MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nguyên tắc như Tây, tình cảm như Ta”

15-01-2018 - 10:00 AM | Doanh nghiệp

Đó là nhận định của ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc nhân sự Kim Long Nam Group. Đã từng có kinh nghiệm gần 20 năm nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp như VPBank Hà Nội, FirstBank, Công ty CP Văn hóa, Thể thao và Giải trí Hà Nội, Ông Lê Quốc Đạt chia sẻ đôi điều về văn hóa doanh nghiệp và câu chuyện quản trị nhân sự thời hiện đại.

Một trong những yếu tố cấu thành nên văn hóa doanh nghiệp của Kim Long Nam Group nằm ở chiến lược tự xây dựng đội ngũ chứ không thuê chuyên gia. Xin Ông chia sẻ đôi chút về chiến lược này?

Ở một số doanh nghiệp tại Việt Nam, kinh nghiệm là tiêu chí thường được nhà tuyển dụng đặt lên hàng đầu khi đánh giá ứng viên, đặc biệt là đối với các vị trí quản lý. Thực tế này dẫn đến việc các bạn sinh viên mới ra trường, khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong tay thường gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin việc làm. Bước chân được vào doanh nghiệp đó rồi, những nhân viên trẻ tuổi, nhiệt huyết và mong muốn được nắm giữ những vị trí quản lý cấp cao, thường chỉ có cách duy nhất để thực hiện mơ ước là “sống lâu lên lão làng”.

Kim Long Nam Group có quan điểm dùng người khác. Chúng tôi mong muốn trao quyền, trao cơ hội được trưởng thành và tích lũy kinh nghiệm cho người trẻ. Chúng tôi không quan tâm nếu ở thời điểm phỏng vấn tuyển dụng, ứng viên chỉ là con số 0. Điều chúng tôi quan tâm hơn cả là ứng viên sẽ là ai trong 5 năm tới.Khi gia nhập nhập tập đoàn, tất cả nhân viên đều có cơ hội khám phá và phát triển tiềm năng của bản thân. Chính vì thế, có lẽ bạn cũng sẽ không quá ngạc nhiên khi thấy tất cả các nhân sự cấp cao và lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn đều ở độ tuổi cuối thế hệ 7x và đầu thế hệ 8x.

Điều gì đã khiến lãnh đạo Kim Long Nam tin vào người trẻ và vào “chiến thuật” dùng người này thưa Ông?

Thứ nhất, những yếu tố quyết định sự thành công của một cá nhân bao gồm tinh thần cầu thị, sự tò mò, nỗ lực tìm tòi học hỏi không ngừng, dám nghĩ khác số đông, tư duy đổi mới sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quan trọng hơn cả là tinh thần dám đương đầu với thất bại và dũng cảm đứng lên sau vấp ngã. Chúng tôi tin người trẻ sẽ hội tụ đủ các yếu tố này.

Thứ hai, chúng tôi luôn quan niệm giúp người cũng chính là giúp mình. Khi Kim Long Nam Group trao cho những “chiến binh trẻ” cơ hội trải nghiệm, thậm chí chấp nhận cho phép họ vấp ngã và trưởng thành qua những thất bại, họ sẽ sẵn sàng đồng hành và trung thành gắn kết với tập đoàn trong suốt hành trình phát triển và chinh phục những thử thách mới. Đội ngũ nhân lực của tập đoàn nhờ thế mà đang lớn mạnh bền vững cả về chất lẫn và lượng.

“Nguyên tắc như Tây, tình cảm như Ta” - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc nhân sự Kim Long Nam Group

Như vậy, nếu không nhìn vào kinh nghiệm thì trong quá trình tuyển dụng, những tố chất nào của ứng viên tiềm năng sẽ là cơ sở tạo niềm tin cho nhà tuyển dụng thưa Ông?

Trong công tác tuyển dụng, chúng tôi coi thái độ là yếu tố tiên quyết để đánh giá ứng viên, sau đó mới xem xét đến kỹ năng và kiến thức. Bởi, năng lực của nhân viên hoàn toàn có thể được bồi đắp theo thời gian. Còn “tử tế” lại là một sự lựa chọn.

Cụ thể, để xác định một ứng viên có khả năng trở thành người Kim Long Nam hay không, chúng tôi thường xem xét trên “hệ quy chiếu” giá trị cốt lõi của tập đoàn: Trung thực - Tự trọng - Trách nhiệm - Sáng tạo.

Cuộc chiến nhân tài hiện nay không chỉ là cuộc chiến giữa các doanh nghiệp cùng ngành với nhau mà nó còn xảy ra ngay giữa các ngành khác nhau, đặc biệt là những nhóm công việc chuyên môn dễ dàng nhảy việc (giám đốc nhân sự, giám đốc tài chính, giám đốc kinh doanh, giám đốc truyền thông,...). Sau công tác tuyển dụng và đào tạo, tập đoàn có chiến thuật gì nhằm dùng người và giữ chân nhân tài?

"Nguyên tắc như Tây, tình cảm như Ta" và “ngôi nhà thứ hai” là hai phương châm thường được người Kim Long Nam nói đến.

Nói về “nguyên tắc như Tây”, chúng tôi có những quy trình nội bộ rõ ràng, quy chế nghiêm ngặt và những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng cần phải tuân theo.

Bên cạnh đó, chúng tôi hiểu rằng người Việt vốn duy tình. Mỗi nhân viên đều có nhu cầu được quan tâm, được yêu thương và đối xử như con người chứ không phải như những cỗ máy. Trong công việc chúng tôi có sự phân cấp tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, dù là sếp hay nhân viên, khi ra khỏi cổng công ty, chúng tôi đều là những người anh em, bạn bè, cùng bao bọc lẫn nhau, chia sẻ với nhau những khoảnh khắc vui buồn trong cuộc sống đời thường. “Tình cảm như ta” hay nguyên tắc “Ngôi nhà thứ hai” được hiểu như vậy. Có người con nào muốn rời bỏ tổ ấm hay bôi xấu gia đình của chính mình không? Tôi tin là không.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên