lúc cô vừa kết thúc một buổi phiên dịch online kéo dài 3 tiếng cho một dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc.

Ở phía bên kia, giọng Phương có chút ái ngại, có lẽ vì đã đề nghị bắt đầu cuộc gọi đường dài vào thời điểm cuối ngày: “Tôi vừa phiên dịch xong thì lại có điện thoại của sinh viên xin tư vấn về visa. Ba hôm nay, lịch của tôi rất căng vì vừa chuẩn bị cho học kỳ mới vừa phải dọn nhà và chuyển nhà”.

Có một điều rất đặc biệt và cũng rất đáng yêu của người miền Trung xa quê mà tôi cảm nhận được. Đó là dù đi bao xa và bao lâu, họ vẫn giữ lại cho mình âm giọng đặc trưng như để nhắc nhớ về quê hương của mình. Minh Phương cũng vậy. Chị là người sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng.

Dù không là đồng hương của chị, tôi vẫn biết đến Phương qua những bài viết trên các trang mạng với từ ngữ ca ngợi lấp lánh, như “Cô gái Việt Nam siêu nhân", “Super woman”, “Cô gái nghị lực xứ Đà thành"... Còn những người ở thành phố Đà Nẵng - quê hương chị, đã biết đến một Phương có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, thường xuyên xuất hiện trên TV. Lớn lên, cô ấy lại tự xin được học bổng toàn phần đi Hàn du học, rồi trở thành Thạc sĩ, và hiện tại đang vừa là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở trường ĐH Yonsei, vừa là giáo sư giảng dạy tại một trường Đại học khác ở Hàn Quốc.

Đến 2019, Phương “nổi tiếng” lần nữa là khi chị trở thành người Việt đầu tiên được vinh danh Công dân danh dự Seoul vào tháng 11.

Người Việt đầu tiên trở thành công dân danh dự Seoul “vén màn” hậu trường nghề phiên dịch cho các chính khách và chủ tịch tập đoàn lớn - Ảnh 1.

Quá trình học tập và công tác của Minh Phương được tóm tắt trong hai từ: xuất sắc!

Như như bao “siêu nhân” khác, ngoài những phút “bay” đi làm việc nọ việc kia được mọi người ngưỡng mộ như vừa hoàn thành tốt công tác giảng dạy ở trường ĐH, vừa làm MC cho đài KBS, phiên dịch viên cho các phái đoàn cấp cao và kiêm những việc không tên khác nhằm hỗ trợ cho những đồng hương đang sống trên đất Hàn… Phương cũng có 1 cuộc đời cá nhân với những thăng trầm riêng.

Cơn ác mộng và sự bất lực đưa đến quyết định bước ngoặt

Năm 2013, khi vừa nhận được suất học bổng toàn phần đi du học, Minh Phương đã quyết định sẽ đưa con gái (sinh năm 2012) và mẹ ruột ở Đà Nẵng sang Hàn sống cùng. Đó là một kế hoạch liều lĩnh!

Ngay cả những người Hàn mà Phương quen khi biết chuyện cũng đã nói với cô: “Sao vừa chân ướt chân ráo đến Hàn Quốc lại tự tạo áp lực cho bản thân nhiều như vậy?”, “Không thấy ai đi học mà dám đùm đề đèo bồng nhiều như thế!”, hay “Để lại con ở Việt Nam mà yên tâm học đi, học xong hai năm lúc về thì con vẫn là con mình mà”...

Phương thì không thể. Chị nhớ con vô cùng. Đi học xa phải chịu thêm vấn đề về tâm lý nữa thì khổ lắm, lúc nào cũng cảm thấy nhớ bứt rứt trong người, sẽ không chú tâm làm tốt việc đang làm. Những đêm chị gặp ác mộng, giật mình dậy gọi điện về nhà bà ngoại thì không liên lạc được phải nhờ hàng xóm chạy sang gõ cửa. Buổi tối, nhìn qua camera thấy hai bà cháu đang say ngủ, thay vì an lòng Phương lại cảm thấy bản thân bất lực.

“Một trong những quyết định đúng đắn nhất của tôi trong 5 năm trở lại đây đó là đưa được cả gia đình từ Việt Nam sang Hàn sống tới bây giờ”, Phương nói.

Cuộc sống của 3 người gồm 2 phụ nữ và 1 đứa trẻ ở Hàn Quốc có những điều đặc biệt. Mẹ chị không biết tiếng Hàn. Con gái chị không đi học mẫu giáo vì học phí đắt đỏ với người ngoại quốc. Nhưng nay, cô bé đã vào thẳng cấp 1 và nói tiếng Hàn vanh vách, còn là “thông dịch viên” của bà ngoại. Phương dạy con tiếng Hàn khi cô bé vừa tập nói. Trong gia đình vẫn duy trì môi trường song ngữ khi Phương trò chuyện với bé bằng tiếng Hàn và bà ngoại trò chuyện bằng tiếng Việt. Mỗi sáng sau khi Phương rời nhà, hai bà cháu sẽ thức dậy sau. Bà đưa cháu đi học, về thì ghé chợ, muốn mua gì cứ nói với cháu, cháu dịch cho.

“Nhiều lúc tiêu cực tôi đã nghĩ mình vẫn chưa làm tốt khi không thể lo được cho 2 bà cháu nhiều hơn. Thay vì được đi học mẫu giáo cho có bạn, thì con mình phải ở nhà, cả thế giới của một đứa trẻ 4-5 tuổi chỉ có bà và mẹ. Cũng may bé ngoan và chịu khó tự học, dành nhiều thời gian để tô màu rồi bắt đầu vẽ nhiều tranh. 3 người chúng tôi trụ lại ở Hàn đến giờ không chỉ mỗi tôi nỗ lực đâu mà bà ngoại và con gái cũng rất hợp tác. Chúng tôi nỗ lực cùng nhau”, Phương tâm sự.

Người Việt đầu tiên trở thành công dân danh dự Seoul “vén màn” hậu trường nghề phiên dịch cho các chính khách và chủ tịch tập đoàn lớn - Ảnh 2.

Minh Phương và con gái

Một ngày của Phương bắt đầu bằng việc đến trường, họp ở văn phòng rồi gặp sinh viên để tư vấn, chuẩn bị bài giảng, liên hệ kết nối với các đối tác là trường Đại học ở Việt Nam… Buổi tối Phương sẽ về ăn cơm cùng cả nhà, cùng xem phim Việt Nam, chơi và học với con gái xong xuôi, khi hai bà cháu đi ngủ thì chị mới ngồi vào bàn làm việc tiếp tục công việc còn lại vào ban ngày.

Hỏi nhỏ chị: “Trở thành công dân danh dự bên Hàn, có được nhiều người nhận ra khi đi ngoài đường không?”. Phương bật cười đáp: “Dạo đó mỗi khi ra đường người ta nhận ra tôi nhiều, nhưng thật ra không phải vì biết tôi là công dân danh dự mà vì trước đó (7/2020) tôi đã từng xuất hiện trong một tập của chương trình nói về cuộc sống những người nước ngoài ở Hàn Quốc do Đài truyền hình quốc gia KBS sản xuất. Hoá ra người Hàn xem chương trình đó khá nhiều. Có hôm, 3 bà cháu đang đi trong siêu thị thì bỗng được một số người lạ nhận ra và đến chào hỏi rất thân thiết. Họ còn giới thiệu về tôi với những người xung quanh rằng: ‘Này, bạn này sắp thành Tiến sĩ rồi, còn giỏi nhiều thứ và nỗ lực nhiều lắm’, tôi cảm thấy mọi người đón nhận câu chuyện của mình rất tích cực”.

Từ lúc sang Hàn, Phương đã sống qua nhiều nơi. Đầu tiên là một căn phòng nằm trên tầng thượng của một toà nhà, chỉ rộng 10 mét vuông, không có điều hoà nên mùa hè hấp thụ nhiệt rất nóng, mùa đông thì tuyết đóng dày ngoài cửa. Động lực để cả gia đình 3 người sống được trong căn nhà ấy suốt mấy năm có lẽ là mục tiêu: “Dù ở đâu chỉ cần ở cùng nhau là được”. Đến nay, sau nhiều lần thay đổi chỗ ở vì tính chất công việc, Phương đã quay trở lại với Seoul trong một căn hộ nhỏ nhưng ấm cúng.

Phương nói rằng với cô vậy là đủ, chỉ cần được ở bên cạnh gia đình mỗi ngày cũng là hạnh phúc. Cô cũng chia sẻ rằng chưa bao giờ nghĩ bản thân phải đặt mục tiêu phấn đấu thành công dân danh dự hay chạy theo vật chất và danh vọng vì “biết đủ ắt sẽ đủ”, cần phải biết được mình đang ở đâu, đang có những gì và đâu là điều quan trọng nhất với mình để luôn biết ơn và biết trân trọng cuộc sống mỗi ngày.

“Bật mí” về trải nghiệm phiên dịch cho các VVIP

Suốt những năm ở Hàn, Phương làm nhiều việc để đảm bảo cuộc sống. Nghề nào cũng để lại những kỷ niệm đáng nhớ nhưng công việc phiên dịch có lẽ là nhiều cảm xúc trong cô nhất. Xuất phát điểm của Phương là một cô gái Việt mê ngôn ngữ và văn hoá Hàn, nhưng đến khi được sang xứ kim chi và có cơ hội nói chuyện, tiếp xúc thực tế với người bản xứ, Phương mới nhìn nhận được những đặc điểm về văn hoá, con người cũng như phong cách ngoại giao mà nếu chỉ xem qua phim ảnh hay sách vở thì không thể hấp thụ trọn vẹn.

Từ cuối năm 2014, Phương đã có cơ hội thường xuyên phiên dịch cho các đoàn công tác của các Bộ ban ngành Việt Nam và Quốc hội. Về phía Hàn Quốc, chị từng dịch trong các cuộc họp có Chủ tịch, Phó chủ tịch và lãnh đạo cấp cao của nhiều “đế chế" nổi tiếng như LG, Samsung, Hyundai...; dịch cho cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng như có cơ hội gặp gỡ và dùng tiệc trưa ngay bên cạnh Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc khi được mời đến nhà Xanh vào năm 2018.

Người Việt đầu tiên trở thành công dân danh dự Seoul “vén màn” hậu trường nghề phiên dịch cho các chính khách và chủ tịch tập đoàn lớn - Ảnh 3.

Cô gái Việt nhỏ nhắn nhưng rất tài năng

Với kinh nghiệm dày dặn trong nghề phiên dịch, Phương đã “bật mí” thêm những trải nghiệm mà chị có được với công việc này.

Những chi tiết nhỏ trong nghi thức ngoại giao:

Có nhiều những chi tiết rất nhỏ nhưng lại làm tôi ấn tượng và học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm trong ngoại giao, từ việc điều phối xe, sắp xếp vị trí khi vào thang máy, sắp xếp chỗ ngồi… Ví dụ, để vị khách VVIP luôn là trung tâm ở vị trí nổi bật khi tiếp xúc với truyền thông thì sẽ sắp xếp là người cuối cùng bước vào thang máy. Khi lên đến phòng họp, cửa thang máy mở ra thì lãnh đạo hai bên sẽ gặp nhau cùng với sự hiện diện của báo giới. Ngay cả việc hai đoàn sẽ ngồi ở vị trí hướng ra ngoài hay hướng vào trong, sắp xếp chỗ ngồi theo vị trí và chức vụ, sắp xếp lịch trình để đảm bảo việc di chuyển của cả đoàn, lựa chọn menu tiệc,… cũng được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng và chỉnh chu.

Việc ăn uống của phiên dịch viên:

Thông thường phiên dịch viên sẽ chủ động việc ăn uống, hoặc được chuẩn bị cho dùng bữa trước khi vào phiên dịch, nhằm tránh trường hợp quá bận và không đủ sức để dịch hết buổi. Nhưng cũng có những lúc lịch trình kéo dài liên tục cả ngày thì không có thời gian ăn riêng, hoặc bữa tiệc cũng chính là buổi họp chính giữa hai bên thì lúc này sẽ phải tập trung nhiều hơn.

Phiên dịch thường phải học được cách “tranh thủ” dùng bữa khi có thời gian xen kẽ giữa buổi dịch, làm sao để chia thức ăn ra nhỏ nhất có thể, để khi ăn mình không bị mất nhiều thời gian nhai, đến lúc người ta cần phiên dịch mình lại không dịch ngay được. Bản thân tôi thì nếu không phải trong một ngày phiên dịch quá dài và liên tục thì tôi sẽ chủ động việc ăn của tôi trước hoặc sau đó hơn là trong bữa tiệc, vì tôi luôn muốn mình ở trong tâm thế sẵn sàng nhất và chủ động nhất, “xinh đẹp” nhất nữa (cười).

Người Việt đầu tiên trở thành công dân danh dự Seoul “vén màn” hậu trường nghề phiên dịch cho các chính khách và chủ tịch tập đoàn lớn - Ảnh 4.

Minh Phương khi làm MC cho event của Bộ VH TT & DL đã có dịp gặp HLV Park Hang Seo (người mặc vest đen)

Người Việt đầu tiên trở thành công dân danh dự Seoul “vén màn” hậu trường nghề phiên dịch cho các chính khách và chủ tịch tập đoàn lớn - Ảnh 5.

Minh Phương phiên dịch cho Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai

Áp lực của nghề phiên dịch viên:

Phương thú nhận phiên dịch có run, có căng thẳng và càng là những cuộc họp quan trọng thì áp lực càng lớn, đặc biệt là những cuộc gặp giữa chính khách hai nước, có Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội hoặc Bộ trưởng, Đại sứ... thì không được phép xảy ra sai sót. Tác phong khi đi phiên dịch cũng phải thật chỉn chu, lịch sự và văn phong khi sử dụng cũng phải thật trang trọng, phù hợp.

Đôi khi có những buổi phiên dịch ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đi sâu vào chuyên môn thì đây cũng là thử thách lớn cho phiên dịch viên, vì những khái niệm hay thuật ngữ chuyên ngành và tên viết tắt trong cuộc trao đổi thường chỉ có người trong ngành mới hiểu rõ. Nên dù phiên dịch viên có được nhận thông tin tài liệu trước để nghiên cứu và chuẩn bị thì cũng không thể chắc chắn 100% mà sẽ luôn có tình huống phát sinh. Chính điều này đòi hỏi phiên dịch viên phải luôn chuẩn bị thật kỹ để nắm chắc 80% lượng thông tin sẽ phải truyền tải, 20% còn lại được quyết định bởi khả năng kiểm soát tâm lý của bản thân, bởi sự tập trung, nhanh nhạy, khả năng ứng phó và xử lý các tình huống bất ngờ.

Người Việt đầu tiên trở thành công dân danh dự Seoul “vén màn” hậu trường nghề phiên dịch cho các chính khách và chủ tịch tập đoàn lớn - Ảnh 6.

Phiên dịch viên là một nghề đầy áp lực nhưng cũng rất thú vị

“Tôi đã từng đi phiên dịch và gặp rất nhiều lãnh đạo cấp cao ở nhiều lĩnh vực như các tập đoàn về điện thoại, điện tử, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng… và mỗi lần như vậy là một lần tôi cảm nhận được rõ ràng nhất sự căng thẳng và áp lực của nghề này. Phiên dịch viên luôn được kỳ vọng sẽ là người vừa sử dụng thành thạo cả hai ngôn ngữ, vừa có kiến thức về lĩnh vực đang dịch, vừa có khả năng truyền đạt tốt, biết ngoại giao và khéo léo điều tiết để những cuộc họp luôn diễn ra suôn sẻ nhất. Nhưng có một sự thật là, những kiến thức chuyên sâu và thuật ngữ về tài chính, tín dụng, luật pháp đôi khi trong tiếng Việt mình còn thấy khó và mơ hồ nữa huống hồ là hiểu và truyền đạt qua lại bằng ngoại ngữ. Bởi vậy nên căng thẳng và lo lắng là điều không tránh khỏi”, Phương thừa nhận.

Thời gian vàng kiểm soát căng thẳng:

Nhưng theo kinh nghiệm, chị cũng rút ra được rằng trung bình từ 10-15 phút đầu, người phiên dịch phải nhanh nhạy để nắm bắt, điều chỉnh (nếu cần) những thông tin quan trọng như: thuật ngữ, từ viết tắt, nội dung cuộc họp trước… Nắm được những thông tin cốt lõi để chủ động trong những phút tiếp theo của cuộc làm việc sẽ giúp phiên dịch viên nhanh chóng bắt nhịp và đưa tâm lý của mình về trạng thái cân bằng thì mọi chuyện sau đấy sẽ ổn thoả. Lúc này, phiên dịch viên thực sự cần rất tập trung, khi phát hiện ra những từ mới, khái niệm mới hoặc những nội dung phát sinh thêm thì phải nhanh chóng tiếp thu và hệ thống lại ngay những kiến thức mới đấy. Khi đã kiểm soát được tâm lý, phiên dịch sẽ cảm thấy tự tin hơn, quen với nhịp, âm lượng và giọng địa phương (nếu có) của cả hai bên. Còn nếu mở đầu làm không tốt, mất kiểm soát thì bản thân sẽ bị hỗn loạn và phần còn lại của buổi dịch sẽ không thành công.

Người Việt đầu tiên trở thành công dân danh dự Seoul “vén màn” hậu trường nghề phiên dịch cho các chính khách và chủ tịch tập đoàn lớn - Ảnh 7.

Minh Phương vinh dự được ngồi cùng với các nữ Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc

Trí nhớ và khả năng sắp xếp:

Một trong những yêu cầu của nghề phiên dịch là trí nhớ và khả năng sắp xếp, hệ thống thông tin. Có những người mình từng phiên dịch như là cựu Tổng thống, hay các bác Bộ trưởng, Đại sứ... thì phần phát biểu của họ luôn khúc chiết và logic. Việc phiên dịch của mình cũng theo đó mà nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì chỉ cần chuyển tải mà không cần sắp xếp nhiều.

Nhưng có những dịp và những vị thì sẽ nói dông dài hơn, hoặc lòng vòng và bị lặp ý nhiều hơn, nghe thì rất dài nhưng nội dung gói gọn lại chỉ vài ba câu thôi. Hoặc có những vị sẽ nói rất dài, tận vài phút rồi mới để mình dịch một lần. Lúc này đòi hỏi phiên dịch viên phải có trí nhớ và khả năng sắp xếp tốt để truyền tải được nội dung đó một cách chính xác, đầy đủ và súc tích.

Người Việt đầu tiên trở thành công dân danh dự Seoul “vén màn” hậu trường nghề phiên dịch cho các chính khách và chủ tịch tập đoàn lớn - Ảnh 8.

Phương đang phiên dịch cho chị Dinh Tam Hien - thời điểm đó là Tham tán Đầu tư của ĐSQ VN tại Hàn Quốc

Tự kiểm điểm và đánh giá:

Và công đoạn cuối cùng mà một phiên dịch viên giỏi, có tâm với nghề cần làm sau mỗi cuộc phiên dịch đó là tự kiểm điểm và đánh giá. Tất nhiên là có những cách để biết được mình có làm việc tốt hay không, như khi kết thúc một cuộc phiên dịch, người ta vui vẻ với mình, dành những lời khen ngợi hoặc xin số điện thoại để tiếp tục gọi mình những lần sau. Nhưng tất cả mọi cuộc phiên dịch, dù có chuẩn bị kỹ đến đâu vẫn không tránh khỏi những tình huống phát sinh hoặc những lỗi nhỏ. Với bản thân tôi, dù đã vượt qua những lỗi nhỏ đó và hoàn thành tốt được buổi dịch, nhưng sau mỗi cuộc gặp cũng phải luôn dành thời gian để tự nhìn nhận nghiêm túc về những thiếu sót của mình để không lặp lại trong những lần sau. Ngoài ra, còn dành thời gian để hệ thống lại các từ vựng và khái niệm mới mình vừa gặp để tiện việc tra cứu sau này.

Tôi nghĩ rằng, một người phiên dịch giỏi là người không chỉ truyền đạt đúng và đủ những gì người khác nói mà có thể thay họ gửi gắm được cả tâm tư tình cảm với đối phương, hiểu được cả những điều họ chưa nói đến và biết điều tiết để có được một cuộc nói chuyện mà cả hai bên có thể vui vẻ nhất, hiểu nhau nhất có thể.

“Cuối buổi phiên dịch hôm nay, vì chỉ biết tôi thông qua công ty cung cấp phiên dịch trung gian, nên phía Hàn Quốc người ta đã nán lại để cảm ơn và xin số điện thoại của tôi. Còn phía Việt Nam cũng vậy, họ xin số và bày tỏ mong muốn mời tôi dịch cho những cuộc họp định kỳ tiếp theo. Nghe vậy tôi hiểu được rằng mình đã hoàn thành được trách nhiệm của mình, lúc đó tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm và trút bỏ gánh nặng tâm lý trong suốt 3 tiếng đồng hồ vừa qua”, đó là những gì đã diễn ra trước khi Phương về nhà và bắt đầu buổi nói chuyện này.

Người Việt đầu tiên trở thành công dân danh dự Seoul “vén màn” hậu trường nghề phiên dịch cho các chính khách và chủ tịch tập đoàn lớn - Ảnh 9.

Sau mấy ngày không ngủ, Minh Phương biết mình đã hoàn thành tốt công việc mới dám thở phào nhẹ nhõm

Dù giọng Phương vẫn đều đều êm ái nhưng trong những đoạn nghỉ hơi lấy nhịp, người đối diện vẫn có thể cảm nhận chị đang cạn dần năng lượng vì đã có một ngày dài phải nói liên tục, từ phiên dịch đến tư vấn cho sinh viên. Nhưng cuộc sống của Phương là vậy, trước đây lẫn bây giờ, chưa có phút nào rảnh rang và nhàn tản. Một phần có lẽ vì chị là người đặt tiêu chuẩn cao trong tất cả những việc mình đang làm, phần nữa, ít nhiều bị chi phối bởi tính chất và yêu cầu trong những công việc Phương theo đuổi.

Trong những câu chuyện về nghề, về cuộc sống hiện tại của Phương, hầu như chưa tìm thấy hình bóng trụ cột của một người đàn ông. Phương nói mình không cố gắng tìm kiếm một người bên cạnh, nếu có duyên thì ắt sẽ gặp nhau dù là ở đâu. Phương cũng không đánh giá hay cố lựa chọn đối tượng phù hợp dựa vào những yếu tố bên ngoài vì bản thân chị đã từng chịu nhiều phán xét theo cách như thế. Chị hiểu, đó là một sự bất công.

Phương khép lại buổi nói chuyện bằng một quan điểm sống:

“Ngày xưa tôi còn nhỏ, ba mẹ ly hôn hay đến khi mình chia tay, tôi đều đã có lúc than thân trách phận rằng vì sao cuộc đời lại cho mình một vố đau như thế, rằng mình cứ gặp những việc không mong muốn trong khi bản thân đã rất nỗ lực thì có phải do mình cố gắng chưa đủ hay không?

Nhưng rồi nhiều năm sau, khi đã trải qua nhiều chuyện thăng trầm và những biến cố, tôi nhìn lại con đường mình đã đi và nghiệm ra mọi thứ xảy ra đều có lý do. ‘Là phúc thì không phải là hoạ, là hoạ thì không thể tránh khỏi’.

Không phải là do mình không tốt, hoặc do mình cố gắng không đủ, mà đó là những thử thách mình buộc phải đối diện và tự mình vượt qua để trở thành phiên bản tốt hơn, được nhận những điều tốt đẹp hơn thứ đã mất”.

Ảnh: NVCC

Theo Ái Lê - Thiết kế Kim Trang

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên