MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ doanh nghiệp ICT vướng vòng lao lý, Chủ tịch CMC gửi văn bản lên Bộ Tư pháp

21-08-2016 - 09:14 AM | Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC gửi văn bản lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiến nghị sửa đổi Điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015 và đề nghị loại bỏ, chỉnh sửa những qui định có tính chất hình sự hóa các hoạt động kinh doanh để tránh nguy cơ đẩy doanh nghiệp vào vòng lao lý.

Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tổ chức vào tháng 11/2015, đã được công bố và thời điểm bộ luật này có hiệu lực là từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, vào ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII đã ra Nghị quyết 144 về việc lùi hiệu lực của Bộ luật Hình sự năm 2015 và 3 đạo luật liên quan. Sau khi Bộ luật này thông qua, rất nhiều doanh nghiệp và hiệp hội trong lĩnh vực ICT đã lên tiếng đề nghị bỏ hoặc sửa đổi bởi Điều 292 - “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” của Bộ luật này gây ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của xã hội, đồng thời trái với quan điểm của Đảng và Nhà nước.

Sau khi các doanh nghiệp và hiệp hội trong lĩnh vực ICT đã lên tiếng thì trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Bộ Tư pháp thì điều 292 của Bộ luật này không được bỏ như đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc tiếp tục gửi văn bản kiến nghị đề nghị Bộ Tư pháp điều chỉnh hoặc bỏ hẳn điều luật này.

Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch CMC cho nói rằng: “Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC) được biết Bộ Tư pháp có đăng tải trên website của mình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự để lấy ý kiến các Bộ ngành, trong đó có Điều 292. CMC rất vui mừng vì Bộ Tư pháp đã có những tiếp thu kiến nghị từ cộng đồng và doanh nghiệp, tuy nhiên, cách thức lấy ý kiến, tiếp thu, sửa đổi và những sửa đổi hiện nay vẫn còn có một số điểm chưa phù hợp:

Chủ tịch CMC đưa ra dẫn chứng, việc lấy ý kiến mang tính hình thức, chỉ được thực hiện thông qua các website mà không có những buổi lấy ý kiến trực tiếp đối với doanh nghiệp, các đối tượng bị tác động bởi văn bản. Khi không có sự trao đổi nhiều chiều thì các quy định hoàn toàn có thể duy ý chí, mang tính áp đặt từ cơ quan nhà nước. Việc soạn thảo, tiếp thu ý kiến của Ban soạn thảo nên thể hiện sự cầu thị, lắng nghe và trao đổi có tính biện chứng, không nên để tình trạng “đứng trên dân”, áp đặt một chiều, bác bỏ ý kiến mà không có lý giải hay cơ sở thuyết phục. Việc soạn thảo cũng cần tránh việc đặt ra quy định chỉ nhằm mục đích thuận tiện cho cơ quan quản lý mà không tính đến hậu quả khôn lường đối với xã hội, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của doanh nghiệp nói chung và người dân nói riêng. Ngoài ra, Ban soạn thảo cần có sự nghiên cứu thông lệ quốc tế, nhằm đảm bảo mục tiêu hội nhập, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài.

Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Trung Chính kiến nghị, cần làm rõ yếu tố cấu thành tội phạm của tội cung cấp dịch vụ trái phép qua mạng máy tính và mạng viễn thông với các tình tiết định khung của các tội danh quy định tại Điều 290, 321, 326 nhằm loại bỏ sự trùng lắp. Cụ thể, tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290), Tội đánh bạc (Điều 321) và Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326) đều có tình tiết định tội và/hoặc định khung là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh đa cấp, đánh bạc (thông qua trò chơi điện tử), mua bán văn hóa phẩm đồi trụy. Vậy cơ quan thực thi sẽ áp dụng tội danh nào cho những hành vi đó.

Điều này sẽ gây những bất cập và tạo khoảng trống cho cơ quan thực thi pháp luật, nếu chưa muốn nói đến sự tùy tiện trong việc quyết định tước bỏ quyền công dân của người thực hiện hành vi nói trên.

Chủ tịch CMC cho rằng, đối với ngành nghề kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng: cần xác định rõ tính chất nguy hại của trò chơi đến mức phải xử lý hình sự, theo đó, chỉ những trò chơi thuộc nhóm G1 mới bị đưa vào quy định của tội này. Bởi vì, chỉ có G1 là cần có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

Điều này có nghĩa, các loại trò chơi được xếp vào G1 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự công cộng, quản lý xã hội. Hiện nay, có nhiều trò chơi, đặc biệt là thuộc nhóm G4, hữu ích cho việc giải trí, học tập, dễ đem lại doanh thu, lợi nhuận, từ đó làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thì cần khuyến khích.

“Chúng tôi đồng tình và kiến nghị thực hiện theo phướng án 2 đối với điểm e khoản 1 Điều 292. Quy định này, như đã phân tích trong kiến nghị trước đây, gây hoang mang, lo lắng cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhà nước như Viettel, VNPT hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc thay đổi, bổ sung pháp luật về quản lý kinh doanh có điều kiện tạo ra sự mở rộng khôn lường cho việc định tội theo khoản này và không ai biết mình khi nào mình sẽ vướng vào vòng lao lý” Chủ tịch CMC nói.

Ông Nguyễn Trung Chính còn kiến nghị bổ sung một yếu tố vào mặt khách quan của tội này là đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà vẫn vi phạm. Cụ thể về khoản 2, cần xem xét và loại bỏ tình tiết định khung: có tổ chức và phạm tội 02 lần trở lên. Thông thường các start up sẽ làm việc theo nhóm, và như vậy, vô hình chung, nếu áp dụng Điều 292 thì start up sẽ bị đưa vào khung 2 ngay lập tức và bị phạt tù đến 2 năm.

Quá trình start up phải có thử nghiệm, nên việc đập đi, làm lại diễn ra nhiều lần, như vậy, có khả năng sẽ bị quy là phạm tội 02 lần trở lên. Ngoài ra, tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp cũng đã bao hàm việc phạm tội nhiều lần (5 lần trở lên). Do đó, kiến nghị loại bỏ 2 tình tiết định khung này.

Về khoản 4, kiến nghị sửa đổi, chỉ áp dụng biện pháp “cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm” đối với hành vi kinh doanh đa cấp, kinh doanh vàng miếng trên tài khoản; chỉ “tịch thu khoản tài sản có được từ hành vi phạm tội/khoản lợi bất chính”.

Quy định hiện nay quá nặng đối với start up hay bất kỳ người nào, thậm chí còn nặng hơn quy định của Bộ luật Hình sự 1999, tác động tiêu cực đến cộng đồng start up và giết chết sự sáng tạo; gây hoang mang đối với nhà đầu tư nước ngoài và trái với quy định của Bộ luật Hình sự về mục đích phạt là “giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”. Việc tịch thu tài sản hiện nay của tội này tương ứng với các tội danh đặc biệt nghiêm trọng như Tội khủng bố, Tội tài trợ khủng bố, Tội tham tô tài sản… Các biện pháp này khiến start up khó có thể quay lại và tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, kiến nghị Bộ Tư pháp rà soát lại Điều 200 về Tội trốn thuế, Điều 162 về Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật, cụ thể như sau:

Điều 200 về Tội trốn thuế: Các quy định về thuế hiện nay rất phức tạp, thay đổi liên tục. Doanh nghiệp đang cố gắng nỗ lực để tìm hiểu và tuân thủ nhưng đôi khi còn do sơ xuất, hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc do quy định pháp luật không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn mà không có cùng một cách hiểu với cơ quan quản lý nhà nước (thậm chí, giữa các cơ quan nhà nước còn có các quan điểm khác nhau). Do đó, việc liệt kê các dấu hiệu về hành vi cụ thể, bao gồm cả lỗi vô ý, với số tiền thấp (dưới 100 triệu đồng) như hiện nay thì các doanh nghiệp gần như đều có thể mắc phải. Ví dụ như hành vi nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Điều 162 về Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật: Hiện nay, pháp luật về lao động đã rất bảo vệ người lao động, đến nỗi, có những cá nhân cá biệt, chúng tôi không có cách nào xử lý vì xử lý thế nào cũng có thể vi phạm quy định pháp luật. Việc bổ sung quy định này khiến cho doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả khôn lường bởi những cá nhân làm việc không những không hiệu quả mà còn có thái độ chống đối, gây ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa doanh nghiệp và người lao động khác.

“Vì những lý do nêu trên, CMC xin kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành hữu quan sửa đổi Điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015 đồng thời tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến cộng đồng và rà soát kỹ lưỡng Bộ Luật Hình sự để loại bỏ, chỉnh sửa những qui định có tính chất hình sự hóa các hoạt động kinh doanh” ông Chính nói.

Theo Thái Khang

ICTnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên