MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Việt gian nan thế nào để 'mời' được người Mỹ ăn chôm chôm, người Nhật ăn chuối nhập khẩu từ nước ta?

Để được con số 3% xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ, Nhật không phải là chặng đường đơn giản.

Báo cáo của Tổng cục hải quan có chỉ ra điểm sáng rằng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2016 đạt 2,46 tỷ USD, tăng mạnh 33,6% so với năm 2015. Đây là ngành hàng liên tục tăng trưởng mạnh trong 3 năm gần đây (cụ thể, năm 2014 tăng 28,4%, năm 2015 tăng 23,7%).

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất các loại rau quả của Việt Nam với mức tăng trưởng cao 45,8% đạt kim ngạch 1,74 tỷ USD; tiếp theo là Mỹ tăng 44,2% đạt 84,5 triệu USD, EU tăng 22,1% đạt 93,2 triệu USD; Hàn Quốc tăng 23,4% đạt 82,6 triệu USD; ASEAN tăng 14,3% đạt 133,7 triệu USD. Cũng theo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện Trung Quốc chiếm 70,4% thị phần xuất khẩu, các nước khác chiếm thị phần khá nhỏ như Mỹ-3,4%, Nhật 3,1%, Hàn Quốc- 3,6%.

Khó từ bước chân vào cửa

Thế nhưng để được con số 3% không phải là chặng đường đơn giản. Trong thời gian qua, nhiều loại trái cây Việt Nam đã được thâm nhập và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường "có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng" như nhãn, vải thiều, thanh long vào thị trường Hoa Kỳ; vải thiều vào thị trường Australia, Malaysia, EU (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan); thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt, thanh long vào thị trường Singapore…

Ví dụ Nhật Bản chỉ cho phép nhập khẩu một số loại quả tươi, chỉ có một số loại quả tươi có hạt của Việt Nam như là chuối, xoài và thanh long (ruột trắng và đỏ) được nhập khẩu vào Nhật Bản do đã đáp ứng được các yêu cầu trong Luật Kiểm dịch Thực vật của Nhật Bản và đây chính là kết quả của quá trình nỗ lực và phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thúc đẩy tháo gỡ rào cản kỹ thuật về kiểm dịch đối với hai loại trái cây này.

Minh chứng cho sự khó khăn khi thâm nhập vào thị trường Nhật có thể kể đến câu chuyện doanh nghiệp của ông Võ Quan Huy (thường được biết đến với cái tên ông Huy chuối). Công ty của ông Huy cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đưa được chuối có thương hiệu Fohla sang thị trường khó tính Nhật Bản với mức 2-3 container chuối tươi mỗi tuần.

Theo ông Huy chia sẻ, trước khi ký hợp đồng mua chuối, phía Nhật cử người đến kiểm tra độ an toàn, lấy mẫu sản phẩm, mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí về Nhật Bản để kiểm tra đến 230 chỉ tiêu sinh lý- hóa sinh nhẳm đảm bảo trái chuối đạt tiêu chuẩn sạch- đẹp- ngon tức không có kim loại nặng, không có vi khuẩn gây hại, không dư lượng thuốc trừ sâu bệnh, không chất kích thích tăng trưởng,…

Một thị trường nhập khẩu khác là Australia, đối với mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau quả, trái cây, các yêu cầu về nhập khẩu do các thị trường Australia đặt ra rất cao và chặt chẽ. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước khó thực hiện được các khâu xử lý (như chiếu xạ), chế biến theo chuẩn của Australia đặt ra.

Tính đến nay, mới chỉ có 2 mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Australia là quả vải (năm 2015) và quả xoài (năm 2016).

Hoặc một chuyện tưởng như đơn giản là chiếu xạ cho sản phẩm: Theo chia sẻ của một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vào Mỹ luôn có một chuyên gia ngươi Mỹ của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) có nhiệm vụ kiểm tra mẫu trái cây bằng mắt thường trước khi đưa vào chiếu xạ. Nêu chuyên gia này phát hiện trái cây dính đất hoặc sâu bọ thì lô hàng sẽ bị hủy ngay. Chính doanh nghiệp này từng bị hủy một lô hàng chôm chôm do công nhân không kiểm tra kỹ khi đóng gói trong khi đây là loại quả dễ dính bẩn vì có lông nhọn mềm.

Đến chuyện lòng tham của con người

Cũng chính doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ trên cũng cho biết nếu những yếu tố như rào cản kỹ thuật họ có thể chủ động khắc phục, kiểm soát thì những yếu tố khách quan như cạnh tranh thương trường mới làm doanh nghiệp thiệt hại nhất. Đặc biệt là từ phía đối tác mua hàng tại Mỹ.

Nguyên tắc quân sự "tại chỗ là nhanh nhất" cũng giống nguyên tắc trong kinh doanh "tại chợ là nhanh nhất" ám chỉ rằng phải có lực lượng (hàng hóa, nhân lực) ngay tại thị trường thì mới có thể thắng được. Tuy nhiên do tiềm lực tài chính nên điều này khó thực hiện với việc xuất khẩu của Việt Nam do đó phần lớn doanh nghiệp phải bán hàng cho đối tác tại Mỹ và từ đó phân phối ra khắp nước.

Tuy nhiên trong hợp tác kinh doanh luôn có người tốt và người xấu. Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cho biết có trường hợp đối tác muốn trốn thanh toán hoặc mua hàng với giá rẻ mạt đã lợi dụng quy định chặt chẽ của FDA để "bắt thóp" doanh nghiệp Việt. Ví dụ vì không bán được hàng, có đối tác giở trò bằng cách phun thuốc vào lô hàng và gọi điện thông báo cho doanh nghiệp Việt rằng sẽ báo FDA kiểm tra. Do không có người tại nước ngoài, phía Việt Nam đành ngậm ngùi cho qua thậm chí xin đối tác không báo FDA vì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh sau này cũng như chi phí tiêu hủy.

Một chiêu trò khác cũng được đối tác chơi xấu doanh nghiệp Việt là sau khi chuyển những container hàng đầu tiên sẽ chuyển tiền đúng hạn để lấy niềm tin từ doanh nghiệp xuất khẩu. Phía đối tác sẽ yêu cầu chuyển nhiều hàng hơn. Tuy nhiên khi container đầu tiên cập cảng, họ sẽ gọi điện về Việt Nam thông báo lô hàng có chất cấm, không đảm bảo tiêu chuẩn FDA. Trong khi lô hàng lớn đã được vận chuyển trên biển không thể quay đầu trở lại, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị dồn vào thế phải hạ giá bán cho đối tác.

Theo chia sẻ của doanh nghiệp trên, một trong những cách để hạn chế rủi ro là thành lập đại lý tại Mỹ để nghiên cứu thị trường, giám sát vầ xử lý các sự cố. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể lập được đại lý như vậy, cách hay hơn có thể nghĩ đến là thành lập một đại lý chung giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong một ngành để bảo vệ lợi ích của chính người Việt khi đem chuông đi đánh xứ người.

Theo Kim Thủy

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên