Hàn Quốc có nguy cơ bị Nhật Bản cấm vận vì tranh cãi về lịch sử, cổ phiếu LG và Samsung rớt mạnh
Nhật Bản thông báo dự định từ ngày 4/7 tới đây sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu một loạt các sản phẩm chuyên biệt mà Hàn Quốc rất cần đến để sản xuất chip và màn hình máy tính.
- 28-06-2019Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập 'đội mưa' tới Nhật Bản dự G-20, sẵn sàng cho các cuộc gặp cân não
- 26-06-2019Sự trỗi dậy của văn hóa 'cô độc' của Hàn Quốc
- 22-06-2019Công ty "thực dụng" nhất Nhật Bản: Thu 100 USD/giờ sử dụng phòng họp, dùng bàn làm việc, máy tính cũng phải trả tiền, nhưng nhân viên lại sung sướng vì quy định này!
- 14-05-2019Điều ít biết về số phận các đời Tổng thống Hàn Quốc
Nhật Bản đã quyết định sẽ cắt đứt nguồn cung cấp các nguyên vật liệu quan trọng đối với ngành công nghệ của Hàn Quốc, khiến cuộc tranh cãi kéo dài xung quanh phán quyết của Hàn Quốc về vấn đề lao động bắt buộc trong thời chiến giờ đang có nguy cơ trở thành một cuộc chiến về kinh tế.
Tranh cãi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu nổi lên từ tháng 10/2018, khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc phán quyết rằng Tập đoàn Nippon Steel của Nhật Bản phải bồi thường cho những lao động bắt buộc của Hàn Quốc trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Tuy nhiên, phía Nhật Bản nói rằng vấn đề này đã được giải quyết triệt để vào năm 1965 khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao, đồng thời lên án phán quyết trên là "không thể tưởng tượng được."
Và đến hôm nay, Nhật Bản thông báo dự định từ ngày 4/7 tới đây sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu một loạt các sản phẩm chuyên biệt mà Hàn Quốc rất cần đến để sản xuất chip và màn hình máy tính.
Nhật Bản sẽ yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với 3 nguyên vật liệu quan trọng: nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide) được sử dụng trong sản xuất tấm màn hình điện thoại thông minh, chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (high-purity hydrogen fluoride) được sử dụng làm khí ăn mòn (etching gas) trong sản xuất chất bán dẫn. Các công ty Nhật Bản hiện kiểm soát 90% thị trường nhựa nhiệt dẻo sử dụng cho tấm màn hình.
Theo Yoshio Tamura, chuyên gia của công ty nghiên cứu thị trường Display Supply Chain Consultants, Samsung và LG khó có thể sản xuất màn hình OLED linh hoạt (có thể cong hoặc phẳng tùy ý).
Thông báo nói trên ngay lập tức đè nặng lên cổ phiếu của các công ty sản xuất chip và màn hình ở Hàn Quốc. Các mặt hàng này chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, trong khi hoạt động xuất khẩu chip vốn đang phải chịu nhiều áp lực (trong tháng 6 sụt giảm 26% so với 1 năm trước) do nhu cầu suy giảm và mối nguy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cổ phiếu LG Display mất 3,6% trong khi Samsung cũng giảm 1,6% mặc dù các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng của chứng khoán châu Á trong phiên hôm nay.
Nhật cũng xem xét loại Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" gồm 27 nước (phần lớn là các thành viên của NATO) mà nước này sẽ giao thương. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là điều chưa từng có tiền lệ. Hàn Quốc được bổ sung vào danh sách năm 2004.
Theo Deborah Elms, giám đốc của Trung tâm thương mại châu Á, Nhật Bản đang theo bước Mỹ trong việc sử dụng thương mại xuyên biên giới như 1 công cụ đàm phán khi có xung đột dù đó không phải là xung đột về thương mại. Bà gọi động thái này là "một dấu hiệu khác cho thấy thương mại toàn cầu đang sụp đổ".
Kể từ khi nhậm chức năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục sử dụng thuế quan và các biện pháp giới hạn xuất khẩu để giải quyết mâu thuẫn với các quốc gia khác, ví dụ như vấn đề nhập cư trong trường hợp của Mexico hay với Trung Quốc là một loạt vấn đề, trong đó có cả an ninh quốc gia.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được thể hiện ngay tại hội nghị G20 tại Osaka cuối tuần trước. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không có trong danh sách một loạt các lãnh đạo thế giới có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.