MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên Phó giám đốc nhân sự Mai Linh Corp nói gì về phần ứng xử của Hoa hậu Thùy Tiên? Liệu có tuyển ngay như lời đồn?

07-12-2021 - 18:58 PM | Sống

Nhiều người hào hứng trước phần trả lời của Thùy Tiên đến mức khẳng định "99% nhà tuyển dụng nghe xong phải nhận ngay", vậy Phó giám đốc nhân sự "real" ở đây họ sẽ nói gì?

Cái tên Nguyễn Thúc Thủy Tiên được nhắc đến liên tục trong nhiều ngày qua bởi niềm tự hào cô ấy đã mang về cho đất nước. Lần đầu tiên đại diện Việt Nam được xướng tên nhận vương miện Hoa hậu danh giá tại Miss Grand International 2021 - Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2021.

Tân Hoa hậu Thùy Tiên trở thành tâm điểm bàn luận của cư dân mạng về nhan sắc, hình thể, trí tuệ qua những gì cô đã thể hiện ở các vòng thi. Trong đó, điều đặc biệt mà khiến mọi người phải trầm trồ về Thùy Tiên chính là không chỉ thông tạo tiếng Anh mà ở phần ứng xử cô đã dõng dạc trả lời bằng tiếng Thái, điều này khiến cho người hâm mộ Thái Lan được một phen "trầm trồ".

Nguyên Phó giám đốc nhân sự Mai Linh Corp nói gì về phần ứng xử của Hoa hậu Thùy Tiên? Liệu có tuyển ngay như lời đồn? - Ảnh 1.

Qua câu trả lời của Tân Hoa hậu, chính Mr Nawat - Chủ tịch của Miss Grand International tiết lộ chính câu hỏi này giúp ông khẳng định rằng chắc chắn vương miện thuộc về Thùy Tiên. Câu trả lời đầy sự quyết tâm cho cương vị mình muốn đảm đương của Thùy Tiên khiến cho Mr Nawat củng cố thêm sự tin tưởng về những gì nàng Hậu này sẽ cống hiến trong tương lai.

Sau cuộc thi, câu trả lời "vận mệnh" này của Thùy Tiên được chia sẻ rất nhiều trên khắp mạng xã hội. Phân tích ở đa góc nhìn, nhiều người đã khẳng định nếu câu trả lời này gắn vào vị trí của một người ứng viên đi ứng tuyển thì xác suất đến 99% họ sẽ làm hài lòng nhà tuyển dụng. Điều này nghe có vẻ hợp lý vì nó đã từng "giúp" cho một cô gái đạt giải Hoa hậu, tuy nhiên, ở đây cần thể hiện được nghị lực và sự quyết tâm như Thùy Tiên ở vai trò mà cô ấy muốn đảm đương chứ không đơn thuần chỉ cần nói một câu tương tự là xong.

Nếu các ứng viên nào cũng có phần trả lời như hoa hậu Thùy Tiên vừa qua thì điều gì sẽ xảy ra?

Nói về câu chuyện nhà tuyển dụng và ứng viên qua phần thi của Thùy Tiên tại Miss Grand International 2021, anh Trương Hồng Hà (TP.HCM) - Nguyên Phó Giám đốc Nhân sự Mai Linh Corporation đã có những chia sẻ.

Nguyên Phó giám đốc nhân sự Mai Linh Corp nói gì về phần ứng xử của Hoa hậu Thùy Tiên? Liệu có tuyển ngay như lời đồn? - Ảnh 2.

"Có thể ví von cuộc thi "Miss Grand International" như một cuộc ứng tuyển vào một doanh nghiệp. Chỉ có điều vị trí chỉ có một dành cho ngôi vị Hoa hậu Hòa Bình danh giá, còn ứng viên tham gia đến từ đa quốc gia trên thế giới. Điều đó cho thấy tỷ lệ "chọi" giữa các ứng viên là rất cao.

Có thể thấy Thùy Tiên đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc thi: Sự am hiểu về cuộc thi, văn hóa bản địa và cả tiếng Thái. Bởi lẽ, sáng lập của Miss Grand International là người Thái, năm nay Thái Lan lại là người đăng cai tổ chức. Vì vậy, việc tìm hiểu và biết chút ít về văn hóa và ngôn ngữ Thái là một điểm cộng tạo nên sự khác biệt độc đáo của Thùy Tiên so với các đại diện khác".

Trên góc nhìn của nhà tuyển dụng với ứng viên đến phỏng vấn như Hoa hậu Thùy Tiên, anh Hồng Hà cho biết sẽ đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng và mức độ hiểu việc của ứng viên này. Một ứng viên như Thùy Tiên đã hiểu rõ năng lực của mình, đồng thời "soi rất kỹ" yêu cầu công việc của vị trí này và bạn đã tìm cách để bổ sung các kỹ năng cần thiết cho mình nhằm tạo ra sự khác biệt cho bản thân giữa những thí sinh có nhan sắc và thông minh sắc sảo không kém.

"Cách trả lời của Thùy Tiên thể hiện rõ năng lực mà mình hiện có, chứ không đơn thuần là liệt kê trên CV (hồ sơ ứng tuyển). Đó là hiện thực hóa "năng lực làm việc" và có dẫn chứng cụ thể thông qua việc tự tin giao tiếp bằng tiếng Thái. Đây chính là điều mà các nhà tuyển dụng rất cần ở các ứng viên: bằng thực lực hoàn thành tốt cuộc thi và có sự cam kết thực hiện".

Anh Hà cho biết, nhà tuyển dụng có thể thông qua hồ sơ ứng tuyển và bằng cấp để nắm bắt sơ bộ năng lực của ứng viên đó cho vị trí đang cần. Tuy nhiên, ở buổi phỏng vấn trực tiếp sẽ giúp cho nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về ứng viên đó như: ngoại hình, khả năng ứng xử và trao đổi được mong muốn của mỗi bên. Khi Thùy Tiên thi ứng xử dĩ nhiên sẽ không có nhiều thời gian để thể hiện nhưng vẫn bộc lộ được năng lực, tâm thế và khả năng sẵn sàng của mình. Nếu đó là một buổi trao đổi phỏng vấn tuyển dụng thực sự, câu trả lời "chốt hạ" của Thùy Tiên sẽ tạo được ấn tượng mạnh và chắc chắn cơ hội được tuyển là 90% rồi. Thùy Tiên đã hiểu được vị trí của mình muốn ứng tuyển và người đang trao đổi họ cần gì và trình bày ra dẫn chứng cụ thể, thực tế để đáp ứng.

"Mỗi vị trí sẽ có những yêu cầu chuyên môn khác nhau, công ty tìm kiếm ứng viên phù hợp với vị trí chứ không phải tìm người giỏi nhất. Ứng viên giỏi hay có nhiều thế mạnh nhưng độ phù hợp không cao thì không phải là sự lựa chọn của nhà tuyển dụng. Cái cần ở đây là đáp ứng được yêu cầu công việc, phù hợp về năng lực, kinh nghiệm và khả năng cống hiến, cam kết đồng hành. Nếu ứng viên vừa phù hợp và còn khẳng định tuyệt đối về khả năng đồng hành với công việc thì đó là điều mà doanh nghiệp luôn cần trong việc tìm kiếm và lựa chọn hiền tài", anh Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, anh Hà cho rằng nếu ứng viên nào cũng dựa vào phần trả lời của Thùy Tiên thì chưa chắc sẽ được tuyển dụng. Bởi lẽ, người tham gia ứng tuyển cần phải thể hiện được năng lực trong quá khứ và đã chuẩn bị gì cho vị trí muốn ứng tuyển. Ứng viên có thể học hỏi từ quyết tâm của Thùy Tiên nhưng phải thể hiện được sự khác biệt, năng lực thực thụ và khả năng linh hoạt giải quyết tình huống cho nhà tuyển dụng công nhận.

Câu trả lời của Thùy Tiên là một yếu tố nhà tuyển dụng cần?

Chia sẻ quan điểm về câu trả lời này của Thùy Tiên, bạn Phạm Minh Hiếu (sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam) đã học và trải nghiệm ở lĩnh vực HR đã phải thốt lên: "Đúng kiểu ứng viên khi đi phỏng vấn mà nhà tuyển dụng cần".

Để giải thích cho khẳng định của mình, Minh Hiếu đã giải thích rằng khi ở trong vai trò tuyển dụng đã quá quen với việc các ứng viên "khoe" về các khóa học, mối quan hệ và kiến thức,... Tuy nhiên, nói về thực tế thì họ lại không thể giải quyết vấn đề được. Hiếu cho biết: "Rõ ràng câu trả lời của Thùy Tiên cũng là một yếu tố nhà tuyển dụng cần: Khả năng làm việc và chứng minh thực tế. Nếu Thùy Tiên nói câu đó bằng tiếng Anh cũng không hiệu quả hoặc nếu cô nói cô sẽ làm cái này, làm cái kia thì nó cũng chỉ là "sẽ" thôi".

Nguyên Phó giám đốc nhân sự Mai Linh Corp nói gì về phần ứng xử của Hoa hậu Thùy Tiên? Liệu có tuyển ngay như lời đồn? - Ảnh 3.

Minh Hiếu cũng cho rằng Thùy Tiên đã mang đến hai bằng chứng quan trọng trong câu trả lời của cô. Thứ nhất là Hoa hậu đã nói tiếng Thái và cho biết đã học tiếng Thái một khoảng thời gian rất gấp gáp vì cuộc thi. Điều thứ hai, khi Thùy Tiên trả lời câu hỏi "Hãy kể về hành trình của bạn tại cuộc thi?", cô ấy đã mở màn câu trả lời rất ấn tượng như sau: "Khi tôi đến đây, tôi không được sự ủng hộ từ nước nhà, nhưng giờ tôi đứng đây là minh chứng cho điều đó. Hãy cứ làm việc, hãy cứ nhớ lý tưởng và mục tiêu của bạn, đừng từ bỏ. Hãy làm việc vì giấc mơ của mình!".

Dựa vào những yêu cầu của Mr.Nawat về "chuẩn" để trao vương miện cho một cô gái là chăm chỉ và chịu được dư luận. Theo đó, Hiếu cũng cho rằng câu trả lời của Thùy Tiên chính là phản ánh thực tế về cô gái này: "Có bằng chứng và có thể tin được".

Về góc nhìn của một người được đào tạo và tham gia vào lĩnh vực HR, Hiếu chia sẻ thêm: "Đây chính là những gì một ứng viên có thể học hỏi từ màn ứng xử đêm qua: hiểu người đang tuyển mình là họ cần gì, biết dẫn chứng những gì thực tế nhất và có bằng chứng cho những điều mình nói. Một cái chứng nhận, việc bạn đọc một cuốn sách, hay bạn từng tham gia một khóa học sẽ không là gì so với việc bạn đã làm nó thế nào!".

Theo Cas

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên