img
Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 1.

Đây là quán cà phê quen thuộc của ông, đến nỗi mọi nhân viên đều nhớ mặt và không cần thu tiền trước như các vị khách khác. Thực ra khách sạn Nikko đã đổi tên thành Hotel du Parc từ đầu năm 2019. Coffee Shop đã chuyển vị trí từ khu vực phía trong ra ngoài sảnh chính. Tổng công ty lắp máy Việt Nam Lilama cũng không còn ở giai đoạn hoàng kim như thời ông làm thuyền trưởng.

Chỉ có ông Phạm Hùng vẫn hóm hỉnh: "Tôi về hưu rồi nhưng còn tiền. Giấu vợ được một ít, mời nước được".

Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 2.
Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 3.

Vào thập niên 90, khi đất nước còn chưa chuyển đổi cơ chế thì Công ty lắp máy 45-1 do ông làm Giám đốc đã nhận được những hợp đồng chế tạo thiết bị ở những dự án lớn gây chấn động như Vedan, xi măng Hải Phòng… Ông đã làm thế nào?

Thời gian đó, các tổng thầu EPC dự án trong nước đều là nước ngoài, họ nhận rồi thuê các doanh nghiệp xây lắp trong nước làm thầu phụ. Cả nước gần như không có nhà thầu Việt chế tạo thiết bị, chỉ xây lắp đơn thuần.

Tôi đi học ở Liên Xô từ năm 18 tuổi, về nước đi làm và luôn băn khoăn, tại sao phải bỏ tiền thuế của dân để mua những cái máy này về? Sao không chế tạo thiết bị, vừa có công ăn việc làm, vừa thu được lợi nhuận?

Khi làm Công ty Lắp máy 45-1, suy nghĩ về việc chế tạo thiết bị, tôi bay sang Milan (Ý) đặt mua một cái máy vê chỏm cầu về chế tạo thiết bị áp lực với giá 600.000 USD, tương đương với vốn đầu tư cho một nhà máy nhỏ. Mọi người bảo "Điên hay sao mà mua về, bao giờ mới trả hết nợ?"

Không điên, tôi nhận định các nhà máy như hóa chất, lọc dầu, bột ngọt, đường, nhiệt điện… cần rất nhiều thiết bị chịu áp lực, không bao giờ sợ thừa. Nhất là, tôi rất ghét khi phải mua thiết bị từ nước ngoài về, vừa đắt vừa tốn chi phí vận chuyển.

Và chỉ sau 3 hợp đồng là trang trải được món đầu tư ấy rồi.

Chiếc máy đó là khởi sự cho lĩnh vực chế tạo của công ty lắp máy 45-1. Vì chúng tôi có máy, có thể chế tạo được thiết bị nên làm việc được với Vedan, rồi sau là xi măng Chinfon ở Hải Phòng. 40% máy móc thiết bị ở đó là do chúng tôi làm.

Lúc ấy tiếng tăm nổi lên, hợp đồng tự tìm đến. Chúng tôi tiếp tục chế tạo thiết bị cho nhà máy xi măng Nghi Sơn – Liên doanh của Tổng công ty xi măng với Mitsubishi. Đó là hợp đồng ký bằng tiền USD đầu tiên tại Việt Nam, giá cả rất tuyệt vời.

Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 4.

Năm 2005, Lilama được Chính phủ chấp thuận giao làm tổng thầu EPC dự án Nhiệt điện Uông Bí công suất 300 MW. Lần làm tổng thầu đầu tiên đã diễn ra như thế nào?

Khi doanh nghiệp nước ngoài làm tổng thầu, họ "ném" cho mỗi công ty Việt Nam một gói thầu phụ, giá chém sát cổ. Buồn cười không? Mình bỏ tiền ra rồi đi làm thuê trên chính quê hương của mình. Tôi không chấp nhận!

Tôi nghiên cứu các tổng thầu nước ngoài có cái gì, hơn mình cái gì, mình có làm được như thế không. Để thực hiện tham vọng làm tổng thầu, tôi thành lập một số nhà máy chế tạo thiết bị khắp từ bắc vào nam cùng với Công ty tư vấn thiết kế và Công ty Xuất nhập khẩu – Thương mại. Rồi tôi đề xuất lên Thủ tướng Phan Văn Khải cho làm một cái tổng thầu. Và nhà máy Nhiệt điện Uông Bí là công trình trọng điểm được chỉ định thầu cho Lilama.

Mọi chuyện chẳng dễ dàng gì.

Rất nhiều người không tin tưởng. Cũng mất rất nhiều thời gian tranh luận, bảo vệ với Bộ Kế hoạch Đầu tư về quy định trong luật Đấu thầu, phản biện cùng chuyên gia nước ngoài mà Bộ Công thương thuê về thì chúng tôi mới được làm.

Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 5.

Một tờ báo Tây Ban Nha vẽ biếm họa cái xe bò kéo, trên đó là cái nóc của xe Ipha, tức là vỏ Ipha nhưng động cơ phụ tùng chỉ là bò kéo. Họ viết: "Việt Nam đang sử dụng Lilama để tiến vào Công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Tôi kệ, mình cứ quyết tâm làm thôi. Mà làm thì mình trả giá bằng sự nghiệp của mình chứ bằng cái gì.

Uông Bí cũng là nhà máy đầu tiên chúng tôi làm tư vấn thiết kế.

Đầu tiên, tôi biết mình chưa làm được, phải ký hợp đồng với Electrowall (Thụy Sỹ), trả lương cho kỹ sư nước ngoài là 23.000 – 25.000 USD/tháng. 1 kỹ sư của Electrowall kèm 1 kỹ sư Việt Nam. Mấy ông Việt Nam không biết ngoại ngữ, cuối cùng bắt buộc cũng phải biết. Ngoài việc bỏ tiền ra thuê Electrowall làm thì họ còn đào tạo cho mình lực lượng nhân sự cực quý.

Hồi làm nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1, Phả Lại 2, Hyundai làm thầu chính, mình là thầu phụ. Kỹ sư Việt xếp hàng ở ngoài, phỏng vấn lần lượt, đạt thì họ mới cho làm. Sau này, mình làm thầu chính, họ làm thầu phụ, lại đến lượt kỹ sư của họ xếp hàng lần lượt cho mình phỏng vấn.

Ngồi điều hành dự án, ngày xưa Hyundai ngồi giữa, mình với các thầu phụ ngồi 2 bên. Xoay chuyển vị thế hoàn toàn, lúc này Lilama ngồi giữa, Hyundai với mấy thầu phụ ngồi 2 bên.

Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 6.

Nhưng thưa ông, nhà máy Nhiệt điện Uông Bí bị nói là "có chuyện".

Khi nhà máy lắp đặt xong, không chạy được. Đó là vì Tổng công ty điện lực ký hợp đồng với Tổng công ty than cung cấp than không đúng theo thiết kế.

Nguyên tắc chế tạo một nhà máy nhiệt điện là chế tạo lò hơi phù hợp loại than được cam kết cung cấp. Lilama thiết kế lò cho loại than có nhiệt lượng riêng 5.100kcal/kg nhưng than được cung cấp khi chạy thử chỉ có 4.700 Kcal/kg mà thôi. Than antraxit đó rất khó đốt, lại nhiều lưu huỳnh, hay đóng xỉ. Khi đốt phải phun kèm với dầu. Sau khi phát hiện vấn đề thì điều chỉnh dần, đến giờ hãy xem nhà máy chạy như thế nào?

Làm nhà máy đó, tôi cũng đối mặt với lần suýt "bóc lịch". Hợp đồng Uông Bí là 270 triệu đô, làm được 1 năm thì Thanh tra Chính phủ vào. Họ kiểm tra các chứng từ tài chính, các hợp đồng với thầu phụ. Tại thời điểm đó, chỉ có 210 triệu đô. Suy ra Lilama rút ruột 60 triệu đô.

Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 7.

Thực tế, dự án làm trong 3 năm và bảo hành 2 năm. 210 triệu đô chưa tính chi phí bảo hành.

Báo chí cũng đăng bài về việc Thanh tra Chính phủ thanh tra Lilama. Năm ấy người ta tưởng bắt Phạm Hùng đến nơi rồi.

Mọi người rất lo lắng, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo và đầu ngành của Tổng công ty. Tôi nói: "Tất cả các quy trình thực hiện, tôi đã trình Hội đồng quản trị, Nhưng do tình hình hiện nay, mọi người cứ đứng ra ngoài, ai chất vấn gì, cứ bảo họ gặp Phạm Hùng".

Sau đó, Ban kiểm tra Trung ương ban hành Kết luận của Thủ tướng và các phó thủ tướng về quyết định thanh tra Lilama. 2 tuần sau, Tổng công ty Lilama được phong đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 8.

Được biết, khi thầu dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2, giá Lilama đưa ra thấp hơn hẳn 100 triệu USD so với nhà thầu ngoại trước đó?

Đầu tiên, Nhà máy Nhơn Trạch 2 có 2 đơn vị nước ngoài đấu thầu là Sumitomo và Marubeni của Nhật. Sumitomo trúng với giá 624 triệu đô. Nhưng Marubeni kiện Sumitomo và Tập đoàn dầu khí là chọn thầu không đúng. Dự án này bị đề nghị tạm dừng.

Bên Dầu khí mới nói với tôi "mời ông sang nhận dự án đấy, giảm cho chúng tôi còn 524 triệu đô". Một dự án lớn như vậy, bớt thì bớt 50 triệu đô thôi chứ đây giảm những 100 triệu? Thế nhưng tôi nhận.

Bởi vì trước đây chúng tôi đã làm 2 nhà máy Cà Mau rồi, chưa đến 450 triệu đô. Mà ở Cà Mau khó khăn hơn nhiều, đến 1 hạt cát cũng phải chở ra, đường xá thì xa xôi.

Hơn nữa, ở vị trí tổng thầu, chúng tôi đã biết cách quản lý để giảm chi phí sản xuất. Hợp đồng 540 triệu đô đó, thiết bị nào Lilama chế tạo được trong nước thì sẽ tự làm. Thiết bị nào cần mua thì mở thầu, các nhà thầu phụ nước ngoài luôn cạnh tranh giá với nhau để cung cấp thiết bị cho mình. Nên Lilama có được giá tốt.

Cuối cùng nhà máy Nhơn Trạch 2 làm xong còn được các Tạp chí năng lượng Châu Á Thái Bình Dương ca ngợi. Lilama thì có lời, nhà nước thu được nhiều thuế, công nhân lương cao, Tổng giám đốc thì có rượu uống.

Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 9.

Trở lại với chuyện suýt đi "bóc lịch", ông thấy vị trí TGĐ của một doanh nghiệp nhà nước có nguy hiểm không?

Tôi nghĩ là nó nhiều nguy hiểm, nhưng mình vẫn làm. Tôi không hề tham ô, tham nhũng kể cả trong ý nghĩ. Làm việc phải có cái tâm chứ. Vào nhà công nhân của mình thấy họ ăn uống kham khổ, nắng chang chang mà phải phơi mình ngoài nắng để chế tạo thiết bị. Nhìn thế có dám lấy tiền không?

Tôi có 12 thằng bạn thân, cả TGĐ, cả chủ tịch các doanh nghiệp nhà nước. Đi tù cả.

Làm lãnh đạo của các tập đoàn nhà nước nếu tham thì sẽ đi tù thôi. Khi nhà nước giao cho họ một bao tải tiền, dưới đáy có một lỗ hở, ai có lương tâm thì mới khâu lỗ hở đó lại.

Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 10.

Người ta không dễ tin ông có lương tâm để khâu lỗ hở đó lại đâu…

Không tin nên mới có lần suýt bắt tôi đấy. Người ta sẽ suy luận, làm dự án mấy trăm triệu đô chả lẽ không lấy 1% hay 0,5%? Nhưng nếu tôi lấy thì đã đi tù rồi.

Nguyên tắc của tôi là khi làm dự án mà giao cho ai, hoặc đề bạt ai, tôi không có điều kiện tiền nong gì cả. Hợp đồng giao cho các công ty dưới cả trăm triệu đô chứ, nhưng không bao giờ có chuyện "tôi giao cho anh hợp đồng từng này, anh phải phế lại cho tôi từng này tiền". Không bao giờ. Bạn có thể đi hỏi.

Mình trong sạch với vợ và với đất nước. Đương nhiên rồi.

Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 11.

Nhưng tính tôi thế này, lúc nào cũng phải ở khách sạn 5 sao. Đi máy bay, lúc nào cũng phải ngồi vé hạng nhất.

Không phải tôi thích điều đó mà vì đó là bộ mặt của công ty. Khách nước ngoài sang đây làm việc, mình phải đàng hoàng. Sang bên kia, họ đón mình như vua thì khi họ sang đây, mình cũng phải có cái gì chứ?

Cái đó là nguyên tắc, là văn hóa của Lilama.

Nói luôn chuyện tại sao tôi lại có thể nhảy cóc từ vị trí Giám đốc trong nam ra làm Tổng giám đốc ngoài bắc mà không kinh qua vị trí Phó tổng. Khi đó, ông Ngô Xuân Lộc là Bộ trưởng Bộ xây dựng, vào nam công tác có đến công ty tôi. Sau đó ông ấy vẫn kể đi kể lại rằng: Văn phòng của Lắp máy 45-1 đàng hoàng lắm. Hồi đó ở Việt Nam không ở đâu mà văn phòng có máy tính, chia ô cabin ngăn nắp lịch sự như vậy. Nhưng khi về nhà Phạm Hùng thì chả có cái gì cả. Có một cái chạn gỗ đưa từ Phả Lại vào. Mở cái chạn ra cũng… không có cái gì.

Tất nhiên không chỉ vì chuyện đó mà tôi được đề bạt. Lúc ấy Lắp máy 45-1 đã làm được nhiều dự án lớn như đã kể rồi. Nhưng cái chạn nó thể hiện một phần tính cách con người.

Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 12.

Vào năm 2009, từng có Đề án thành lập Tập đoàn Công nghiệp nặng Việt Nam trên cơ sở lấy Lilama làm nòng cốt. Tuy nhiên sau đó chuyện gì đã xảy ra với đề án này?

Dự án đó gần như được duyệt rồi. Tôi tập hợp những lãnh đạo giỏi ở các Bộ, các Tổng công ty… và chúng tôi đã nghĩ đến việc thành một tập đoàn công nghiệp nặng như Mitsubishi.

Nhưng về sau nó lại không được duyệt, câu trả lời cho tôi là vì ngành xây dựng có 2 tập đoàn là đủ rồi, đó là Tập đoàn Xây dựng công nghiệp do Sông Đà làm cốt lõi và Tập đoàn Xây dựng đô thị mà HUD là cốt lõi. Sau đó Lilama bị ghép vào Tổng công ty Sông Đà, và tôi được giao một vị trí gọi là Phó Chủ tịch.

Tuy ước muốn thành lập Tập đoàn Công nghiệp nặng không thành nhưng tôi quan điểm là đất nước phải có nền công nghiệp nặng phát triển. Đó là cái lõi mà mọi thứ xoay quanh.

Khi tôi đưa ra quan điểm như vậy, nhiều người phản đối vì họ cho rằng phải đi tắt đón đầu, chứ đầu tư vào ngành công nghiệp nặng tốn kém, khó và thu hồi vốn lâu. Nhưng muốn mạnh thì phải có sự hy sinh ngắn hạn chứ? Muốn đi tắt đón đầu bằng công nghệ thông tin, tự động hóa nhưng chúng ta có hệ thống máy móc thiết bị để đưa tự động hóa vào chưa? Giống như có bộ óc nhưng vẫn phải có chân tay thì mới làm việc được.

Tôi cho rằng lợi thế của Việt Nam đang là người đi sau. Vì thiết kế máy móc, công nghệ chế tạo thường xuyên nâng cấp nên chúng ta sẽ có lợi thế để thay đổi nhanh hơn những đối tượng đang sử dụng máy móc đời cũ. Ví dụ công nghệ in 3D bây giờ giúp chế tạo ra vật dụng rất nhanh và chi tiết.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vừa rồi cũng đưa ra Đề án tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ra thảo luận.

Nguyên TGĐ Lilama Phạm Hùng: Suýt ‘bóc lịch’ vì giấc mơ tổng thầu, 20 năm làm công nghiệp nặng vì đam mê - Ảnh 13.

Trong lớp doanh nhân Việt Nam kế cận, ông có để ý gương mặt nào không? Và ông có cho rằng tinh thần doanh nhân ở doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân khác nhau?

Dù là doanh nhân trong doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, điều quan trọng nhất là phải có đam mê, có tâm và khát vọng cống hiến cho đất nước.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân, tôi biết không nhiều nhưng tôi thấy Long Hòa Phát (ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) phát triển kinh doanh chắc chắn, không quá phiêu lưu.

Còn đối với Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng, theo tôi nên tập trung vào phát triển bất động sản và sản xuất xe ô tô điện, ô tô pin, đừng mở rộng nhanh quá, sẽ khó quản lý, bao quát được. Nếu làm, phải có một bộ máy giúp việc chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ IT để điều hành, quản lý.

Cảm ơn ông vì những chia sẻ này!

Ngô My

Ảnh: Việt Hùng

Hải An

http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/nguyen-tgd-lilama-pham-hung-suyt-boc-lich-vi-giac-mo-tong-thau-20-nam-lam-cong-nghiep-nang-vi-dam-me-2022101116510295.htm

Ngô My - Việt Hùng - Hải An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên