MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn gốc 39.000 tỷ đồng kết dư của Quỹ Bảo hiểm y tế

Số tiền này thực tế thuộc Quỹ dự phòng khám chữa bệnh tồn tích nhiều năm qua, theo thông tin từ Phó TGĐ BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.

"Quỹ BHYT kết dư 39.000 tỷ đồng, số liệu này kết dư từ những năm nào? Người dân có được hưởng lợi từ số kết dư này không?" là câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp định kỳ của BHXH Việt Nam sáng 2/11.

Trả lời vấn đề này, ông Đào Việt Ánh cho biết con số trên đang được hiểu chưa chính xác. Thực tế, Quỹ BHYT nhiều năm nay đã bội chi, không còn kết dư.

Số tiền 39.000 tỷ đồng được nhắc đến này thuộc Quỹ Dự phòng Khám chữa bệnh BHYT tồn tích nhiều năm khi thực hiện Luật BHXH. Theo đó, Luật quy định phải để ra ít nhất 5% số tiền đóng BHYT nhằm mục đích dự phòng.

Tuy nhiên, ông Ánh khẳng định, dù quỹ có kết dư hay bội chi, quyền lợi của người khám chữa bệnh đều không đổi.

"Nguồn quỹ là chuyện nguồn quỹ, quyền lợi là quyền lợi", Phó TGĐ BHXH Việt Nam khẳng định.

Tuy nhiên, ông lưu ý, trong bối cảnh mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm khó khăn cũng như tình trạng quỹ bội chi, nếu không sử dụng quỹ BHYT và quỹ Dự phòng hợp lý, sẽ không có nguồn để chi khám chữa bệnh.

Hiện mức đóng bình diện chung của Việt Nam khoảng 1 triệu đồng/người, chi đầu thẻ khoảng 1,1 triệu đồng. "39.000 tỷ đồng nhìn tưởng to nhưng thực chất so với tiền chi khám chữa bệnh hàng năm với 1,7 triệu lượt người khám, tương ứng chi khoảng 90.000 tỷ đồng thì không nhiều", ông Ánh nói.

Giả sử nếu quỹ dự phòng cũng cạn, quỹ BHYT không được sử dụng hợp lý trong nhiều trường hợp sẽ phải tăng mức đóng. Tuy nhiên, ông Ánh nhấn mạnh điều này sẽ tác động trực tiếp vào thu nhập của người lao động, chi phí hoạt động của doanh nghiệp, cân đối ngân sách và xa hơn là môi trường cạnh tranh quốc gia.

"Chúng tôi kiến nghị sử dụng thận trọng quỹ này và điều chỉnh các nội dung liên quan", ông Đào Việt Ánh cho biết.

Bên cạnh nội dung này, ông Ánh cũng thông tin về số tiền 800 tỷ đồng mà BHXH cho vay tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II).

Hiện toà án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa qua đã xử sơ thẩm liên quan đến khoản nợ gần 800 tỷ đồng giữa BHXH Việt Nam tại ALCII. Vấn đề được dư luận quan tâm là số tiền này liệu có được thu hồi, và trong tình trạng xấu nhất, quỹ BHXH sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Theo ông Ánh, sau phiên sơ thẩm, do còn nhiều ý kiến, toà án sẽ xử phúc thẩm vào thời gian tới.

Nhưng ông khẳng định, dù kết quả của phiên sơ thẩm, phúc thẩm như thế nào, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm cũng sẽ không bị ảnh hưởng.

Ông Ánh cho biết, kết quả tại phiên xét xử sơ thẩm cho thấy, số tiền mà BHXH gửi và có bảo lãnh tại ALCII khi thu về lớn hơn số tiền đã gửi. BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và có các biện pháp cần thiết để thu hồi tiền về ở mức cao nhất.

Vào ngày 6/8, Tòa án Nhân dân TP. HCM đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với ALCII. Đây được xem là công ty tài chính đầu tiên được phá sản tại Việt Nam.

Tổng nợ ALCII phải trả cho các chủ nợ và khách hàng là trên 10.160 tỷ đồng và hơn 8,5 triệu USD. Trong khi đó, nợ phải thu của ALCII trên 15.700 tỷ đồng và gần 32.400 USD, số dư tồn quỹ còn lại khoảng 19 tỷ đồng.

Số tiền gốc ALCII còn nợ BHXH Việt Nam là 769,3 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi phát sinh). Số tiền này được ngân hàng NN&PTNN đứng ra bảo lãnh.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên