MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ lạm phát bùng lên những tháng cuối năm

Nhiều điểm yếu của nền kinh tế chưa được giải quyết trong khi giá cả nhiều mặt hàng được dự báo biến động cuối năm cùng với áp lực về tỷ giá sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng cuối năm tăng mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Áp lực đè nặng

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, so với tháng 12/2017, CPI tháng 6 đã tăng 2,22% và tăng đến 4,67% so với cùng kỳ năm 2017. Ðây là mức tăng cao nhất của CPI trong vòng 7 năm qua. Tính chung, CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2018 đã tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo ông Lâm, CPI trong sáu tháng đầu năm  tăng chủ yếu do chịu tác động của giá dịch vụ y tế tăng dịch vụ giáo dục (tăng 7% so với cùng kỳ). Cùng đó, các nhóm mặt hàng liên quan giao thông, nhà ở, vật liệu xây dựng và đặc biệt là nhóm thực phẩm (do giá thịt lợn tăng khoảng 20% so với đầu năm) đã đẩy CPI tăng rất cao. Ðây cũng là những mặt hàng cần đặc biệt lưu ý trong các tháng cuối năm.

Về kinh tế vĩ mô, các tháng cuối năm, theo ông Lâm, đến nay lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, CPI đã tăng rất cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất nhưng dự kiến còn hai đợt tăng giá mạnh vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm.

"Cần theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, tiếp tục triển khai mạnh mẽ kịch bản điều hành giá theo hướng thận trọng cũng như thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, điều hành chủ động giá các mặt hàng do Nhà nước định giá. Cơ quan quản lý cần không tăng giá điện, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép và vào thời điểm phù hợp”, ông Lâm nói.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), trong các tháng còn lại của năm nay, giá dầu thế giới biến động sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng. Theo các chuyên gia của NFSC, việc kiểm soát lạm phát và giá cả một số mặt hàng như xăng dầu, thực phẩm các tháng cuối năm là yêu cầu cần lưu ý. Số liệu của nhiều cơ quan nghiên cứu cũng dự báo giá thực phẩm trong năm 2018 sẽ tăng trở lại ở mức tương đương năm 2016. Ước tính việc tăng giá thực phẩm sẽ tác động làm CPI tổng thể tăng 0,5%-0,8%. Cùng với đó, việc giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao vượt dự kiến dẫn đến tác động tới giá xăng dầu trong năm 2018 là yếu tố không thể xem nhẹ.

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nếu giá dầu năm 2018 tăng lên mức mức 60-62 USD/thùng như dự báo sẽ làm cho giá dịch vụ nhóm giao thông tăng khoảng 5-7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5-3,8 %. Với việc giá dầu tăng lên mức 65USD/thùng theo như dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) thì giá nhóm giao thông tăng khoảng 8 - 10%, lạm phát năm 2018 dự báo tăng 4 - 4,1% so với cùng kỳ.

Neo lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ

Theo PGS.TS Nguyễn Ðức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Ðại học Quốc gia Hà Nội khi giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, đạt được mức lạm phát bình quân năm 4% cần nỗ lực hết sức của các cấp và đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của Ngân hàng nhà nước. “Chúng tôi đưa ra dự báo lạm phát quý 3 và quý 4 năm 2018 lần lượt là 4,65% và 4,13% và tính chung cả năm, lạm phát sẽ vượt 4%”, ông Thành dự báo. Ông Thành cho rằng, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước nếu có thể, cần kiểm soát sớm để đưa lạm phát ở mức ổn định, không gây ra những vấn đề của thị trường như tỷ giá lại tăng hay lãi suất phải rục rịch tăng hoặc đơn giản là không giảm. Lạm phát là một chỉ báo cần hết sức thận trọng”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để kiểm soát lạm phát phải phối hợp đồng bộ các chính sách, trong đó chính sách tiền tệ giữ vai trò quan trọng. Giá tăng lên phụ thuộc 2 nhóm nhân tố là thị trường và điều hành. Trong công tác điều hành giá, mặt hàng do nhà nước quản lý, phải điều hành phù hợp, căn cứ vào thực tiễn.

Với chính sách tiền tệ, theo ông Long, cơ quan chức năng cần giữ lãi suất ổn định, để không gây ra tác động đến lạm phát. Trong bối cảnh tỷ giá đang có biến động, chính sách tài chính cần tìm giải pháp như tăng thu, tiết kiệm chi để đỡ mất cân đối.

"Áp lực tăng giá với xăng dầu, gas, lương thực, tác động rủi ro từ thiên tai, bão lũ là những yếu tố khiến chỉ số CPI sẽ tăng vào cuối năm. Ngoài ra, CPI còn chịu áp lực từ việc nâng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ ảnh hưởng nhất định đến lãi suất và tỷ giá".

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính).



Theo Phạm Tuyên - Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên