Nguy cơ khi thu mua điện mặt trời 1 giá
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lo ngại việc áp dụng giá mua điện mặt trời 1 vùng dẫn đến các dự án điện mặt trời nối lưới đang phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.
- 26-09-2019Nghịch lý thiếu điện lại lo quá tải vì dư thừa điện mặt trời
- 22-09-2019Đầu tư vào điện mặt trời: Sẽ áp dụng phương án 1 giá điện trên toàn quốc?
- 17-09-2019Có gì ở nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á?
Bộ Công Thương vừa có báo cáo trình Thủ tướng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời theo phương án 1 giá điện áp dụng trên toàn quốc (gọi là 1 vùng).
Tại tờ trình của Bộ Công thương, biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện được quy định như sau: dự án điện mặt trời mặt đất có giá 1.620 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh. Giá mua với dự án điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh. Dự án điện mặt trời mái nhà là 2.156 đồng/kWh, tương đương 9,35 cent/kWh.
Tuy nhiên, ngày 25/9, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi đã ký văn bản đề xuất, kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo đó, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị thực hiện giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng (2 - 4 vùng) thay cho giá mua điện chung trong cả nước như hiện nay. Bởi cường độ bức xạ của Việt Nam thay đổi nhiều theo các vùng, các tỉnh miền Bắc có bức xạ thấp nhất, bình quân khoảng 3,7 kwh/m2/ngày, trong khí các tỉnh phía Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có bức xạ bình quân lên đến 4,8-5,1kwh/m2/ngày (gấp gần 1,4 lần).
Điều này dẫn đến các dự án điện mặt trời nối lưới đang phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.
"Việc áp dụng giá mua điện theo nhiều vùng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các đơn vị vận hành hệ thống điện có nhiều lựa chọn trong việc tích hợp nguồn điện mặt trời với các loại hình nhà máy điện khác trong khu vực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất", Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay.
Ngoài ra, giá mua điện mặt trời theo nhiều vùng đã được nhiều quốc gia áp dụng.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng kiến nghị bên dưới các tấm panel điện mặt trời có thể trồng các loại cây trồng thích hợp hoặc có thể nuôi trồng thủy sản (đối với dự án mặt trời trên các ao, hồ); cho phép thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các dự án điện mặt trời nối lưới kết hợp với sản xuất nông nghiệp; khuyến khích chủ đầu tư các dự án điện mặt trời hợp tác với các hộ dân có quyền sử dụng đất thực hiện sản xuất nông nghiệp kết hợp với sản xuất điện nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, qua hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối tháng 6/2019 đã có 2 nhà máy điện với tổng công suất 4.460 MW đã được đưa vào vận hành, góp phần giảm phát điện từ các nhà máy điện đốt dầu đắt đỏ, tiết kiệm chi phí sản xuất điện trong điều kiện sản lượng của các nhà máy thủy điện hạn chế do thiếu nước.
“Do nhiều các dự án nguồn điện đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh vào chậm, xuất hiện khả năng thiếu điện lớn từ năm 2021. Bên cạnh đó, do thời gian xây dựng của các dự án điện mặt trời rất nhanh (khoảng 6 tháng đối với dự án có công suất 100 MW), nên việc tăng cường phát triển các dự án điện mặt trời là phương án khả thi nhất để có thể khắc phục tình trạng thiếu điện trong thời gian tới”, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay.
Infonet