Nguyễn Hà Đông nói thật về việc gỡ Flappy Bird: "Tất cả mọi áp lực em đều không chịu được, tốt nhất là... gỡ"
Xuất hiện SoICT Talk – Episode 2: Symphony of Startup do Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Bách Khoa tổ chức, Nguyễn Hà Đông vẫn giống Đông 5 năm trước. Vận quần âu, áo len mỏng màu xanh đen với sơ mi trắng, Đông nói chuyện ngập ngừng, mỗi từ được đưa ra thận trọng, nhưng trong không khí “trở về nhà”, chàng trai Bách Khoa K49 cười khá nhiều.
17h30 chiều 18/11, dù trước đó là một cơn mưa chuyển mùa, hội trường B1 của ĐH Bách Khoa với sức chứa 400 người đã được lấp đầy.
"Nhưng sẽ đông hơn đấy", Nam, sinh viên K64 nói. Nam cho biết em bị hấp dẫn bởi cả 3 diễn giả, vốn là cựu sinh viên của trường, gồm: Hùng Trần – Founder Got It, Ngô Trung – Co-Founder TruePlus, và Nguyễn Hà Đông – tác giả của Flappy Bird. Tuy nhiên, với bạn sinh viên năm nhất này, Flappy Bird quen thuộc hơn cả. "Em đã chơi game này hồi năm lớp 9, 10".
Và ngay khi Viện trưởng Tạ Hải Tùng cùng 3 "đàn anh" bước vào, cả hội trường như nổ tung bởi tiếng vỗ tay.
Trước khi lên sân khấu, Nguyễn Hà Đông đã có cuộc nói chuyện ngắn với anh Hùng Trần. Trái với tính cách vui vẻ, hoạt bát của Hùng, Đông chủ yếu là nghe, thi thoảng cười mỉm.
So với những lần xuất hiện ở những sự kiện khác, Đông có vẻ thoải mái theo một nghĩa nào đó. Nhường chỗ cho các đàn anh ở trung tâm, đối diện với khán phòng, Đông chọn cho mình một vị trí góc. Tựa thẳng lưng vào ghế, anh chàng ngồi ngay ngắn và không thay đổi tư thế trong suốt hơn 2 giờ nói chuyện.
Giới thiệu về Đông cho các bạn sinh viên, thầy Tạ Hải Tùng tóm tắt "là anh chàng rụt rè, khiêm tốn", xung quanh Đông là một bức màn khá bí ẩn.
Nguyễn Hà Đông luôn lẩn tránh truyền thông. Không nói hẳn là thích hay ghét, nhưng Đông từng nói anh tiếp xúc có chọn lọc. Kể từ khi nổi tiếng, Đông chỉ trả lời một vài tờ báo, trong đó, được biết đến nhiều nhất là bài phỏng vấn của David Kushner trên Rollingstone, mô tả về Đông vài tuần sau khi anh chàng hạ Flappy Bird khỏi app store. Nhờ đó, lần đầu tiên trong nước và quốc tế biết được Nguyễn Hà Đông là ai.
"Sản phẩm của Đông rất đặc biệt, no promotion, no plan, no logic, nhưng được tải nhiều nhất tại 100 quốc gia với 50 triệu lượt download. Cnet cũng vừa chọn Flappy Bird là 1 trong 25 ứng dụng ảnh hưởng nhất trong 10 năm qua. Bí quyết của Đông là gì?", thầy Tạ Hải Tùng đặt vấn đề.
Trả lời thẳng rất ngắn ngọn, Đông nói: "Khác với các anh ở đây, 17 năm qua em chỉ có màn hình máy tính. Em không có nhiều câu chuyện để kể. Em nghĩ em phải đánh đổi một số thứ để đạt được thành công như vậy. Cái mà em đánh đổi chính là sự trưởng thành của mình. Thế thôi!".
Cả hội trường ồ lên với câu trả lời của Đông, nó vẫn như Đông của nhiều năm về trước, khi anh bị shock bởi sự nổi tiếng của mình, phải tạm rời ngôi nhà đang sống cùng bố mẹ, ở nhờ nhà bạn để lẩn tránh truyền thông hay dòng twitter: "Hãy để tôi yên" trước khi quyết định kết thúc Flappy Bird.
Cha đẻ của Flappy Bird từng khẳng định: "I’m master of my own fate, independent thinker – tôi làm chủ số phận của mình, tôi có suy nghĩ độc lập". Vậy nên, vốn là người bẩm sinh không chịu được áp lực. Đông đã đi đến quyết định gây shock với Flappy Bird.
"Tất cả mọi áp lực em đều không chịu được, tốt nhất là ...gỡ", bàn tay Đông để ngay ngắn trên đùi nắm nhẹ lại.
Tuy nhiên, Đông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dừng lại với game. Ở thời điểm hoàng kim, Mark Zuckerberg cũng không giàu nhanh như Đông, khi mỗi ngày trôi qua, tài khoản của Đông lại có thêm 50 nghìn USD. Thường thì các nhà làm công nghệ kháo nhau, chỉ cần có 1 triệu USD là có thể nghỉ hưu. Đông cũng từng tính cho mình một con số, là 1,1 triệu USD. Nhưng khi thực sự có nhiều lần của con số ấy, Đông nói một cách đơn giản: "Em chưa nghỉ hưu được".
Nguyễn Hà Đông đang phát triển một công ty chuyên về game .GEARS. Công ty chỉ có 2 người, gồm Đông và một người bạn cũng cùng khoá 49, tên Trung. Với mái tóc buộc túm đuôi gà, áo phông và quân âu tối màu, Trung có vẻ điềm tĩnh và yên ổn giống Đông. Anh chàng ngồi hàng ghế đầu tiên, chăm chú lắng nghe tất cả những gì được các diễn giả chia sẻ.
Sau thành công của Flappy Bird, Đông cho biết để có xác suất thành công cho một game thành công tương tự sẽ khoảng 0,1%. Đông nói rằng anh và cộng sự đang làm một game mới có vẻ rất đơn giản nhưng công nghệ trong game này thì chưa có từng có bao giờ.
"Em không thể nói trước được. Nói trước thì khó bước qua. Em cảm ơn vì đã quan tâm", Đông nói với thầy Tùng trong tràng pháo tay và tiếng cười thoải mái của tất cả mọi người trong khán phòng.
Sau 5 năm, Hà Đông vẫn khẳng định không rõ mục đích của bản thân khi khởi nghiệp là gì. Đông đên với game lần đầu tiên khi là một cậu bé, bị ám ảnh bởi sức mạnh khi điều khiển những nhân vật ảo trên chiếc máy Nitendo "hàng rởm".
15 tuổi, Hà Đông học code để lập trình một trò chơi trên máy tính. 17 tuổi, anh chính thức lập trình game. Sau đó, Đông theo học tại Đại học Bách Khoa và ngay từ năm 2, Đông đã đi làm ở một công ty chuyên về game. "Em thực sự làm một mình từ năm 2011", Đông cho biết.
Những trò chơi do Đông làm ra thường giống như chính bản thân của anh: "Bận rộn, xách nhiễu, luôn chuyển động". Từ con chim béo ú với chiếc mỏ dày màu đỏ, đến các game sau này, dù đồ hoạ nhìn đơn giản, cách chơi chỉ là ấn ngón tay trên màn hình cảm ứng thì các game đều rất khó chơi và tạo ra sự khó chịu nhất định.
Đông được đánh giá là có lối sống khác với giới trẻ. Ở thời điểm năm 2013, Đông có thói quen dùng twitter, một ứng dụng mà 6 năm sau, người Việt vẫn ít sử dụng. Ứng dụng này theo Đông giúp anh phần nào cải thiện được tiếng Anh và dễ dàng trao đổi với các tiền bối trong ngành. "Họ cũng sử dụng twitter nên việc trao đổi rất thuận tiện".
Flappy Bird là một hiện tượng toàn cầu, nhưng Đông cho biết bản thân không có khái niệm về sự khác biệt giữa thị trường game trong nước hay quốc tế.
"Em chỉ có khái niệm khác nhau, ví dụ như nếu mình không phải con người, mình sẽ làm thế nào. Làm sao để thuyết phục con người sử dụng sản phẩm đó, chứ không có khái niệm quốc gia, lãnh thổ", Đông cho biết.
Với cách nghĩ có phần khác biệt và độc lập này, Đông cho biết bản thân anh không đưa ra được lời khuyên nào cho các bạn trẻ. "Em nghĩ là mỗi người sẽ khác nhau, họ làm những việc mà bản thân thấy đúng là được. Em không có lời khuyên gì cả".
Tuy nhiên, từ câu chuyện "không thể quay lại cuộc sống trước đây của mình", Đông nói rằng: "Đừng đánh đổi sự trưởng thành bằng những thành công ngắn hạn". Hai lần, trong buổi nói chuyện, Đông nhắc đến cụm từ "đánh đổi sự trưởng thành", như chính anh từng nhận xét: Flappy Bird là thành công nhưng cũng huỷ hoại cuộc sống bình yên của anh.
Dù vậy, anh cũng cho biết sẵn sàng cho tiền những bạn trẻ, để họ có thể nghiên cứu, khởi nghiệp, miễn là chứng minh được họ làm được, có khả năng làm đến mức nào, số tiền cần là bao nhiêu. "Nếu thấy hợp lý, mình sẽ cho", Đông nói với khán phòng.
Kết thúc buổi nói chuyện, sau những tiếng cười ồn ã, Đông chọn cho mình một góc khuất ở tầng 4, cạnh cửa sổ và đốt thuốc. Anh chờ Trung, người bạn và là đồng sự của mình. Trước một vài phóng viên vẫn cố tình bám theo, anh đơn giản nói: "Xin đừng làm phiền không gian của tôi".