Người Việt “ngụp lặn” trong hàng loạt ứng dụng thanh toán số, vì sao Samsung Pay luôn khác biệt với phần còn lại?
Chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng” trong khuôn khổ “Industry 4.0 Summit” diễn ra chiều 2/10, ông Lê Khôi Nguyên - Giám đốc chiến lược sản phẩm ngành hàng đi động Samsung Vina cho biết: ban đầu, Samsung Pay gặp không ít khó khăn do chưa có quy định về dịch vụ tương tự.
- 28-01-2019Dùng tài khoản viễn thông thanh toán dịch vụ nội dung số: Cần có chính sách linh hoạt cho từng loại dịch vụ
- 12-01-2019Đề xuất xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh tế số và các hình thức thanh toán mới
Thanh toán số là một chủ đề được nhiều người quan tâm thảo luận tại hội thảo về “Ngân hàng thông minh” diễn ra chiều nay. Trong phiên thảo luận bàn tròn, đại diện của Samsung Vina – ông Lê Khôi Nguyên, Giám đốc chiến lược sản phẩm ngành hàng di động được đặt câu hỏi về Samsung Pay – một ứng dụng thanh toán số tiên phong về “một chạm” với những đặc điểm rất đặc biệt tại Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về những khó khăn pháp lý khi tiên phong triển khai mô hình thanh toán một chạm, ông Lê Khôi Nguyên không nói nhiều về những vướng mắc, mà chỉ nêu ngắn gọn: “Samsung cũng gặp một số khó khăn trong thời gian đầu triển khai dịch vụ, do tại thời điểm đó chưa có quy định cụ thể về mặt pháp lý đối với những dịch vụ tương tự Samsung Pay để tham chiếu”.
Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết: “Với sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước, sự nỗ lực từ phía Samsung cũng như sự hợp tác từ phía các đối tác như Napas và các ngân hàng… chúng tôi đã đưa được dịch vụ đến tay người dùng. Để thay đổi thói quen của người dùng, chúng tôi rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự hợp tác toàn diện của các bên trong hệ sinh thái, bao gồm các ngân hàng, các cửa hàng bán lẻ, trong đó các cửa hàng đóng một vai trò quan trọng”.
Ông Lê Khôi Nguyên, Giám đốc chiến lược sản phẩm ngành hàng di động Samsung Vina
Trên thực tế, trong vòng 2 năm trở lại đây, thị trường thanh toán số trên smartphone tại Việt Nam phát triển rất mạnh. Hiện tại, chỉ với một chiếc điện thoại trong tay, người dùng có thể đi hầu khắp mọi nơi, mà không cần tiền mặt, hay thậm chí là thẻ cứng ngân hàng.
Tháng 9/2017, Samsung mang Samsung Pay vào Việt Nam, với mục tiêu tạo thêm giá trị cho hệ sinh thái Galaxy. Nhưng chỉ ngay sau đó, hàng loạt dịch vụ thanh toán di động khác... cũng ra đời. Những ứng dụng này hoàn toàn có thể được sử dụng ở mọi loại điện thoại thông minh và thậm chí là trên chính điện thoại Samsung để cạnh tranh với SamsungPay.
Tuy nhiên, trong mô hình thanh toán POS không cần thẻ ở Việt Nam, Samsung Pay là duy nhất. Bên cạnh đó, Samsung Pay cũng có những ưu thế riêng so với các mô hình thanh toán khác trong việc triển khai thanh toán di động tại Việt Nam.
Thứ nhất là tập khách hàng có sẵn. Theo số liệu mới nhất từ GFK, tính trung bình 4 tháng đầu năm 2019, Samsung là hãng có thị phần lớn nhất trong thị trường điện thoại thông minh tại Việt Nam với 46,88%. Trước đó, năm 2017 – thời điểm ra mắt Samsung Pay tại Việt Nam, thị phần của Samsung là 47,1%. Tính đến nay, Samsung Pay có gần 3 triệu giao dịch thành công.
Thứ hai là về sự đa dạng thiết bị cung cấp dịch vụ thanh toán của Samsung Pay. Không chỉ có thể sử dụng trên điện thoại di động, SamsungPay cho phép người sử dụng thanh toán bằng đồng hồ thông minh.
Điểm mạnh thứ ba, nếu như các đối thủ khác mạnh nhất ở việc thanh toán chi phí cho cách khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ online (trực tuyến), thì ở mảng dịch vụ trực tiếp, Samsung Pay mới chính là người chiếm ưu thế.
Hiện nay, hầu như các điểm dịch vụ trực tiếp đều cho phép thanh toán bằng thẻ ngân hàng, tức là có thể sử dụng SamsungPay. Samsung Pay nay đã liên kết với 21 ngân hàng gồm Agribank, Vietcombank, Techcombank…; 3 tổ chức chuyển mạch thẻ như Napas, Visa, Mastercard… SamsungPay đã hợp tác với nhóm nhà băng chiếm đến 75% thị trường thẻ thanh toán nội địa. “Bất kỳ nơi nào người dùng có thể quẹt thẻ là có thể thanh toán được bằng Samsung Pay”, ông Lê Khôi Nguyên nói.
Đại diện của Samsung bổ sung thêm: “Giờ đây, thói quen không thể thiếu khi chúng ta đi ra ngoài là có một chiếc điện thoại thông minh kề bên. Chỉ bằng thao tác một chạm đơn giản vào máy quẹt thẻ với thiết bị đi dộng Samsung, người dùng đã có thể thanh toán dễ dàng mà không cần mang ví, không cần xuất trình thẻ, cũng như không cần e ngại việc bị đánh cắp thông tin thẻ trong quá trình thanh toán. An toàn hơn, đơn giản hơn, nhanh chóng hơn”.
Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam, đến hết năm 2018, toàn thị trường Việt Nam có khoảng 220 ngàn máy POS, chưa tới 30 ngàn máy mPOS, trên tổng số hàng triệu các cửa hàng. Do vậy, ông Lê Khôi Nguyên khuyến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có thêm các chính sách để khuyến khích các cửa hàng lắp đặt và sử dụng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, đại diện Samsung cũng chia sẻ mong muốn chính sách phát hành thẻ tín dụng của các ngân hàng được nới lỏng, tăng cường liên kết giữa các thẻ tín dụng và tài khoản thanh toán cũng như các chương trình khuyến mại kích cầu người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng.