MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, vì đâu?

14-05-2021 - 20:26 PM | Thị trường

Nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm.

Nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho ngành công nghiệp chế biến tháng 4/2021 tăng 2,48% so với tháng trước và tăng 13,49% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên từ giữa năm 2020 và càng đến gần cuối năm, giá càng tăng mạnh. Đến nay, giá nhiều loại ngũ cốc như: ngô, đậu tương chưa có dấu hiệu đi xuống, minh chứng trong tháng qua, giá vẫn tiếp tục tăng.

Các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu. Tiếp đến là những người nông dân, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt với người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.

Tổng cục Thống kê chỉ ra nguyên nhân nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng.

Thứ nhất, do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm, chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu tăng cao từ việc thiếu tàu biển và container ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, biến đổi khí hậu làm mất mùa.

Thứ hai, một số nước chuyển hướng đầu tư nông sản và Trung Quốc tăng thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi làm cho giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng.

Thứ ba, ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu từ nhập khẩu (chiếm khoảng 80%-85%), giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 4 tháng đầu năm 2021 tăng 6,66% so với cùng kỳ năm 2020 nên ảnh hưởng đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước.

Cụ thể, giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho ngành công nghiệp chế biến tháng 4/2021 tăng 2,48% so với tháng trước và tăng 13,49% so với cùng kỳ năm 2020, tính chung 4 tháng đầu năm nay tăng 8,79%. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tăng 1,26% và tăng 5,09%, tính chung 4 tháng tăng 3,6%.

Tổng cục Thống kê cũng đưa ra 3 phương án để khắc phục những khó khăn hiện tại do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng gây ra.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh trình trạng thiếu hụt khi giá tăng cao.

Thứ hai, các doanh nghiệp và hộ sản xuất cần chủ động tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có cho thức ăn chăn nuôi trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu như khô hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo.

Thứ ba, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu cũng như giảm chi phí vận chuyển, lưu kho bãi để giảm giá thành, đảm bảo nguồn cung, ổn định sản xuất trong nước.

Theo Đỗ Lan

Người Đồng Hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên