MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên nhân khiến Trung Quốc không thể ra tay vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc và mối lo ngại đáng báo động cho kinh tế toàn cầu

27-09-2019 - 12:17 PM | Tài chính quốc tế

Trong khi Mỹ và Châu Âu theo đuổi các chính sách tiền tệ dễ dàng để thúc đẩy nền kinh tế của họ, Trung Quốc đang có một hướng đi thận trọng hơn. Đây sẽ là một trở ngại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Donald Trump từng nặng lời chỉ trích các nhà lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang vì chưa hành động đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, mặc dù Fed đã cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết họ sẵn sàng mua nhiều nợ nhất có thể để phục hồi khu vực đồng euro. Điều đó khiến Trung Quốc trở thành nước duy nhất trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới không đạp được chân trên bàn đạp tăng trưởng.

Trong các chu kỳ trước đây, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy dự báo tốc độ tăng trưởng cao của Trung Quốc đang bị đe dọa đều dẫn đến kích thích toàn diện. Lần này, ngay cả khi nền kinh tế đang đương đầu với tốc độ phát triển chậm nhất trong gần ba thập kỷ, và có nhiều khoảng để cắt giảm lãi suất hơn so với các nước khác, Chủ tịch Tập Cận Bình lại tiếp tục chiến lược ổn-định-trước-tiên của mình. Có kích thích, nhưng ở mức độ vừa phải, thậm chí là tối thiểu và điều đó có tác động lớn đến nền kinh tế thế giới.

Trước đây, ngay từ dấu hiệu đầu tiên về sự bất ổn định, Trung Quốc sẽ mở các vòi tín dụng, theo ông Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China tại Bắc Kinh. Bây giờ họ nhận ra rằng một điểm phần trăm tăng trưởng thêm không xứng đáng với thiệt hại mà nền kinh tế phải chịu.

Nguyên nhân khiến Trung Quốc không thể ra tay vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc và mối lo ngại đáng báo động cho kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Năm 2008, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã giải phóng mọi kích thích. 5 lần cắt giảm lãi suất cơ bản đi kèm với gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ NDT (563 tỷ USD) đã giúp bùng nổ hoạt động cho vay ngân hàng, phần lớn là cho chính quyền địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng.

Điều này dẫn đến một trong những sự tích tụ nợ nhanh nhất trong lịch sử loài người, và khoản nợ đó vẫn là một gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia.

Các nhà phân tích xác định thời gian thay đổi chính sách là tháng 5/2016, khi một bài báo của một người có thẩm quyền đăng trên tờ Nhật báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, gọi nợ là "tội lỗi căn nguyên". Ảo tưởng về kích thích nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ dễ dàng đã sinh ra những vấn đề bao gồm bong bóng bất động sản, năng suất công nghiệp dư thừa và các khoản vay không phù hợp đang gia tăng, theo bài báo, được cho là của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc đã bước vào một con đường mới mà các nhà lãnh đạo còn bị mắc kẹt giữa sự bất ổn xuất phát từ cuộc chiến thương mại và công nghệ leo thang với Mỹ.

Thay vì cung cấp thêm tín dụng, các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng chuyển hướng cho vay khỏi các doanh nghiệp nhà nước bế tắc sang các công ty tư nhân nhỏ hơn, hiệu quả hơn. Họ cũng đã tìm cách giảm rủi ro hệ thống bằng cách củng cố hệ thống quy định. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương nhắc lại chính sách tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào ngày 24/9: "Chúng tôi không vội vàng thực hiện cắt giảm lãi suất lớn hay nới lỏng định lượng, như một số ngân hàng trung ương khác."

Kết quả là một lực cản không thể tránh khỏi đối với tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong một tháng kể từ năm 2002, trong khi chỉ số giá công nghiệp chìm sâu hơn vào giảm phát. Theo ông Polk, tất cả những điều này có nghĩa là sự chậm lại của Trung Quốc có thể sẽ là một trở lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới. Ông Frederic Neumann, đồng giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc Hồng Kông, cho biết phần còn lại của thế giới sẽ cần phải làm quen với việc Trung Quốc sẽ không đưa ra biện pháp khắc phục nhanh đối với tình trạng bất ổn tăng trưởng hiện tại.

Trung Quốc đang thực hiện một số bước để giữ cho tăng trưởng ổn định. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc vừa được hạ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, lãi suất thị trường được điều chỉnh thấp hơn, phát hành trái phiếu cho chi tiêu cơ sở hạ tầng tăng lên. Chính phủ cũng cam kết cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp và hộ gia đình khoảng 2 nghìn tỷ NDT (281 tỷ USD) trong năm nay theo kế hoạch kích thích tài khóa lớn nhất từ ​​trước đến nay của nước này. "Mặc dù có vẻ như Trung Quốc chậm trễ trong việc kích thích chính sách cùng những minh chứng, nhưng thực tế thì hơi kém thuyết phục", theo ông George Magnus, nhà kinh tế tại Trung tâm Đại học Oxford Trung Quốc.

So với các khoản chi tiêu trong quá khứ, kích thích này có mục tiêu và hiệu chỉnh nhiều hơn. Nhưng nó không phải là không có rủi ro: mối nguy hiểm lớn nhất là nền kinh tế chậm lại hơn so với kỳ vọng của nhà hoạch định chính sách, dẫn đến tình trạng thất nghiệp lan rộng và suy thoái trở nên khó đảo ngược. Các nhà lãnh đạo sau đó có thể tăng cường kích thích, gây ra những bất ổn về tài chính mà họ muốn tránh.

Quyết tâm của cấp lãnh đạo có thể được kiểm nghiệm sớm hơn. Với những thách thức thương mại và tài chính "đau đầu" hơn, tăng trưởng có thể giảm tới 5,5% nếu không có kích thích mạnh mẽ hơn, Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Oxford Economics ở Hồng Kông nói. Sáu tháng tới sẽ là phép thử, ông nói. "Cá nhân tôi chưa thể tin rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng hãy chờ xem."

Khánh An

Bloomberg

Trở lên trên