Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đóng góp ít hoặc không tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện sẽ được hiểu là họ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm phụng sự xã hội của mình. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu kinh tế, ông thấy gì từ việc đó?
Trong xã hội hiện nay, dường như có một quan niệm khá phổ biến, có thể là ngầm định, rằng các doanh nghiệp ít làm thiện nguyện là 'kém'. Đây là một quan điểm chưa chuẩn. Thiện nguyện, được hiểu là những đóng góp kiểu cứu trợ, công đức, từ thiện, giúp người nghèo, giúp đồng bào lũ lụt… chỉ là một phần nhỏ trong việc phụng sự xã hội của doanh nghiệp.
Để hiểu đúng thực chất của hoạt động này, trước hết cần làm rõ các khái niệm cơ bản, minh định chức năng của doanh nghiệp trong công cuộc phát triển.
Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp chính là thực thể phát triển quan trọng bậc nhất. Doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, là lực lượng quyết định trong việc sản xuất của cải, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước, thúc đẩy tiến bộ khoa học – công nghệ, tạo dựng hình ảnh quốc gia trong cuộc đua tranh quốc tế.
Đó là sứ mệnh lịch sử, là chức năng xã hội quan trọng nhất của doanh nghiệp. Nó gắn với hoạt động kinh doanh, tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. Hoạt động này cơ bản dựa trên nguyên tắc "tự do cạnh tranh", "sòng phẳng – ngang giá", rất nghiệt ngã, đến mức "lạnh lùng".
Trong nhận thức xã hội ở nước ta, điều đến nay đã hóa thành một thứ định kiến nặng nề là hoạt động kinh doanh – thu lợi nhuận của doanh nghiệp – doanh nhân bị coi là hoạt động bóc lột, có bản chất bóc lột, không đạo đức, đáng bị lên án và loại bỏ.
Việc nhấn mạnh khía cạnh "phi đạo đức" này của hoạt động doanh nghiệp thay cho việc đề cao vai trò tích cực của nó trong tiến trình phát triển với tư cách là sứ mệnh lịch sử, là chức năng xã hội chủ yếu của doanh nghiệp thường dẫn tới chỗ đánh giá có phần lệch lạc về doanh nghiệp – doanh nhân, cản trở phát triển, tác động tiêu cực đến các quá trình chính sách.
Thiện nguyện, hiểu theo nghĩa là những đóng góp tự nguyện, mang tính từ thiện, hỗ trợ xã hội, chia sẻ khó khăn cho các cá nhân… là hình thức đóng góp tự giác, trên nền tảng đạo đức, nhằm mục tiêu "giúp đời, cứu người", rất đáng được cổ động và tích cực tham gia.
Tuy nhiên, đặt hoạt động này trong cấu trúc chức năng của doanh nghiệp, cần xác định rõ rằng dù là rất đẹp đẽ về động cơ và hành vi, đây cũng chỉ là một hoạt động bổ sung cho chức năng phát triển chính đã nêu trên của doanh nghiệp – cho dù chức năng này được thực hiện theo nguyên tắc "sòng phẳng, lạnh lùng", thể hiện sự nghiệt ngã chứ không được "ấm áp tình người" như hoạt động "thiện nguyện".
Hoạt động thiện nguyện về bản chất là tốt nhưng trong những hoàn cảnh nhất định, có thể bị lạm dụng, bị ép buộc, làm tổn hại đến sự lớn mạnh của doanh nghiệp với tư cách là một lực lượng phát triển chủ yếu trong nền kinh tế. Xét trên lợi ích tổng thể, đó là điều không thể chấp nhận, cần được đặt trong khuôn khổ "xã hội kiểm soát".
Nhiều người thường đặt nặng khía cạnh phụng sự xã hội là "cho đi" nhiều. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, thực ra làm tốt chức năng kinh doanh, tạo ra nhiều lợi nhuận – đương nhiên là lợi nhuận chính đáng, đàng hoàng, chính là đang làm tốt nhất sứ mệnh cống hiến xã hội của mình.
Hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng phụng sự xã hội là phải cho đi, như việc làm thiện nguyện để thể hiện tinh thần nhân ái, đùm bọc, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Lý do dẫn đến hiện tượng này là chúng ta vẫn bị ảnh hưởng, chi phối bởi tư duy của một "xã hội đùm bọc", còn kém phát triển, thoát ra từ chiến tranh chưa lâu, đói khổ, rủi ro còn nhiều.
Trong xã hội đó, tinh thần "đồng bào", "lá lành đùm lá rách" kiểu trao tặng, cho không dễ được đánh giá cao hơn nỗ lực "tạo cơ hội việc làm và thu nhập" theo nguyên tắc "sòng phẳng – ngang giá". Tặng con cá quý hơn cho cần câu. Lúc đói kém thì có thể đúng là như vậy, nhưng để lối hành xử đó chi phối về dài hạn thì xã hội sẽ khó, thậm chí không phát triển được.
Đó là chưa kể "xin – cho", dù có thể là tốt, vẫn chứa đựng khả năng xúc phạm lòng tự trọng, gây tổn hại nhân cách con người. Văn hóa Nhật Bản nhấn rất sâu khía cạnh tinh tế này.
Ngày xưa, khi nền kinh tế còn manh mún, phụng sự xã hội hiểu đơn giản là đùm bọc, chia sẻ với nhau. Đến khi trình độ xã hội phát triển lên rồi, đã bước vào nền kinh tế thị trường thì phụng sự xã hội thay đổi ra sao?
Khi trình độ phát triển kinh tế còn thấp, nhiều người còn nghèo, hoạt động kinh tế giới hạn chủ yếu trong phạm vi làng xã, tộc họ. Khái niệm "xã hội" cơ bản cũng bó hẹp trong phạm vi đó thôi.
Lúc nền kinh tế chưa vượt qua được trạng thái sinh tồn, con người phải đùm bọc, chia sẻ với nhau là chuyện hiển nhiên. Lúc này, phụng sự xã hội diễn ra theo kiểu đùm bọc sinh tồn, nhường cơm sẻ áo.
Đó là xã hội chia sẻ cộng đồng, rất đẹp về mặt đạo đức, tồn tại trên nền tảng "ơn nghĩa", ít công bằng thực chất, quan hệ người với người khó sòng phẳng và thiếu bình đẳng, không có cạnh tranh nên khó phát triển.
Trong xã hội, phụng sự theo kiểu chịu ơn có những mặt trái, vì "ơn huệ" trói buộc cá nhân dữ lắm, rất ít tạo điều kiện để họ tự do phát huy năng lực.
Trong xã hội hiện nay, khi chuyển sang kinh tế thị trường – mở cửa, cách hành xử kiểu "làm phúc, chịu ơn" giảm đi nhiều, nhường chỗ cho các chức năng xã hội khác. Xã hội chuyển sang tuân thủ nguyên lý nền tảng nhưng rất đơn giản mà Ông Adam Smith, cha đẻ của kinh tế học, đề xuất: trong nền kinh tế thị trường, mọi thứ thực ra đều xuất phát từ lợi ích cá nhân.
Kinh tế thị trường có hoạt động cốt lõi là mua – bán. Anh làm ra sản phẩm, muốn bán được nó – tức là để xã hội thừa nhận anh là người có ích - thì cái anh làm ra phải đáp ứng được nhu cầu xã hội. Càng đáp ứng tốt nhu cầu xã hội thì khả năng thu lợi ích cá nhân càng được bảo đảm, một cách sòng phẳng và công bằng.
Khi đó, chức năng - nghĩa vụ xã hội thay ơn huệ cá nhân. Thay - nhưng không loại trừ các hoạt động từ thiện, trực tiếp hỗ trợ cộng đồng, cống hiến vô tư cho cộng đồng – vốn là những biểu hiện cụ thể của bản chất người tốt đẹp đã kết tinh thành đạo lý xã hội.
Đó là mối quan hệ biện chứng giữa lợi ích cá nhân và xã hội, là căn nguyên để giải quyết vấn đề thường được gọi là "hài hòa lợi ích cá nhân – xã hội". Chính là vì lợi ích cá nhân mà mỗi người phải phụng sự xã hội, phải hoàn thành các chức năng xã hội.
Đặc biệt, trong hệ thống cạnh tranh, đòi hỏi chất lượng "phụng sự xã hội" ngày càng cao. Cạnh tranh để được xã hội tín nhiệm, để được thị trường mua nhiều sản phẩm hơn, với giá cả đắt hơn trở thành động lực và cơ chế buộc mọi người đều phải cố gắng làm tốt công việc của mình. Cơ chế cạnh tranh buộc mọi người phải làm tốt chức trách xã hội, mạnh hơn bất cứ sự cưỡng chế bạo lực, chịu ơn hay sự giáo dục tuyên truyền nào.
Theo ông, phụng sự xã hội trong xã hội hiện đại tại Việt Nam đang phát triển ở mức độ nào?
Việt Nam vẫn chưa có nền kinh thế thị trường đầy đủ, chưa nói đến hiện đại. Doanh nghiệp chưa phát triển mạnh, thị trường cạnh tranh còn nhiều méo mó, nền kinh tế chưa thoát khỏi các quan hệ nông dân truyền thống, đời sống người dân chưa cao, còn phải đương đầu với nhiều rủi ro, không gian sống vẫn đậm đặc tinh thần "cưu mang, đùm bọc".
Trong xã hội đó, quan niệm "phụng sự xã hội", tuy đã có những thay đổi "theo thị trường", song vẫn mang nhiều nét cũ. Tâm lý coi "sòng phẳng thị trường" (trao đổi ngang giá) là "sự lạnh lùng" đáng ghét, là thiếu tình người còn nặng, nhiều khi lấn át.
Đang tồn tại thực tế là trong xã hội vẫn còn nhiều hoạt động doanh nghiệp không hề giống với cái gọi là "phụng sự xã hội" vô tư, trong sáng và đầy tính nhân văn. Đầu cơ, chụp giật, lừa đảo, hối lộ, hàng giả, nhái, kiếm chác trên lòng tốt, sự cả tin và kém hiểu biết của người dân đang là phương thức hành động của nhiều chủ thể kinh tế thị trường.
Nhưng không thể đơn giản đánh đồng hiện thực, hiện tượng với xu hướng và nguyên lý. Phải nhìn thấy căn nguyên vấn đề trong quá trình chuyển đổi hệ thống, như là hậu quả khó tránh khỏi của tình trạng "tranh tối tranh sáng" của kinh tế chuyển đổi, trong cách giải quyết các vấn đề cơ chế còn kém hiệu quả thay vì tập trung quy lỗi đạo đức, đánh đồng cho các doanh nhân.
Thực trạng này đang thay đổi, theo hướng tốt lên. Xã hội ngày càng thấy rõ cách phụng sự xã hội theo kiểu "sòng phẳng thị trường" đang giúp cho mọi thứ tốt lên. Sự hiện diện ngày càng nhiều doanh nghiệp xã hội đúng nghĩa "vô vị lợi" là một ví dụ. Đợt dịch Covid vừa qua cung cấp một bằng chứng sinh động về tinh thần trách nhiệm xã hội to lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Hiện nay, cũng có không ít doanh nghiệp phải chịu sức ép khi tham gia một số chương trình xã hội bởi nếu nói không họ sẽ bị coi là "thiếu trách nhiệm với cộng đồng" hoặc "không tích cực trong các hoạt động phục vụ cộng đồng"… Ông thấy gì từ hiện tượng đó?
Nếu lấy lý do đạo đức để ép buộc doanh nghiệp đóng góp là không được. Trách nhiệm cao nhất của xã hội, trực tiếp là của các cơ quan công quyền, chính quyền các cấp là phải giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, phát triển mạnh hơn, qua đó đóng góp cho xã hội nhiều hơn.
Việc coi lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ là "tài sản bóc lột", cần phải tước đoạt, chuyển nó thành "từ thiện" là quan niệm cũ kỹ, sai lầm. Phải coi lợi nhuận là nguồn lực để doanh nghiệp mở rộng cơ hội đầu tư, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, để đóng góp ngân sách tốt hơn, để tăng sức cạnh tranh, nhờ đó, thực hiện tốt hơn trách nhiệm xã hội chính yếu của mình. Và phải khuyến khích doanh nghiệp làm như vậy hơn là chỉ chăm chăm đóng góp "từ thiện".
Không ít doanh nghiệp đóng góp sức lực hoặc những khoản tiền rất lớn cho những chương trình cứu trợ về thiên tai, y tế và cùng hợp lực với chính quyền để giúp đỡ những người nghèo, người yếu thế. Tuy nhiên, nhiều người vẫn suy đoán và bình phẩm về động cơ phía sau của những khoản đóng góp đó, kiểu như khoản đánh đổi với những lợi ích khác mà họ sẽ có được. Điều này có hợp lý không?
Suy nghĩ đó tuy có phần tiêu cực, song có cơ sở lý lẽ và thực tiễn của nó.
Mọi sự đóng góp đều có động cơ. Có thể động cơ thuần túy trong sáng. Nhưng cũng có động cơ "bia kèm lạc". Đóng góp để giữ quan hệ tốt với đối tác, với chính quyền, để "lấy tiếng", để tăng uy tín thương hiệu... Tuy không thuần túy trong sáng, nhưng tùy theo mức độ, không phải hành động nào cũng xấu.
Không nên đánh đồng, suy luận đơn giản, vội vàng quy chụp động cơ xấu cho các khoản đóng góp xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp. Sự thiên lệch, quy chụp động cơ sẽ làm triệt tiêu các ý đồ tốt và hành động đẹp.
Trên thực tế, nếu các doanh nhân, doanh nghiệp bỏ công sức, tiền bạc… để hỗ trợ cộng đồng mà lại bị dư luận xã hội suy diễn thái quá, làm cho câu chuyện bị thiên lệch, - chỉ nhìn thấy ở họ động cơ "đánh đổi kiếm lợi" thì… hỏng hết.
Ít ai "cho" mà không mong nhận lại cái gì. Có thể chỉ là một lời cám ơn. Nhưng làm "từ thiện" để kiếm lợi riêng bội phần từ đó, làm tổn hại lợi ích chung là điều không thể chấp nhận. Ranh giới ở đây có thể là mong manh, nhưng tính công khai, sự minh bạch và lương tri sẽ giúp phân định rõ trắng đen.
Mặt khác, nếu chính quyền và cộng đồng không ghi nhận đúng mức những đóng góp của doanh nhân, sẽ không khuyến khích được họ tiếp tục làm việc thiện. Một hình thức ghi nhận, vinh danh nào đó, thậm chí dành ưu tiên nhất định cho họ ở một việc khác, từ góc nhìn xã hội, cần được coi là bình thường, là trách nhiệm "đáp trả" của xã hội.
Cũng cần lưu ý rằng việc buộc doanh nghiệp hay cá nhân phải giải trình động cơ thiện nguyện không đúng cách có thể khiến họ bị "tấn công" một cách phi lý. Kết cục là thui chột động cơ, triệt tiêu một xu hướng xã hội tốt đẹp. Nhà nước, luật pháp phải có những quy định rõ ràng, hợp lý để bảo vệ họ.
Các thành viên mạng xã hội cần có cách nhìn bình tĩnh và sáng suốt hơn đối với các hoạt động cứu trợ xã hội, làm sao để tăng được tính công khai minh bạch và giảm được sự mù quáng bầy đàn trong việc đánh giá phán xét loại hình hoạt động mang đầy tính nhân văn này.
Theo ông, cách thức suy đoán về động cơ của doanh nghiệp khi thực hiện các chương trình thiện nguyện hoặc phản ứng của nhiều cư dân mạng với việc nghệ sĩ như ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC Phan Anh… làm từ thiện, sẽ tác động như thế nào tới việc thực hiện các hoạt động thiện nguyện của những cá nhân, tổ chức khác?
Cách phản ứng với những người nổi tiếng làm từ thiện trong cơn bão lũ năm ngoái chắc sẽ làm giảm nhiệt huyết thiện nguyện của nhiều người. Yêu cầu đòi giải trình "sao kê" từ thiện là đúng, nhưng phải đặt trong những điều kiện cụ thể để có sự đòi hỏi phù hợp, từ đó, chỉ ra cách làm đúng đắn.
Để làm từ thiện đúng nghĩa, tất nhiên các cá nhân phải có lòng tốt và nhiệt huyết. Nhưng cũng phải có bộ máy và phương tiện thực thi. Bộ máy đó cũng phải được "trả lương" – không phải để những người trong bộ máy của tổ chức từ thiện làm giàu mà để duy trì hoạt động.
Trên thế giới, luật lệ quy định rõ tổ chức làm từ thiện được dành bao nhiêu % ngân sách quyên góp được từ những nhà hảo tâm để vận hành bộ máy (20-25%), đủ để bộ máy vận hành hiệu quả. Đi kèm với đó là các quy định về minh bạch việc chi tiêu cho bộ máy. Đó là yêu cầu tối thiểu, cũng là cơ sở để thực thi một cơ chế bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Đây là cách làm từ thiện chuyên nghiệp, bài bản cần được áp dụng sớm vào nước ta. Nếu không, sẽ có những trường hợp lợi dụng kiếm chác, lại có trường hợp bị "chết oan". Cả hai loại kết cục này đều là hậu quả tất yếu của cách làm từ thiện cũ kỹ, thiếu nguyên tắc và không chuyên nghiệp.
Ông nhìn thấy điểm tích cực nào qua những vụ lùm xùm nghệ sĩ làm từ thiện?
Ngồi nhà gõ bàn phím, phán xét những người đang lặn lội trong mưa bão để làm từ thiện là quá dễ, khó mà phạm sai lầm. Nhưng vấn đề là phải hiểu thực tế rất dễ sơ suất, thậm chí phạm sai sót của những người được đòi hỏi "phải viết đầy đủ", chi tiết "sao kê" từ thiện dưới mưa bão và lũ lụt – công việc khó khăn vạn lần hơn việc ngồi nhà gõ bàn phím và đưa ra các nhận định đạo đức cao siêu.
Cần phải biết chia sẻ với người làm thật. Tôi không biện minh cho cái sai. Chỉ muốn đưa ra thông điệp về sự chia sẻ, đồng cảm để có những đánh giá thật sự nhân văn, đúng hoàn cảnh và để tìm cách làm tốt hơn
Tôi thấy các trường hợp tranh cãi, thảo luận sôi nổi về công việc từ thiện năm ngoái là cơ hội tốt để rà soát thực tế, xây dựng các quy định rõ ràng, để bảo vệ những cá nhân, tổ chức có tâm huyết thực hiện, loại bỏ những "con sâu" giả danh từ thiện.
Ở ta, nhiều thứ tốt đẹp mới nhú lên, trong đó, có những cái chưa thật rõ ràng, việc thực thi, khuyến khích nó dễ gây va đụng, sai sót nhất định. Thế nhưng, nếu nhân danh đạo đức, ra sức tấn công vào những cái sai sót đó, có thể làm chột hết những mầm non. Cần phải có cái nhìn bao dung, khuyến khích mặt tốt, mặt tích cực, khi những việc như vậy giúp cải thiện cuộc sống của người nghèo, người yếu thế.
Ở đây, điều cần làm hơn là phải thiết kế ra một hệ thống có thể hạn chế những sai sót đó, chứ không nên tập trung vào tấn công, lên án cá nhân.
Vậy với các hoạt động đóng góp thiện nguyện, thực hiện các chương trình xã hội, theo ông, điều gì sẽ không ổn khi làm?
Cá nhân, doanh nghiệp không được lạm dụng những phần đóng góp của họ để lạm dụng và thao túng kiếm lợi riêng. Tất nhiên, qua việc làm thiện, họ muốn xây dựng và quảng bá hình ảnh tốt của mình trong xã hội. Điều đó là đúng, nhưng không nên quá đà lạm dụng. Kiểu như việc ông làm chỉ bé bằng hạt cám, nhưng ông ra sức thổi hình ảnh lên như con voi thì không nên.
Một số nghiên cứu về các công ty vĩ đại trên thế giới cho thấy, ngay từ khi mới thành lập, họ đã có những giấc mơ theo đuổi một mục tiêu to lớn, phụng sự một sứ mệnh nào đó với xã hội, đất nước… Theo quan sát của ông, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển trở thành tập đoàn hùng mạnh có đặc điểm tương tự như vậy không?
Ở Việt Nam, khi doanh nghiệp còn nhỏ thì ông chủ phải vật lộn, vất vả lo cho bản thân mình. Khi đó, những mục tiêu cao xa như phụng sự tổ quốc, dân tộc… chắc đặt ra vừa thôi. Nhưng như thế không có nghĩa là lòng yêu nước của họ ít. Họ cứ "tự nhiên" làm tốt công việc kinh doanh của mình cũng đã là cống hiến cho xã hội, là thật sự yêu nước rồi. Đừng có cao siêu hóa những việc họ làm như một chức năng "tự nhiên".
Thực tế cho thấy, đầu tiên phải tập trung cho chính sự nghiệp kinh doanh của mình đã. Khi lớn mạnh lên rồi, họ có điều kiện để phụng sự đất nước nhiều hơn, làm nhiều việc tốt cho cộng đồng, xã hội. Khi đó, phần lo cho riêng mình sẽ bớt đi.
Mặt khác, khi đã lớn mạnh, có nhu cầu vươn tầm thế giới, cạnh tranh quốc tế, bản thân họ cũng cần dân tộc, đất nước sát cánh cùng họ nhiều hơn. Đây là mối quan hệ tương hỗ 2 chiều. Vì vậy, việc họ đóng góp cho đất nước nhiều hơn cũng là điều có lợi cho hộ một cách chiến lược, rất nên làm.
Có thể nhìn thấy rất rõ điều này thông qua cách xây dựng các Chaebol của Hàn Quốc. Khi muốn xây dựng năng lực cạnh tranh quốc tế cho quốc gia, họ cần những tập đoàn mạnh.
Và ở chiều ngược lại, những tập đoàn khi lớn mạnh nhờ một phần vào sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ quay trở lại thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khác, tăng cường sức cạnh tranh của quốc gia. Quan hệ giữa Tập đoàn thép Posco với các Tập đoàn tư nhân lớn như Huyndai, LG… – những trụ cột của nền kinh tế hiện đại Hàn Quốc - là một ví dụ điển hình.
Để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp tích cực hơn vào việc phụng sự xã hội, đất nước, đồng thời hạn chế những biểu hiện tiêu cực, theo ông cần có những điều kiện gì?
Muốn tránh tiêu cực thì mọi thứ phải công khai, minh bạch. Chúng ta cần tạo ra môi trường công khai, minh bạch các hoạt động từ thiện, hay rộng hơn, quá trình phụng sự xã hội; đồng thời, xây dựng hệ thống luật lệ đủ hiệu lực bảo vệ sự trong sáng trong lĩnh vực hoạt động này.
Như một tam giác có 3 cạnh, phụng sự xã hội, đất nước có một cạnh là doanh nghiệp, một cạnh là xã hội và một cạnh là Nhà nước. Khi doanh nghiệp, cá nhân có đóng góp cho xã hội, đất nước thì xã hội cần có thái độ đúng đắn, ghi nhận nỗ lực của họ. Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế phù hợp, công bằng, rõ ràng để khuyến khích và cho doanh nghiệp thấy mình được ghi nhận.
Khi có gắn kết chặt chẽ 3 cạnh của một tam giác thì phụng sự xã hội, đất nước mới có thể phát triển mạnh mẽ và thể hiện đúng bản chất vốn có, cộng hưởng sức mạnh chứ không giống như đường một chiều, chỉ là cho đi.
Xin cảm ơn ông!
Tri thức trẻ