Nhà báo Trần Mai Anh: Tôi chỉ mong các con sống vui vẻ, khi sống vui vẻ người ta sẽ đạt được những thành tựu khác một cách rất tự nhiên
"Khi các con đi chơi về muộn, tôi cũng chỉ nhắn tin hỏi rằng: "Hôm nay con đi chơi vui chứ? Có vấn đề gì không?". Lúc đó, các con sẽ tự hiểu rằng đã đến lúc phải thu xếp cuộc vui để về nhà. Tôi không bao giờ kiểm soát con, như vậy mới có thể sống vui vẻ với nhau", Nhà báo Trần Mai Anh, mẹ của chú lính chì Thiện Nhân chia sẻ.
- 24-06-2020Đạp xe hàng ngày dù nắng hay mưa đã dạy tôi 4 bài học thấm thía về cuộc sống: Cũng giống như cuộc đời, bạn hãy tận hưởng hành trình và đừng lo lắng về điểm đến
- 23-06-2020Cha gửi con gái nhỏ 9 bài học về tiền bạc và cuộc sống ông đã dành cả cuộc đời để ngẫm: Thành công không chỉ là có tiền, con đừng mù quáng nghe theo mọi lời khuyên
- 20-06-2020Bài học tôi rút ra được sau 10 năm ghi chép cuộc đời với 307 cuốn sổ lớn nhỏ: Kết quả độc đáo tới không ngờ
-Đã 14 năm kể từ ngày Thiện Nhân trở thành con của chị, chị ngạc nhiên nhất điều gì về Nhân?
Luôn luôn chứ. Mỗi ngày tôi đều ngạc nhiên về Nhân, thực sự đấy.
- Làm mẹ của 2 đứa con trước khi đón Thiện Nhân, sự xuất hiện của Thiện Nhân ảnh hưởng thế nào tới hành trình làm mẹ của chị?
Ảnh hưởng rất nhiều đấy. Thông thường, nuôi 1 đứa con đã rất vất vả, nuôi 2 đứa con sẽ vất vả gấp 2, nhưng nuôi 3 đứa con thì sự vất vả có thể tăng thêm gấp 20, 30 lần.
Nhưng thực tế, tôi đã làm mẹ của 3 đứa trẻ từ đầu rồi. Đó là hành trình của tôi và tôi không biết nếu thiếu Nhân hành trình đó sẽ ra sao để mà so sánh.
Cũng có thể, hành trình đó sẽ nhàm chán hơn hoặc cũng có thể sẽ vất vả hơn. Vì không có Nhân, 2 đứa con lớn của tôi sẽ bớt bận rộn vì quan tâm đến 1 đứa em khác mà nghĩ ra nhiều trò nghịch ngợm hơn, khiến mẹ phải đau đầu hơn.
- Chị có phương pháp nuôi dạy con đặc biệt nào không?
Đối với tôi, dạy con không phải điều đặc biệt gì. Bởi mỗi ngày tôi đều sống như thế. Trong 3 đứa trẻ, Nhân có nhiều nét tính cách giống tôi hơn cả. Vì tôi có nhiều thời gian bên cạnh Nhân hơn, trong những chuyến đi nước ngoài mổ, những ngày chăm sóc Nhân bị ốm.
Nhiều khi con nghịch tôi cũng bực mình lắm, muốn quát con nhưng rồi lại nghĩ: Nó nghịch y như mình thì mình còn quát gì con mình nữa. Tính cách của con cũng sản sinh từ chính ngang bướng của bản thân mình.
- Quan điểm dạy con của chị là gì?
Chuyện gì tôi cũng phải xem rõ bản chất, nếu sự việc bị phản ánh sai lệch bản chất thì tôi sẽ không làm đâu. Con tôi cũng y hệt như vậy. Nếu ép Nhân làm điều gì không đúng bản chất sự việc phải làm, làm thừa, làm cho có để làm vừa lòng một ai đấy thì rất khó khăn. Tôi cho rằng, con người nên sống với nhau vì con người trước khi áp dụng những quy tắc, luật lệ.
Tôi sống thanh thản lắm, không bị đầu bù tóc rối chút nào. Các con tôi không phải những đứa trẻ "nghịch" mà tôi khuyến khích các con nghịch. Nếu tôi là một bà mẹ "la sát" thì các con có muốn cũng không nghịch nổi, như vậy tôi đã vô tình triệt tiêu đi cá tính riêng của bọn trẻ mất rồi, các con không còn tuổi thơ nữa.
- Chị dạy con quản lý tiền bạc như thế nào?
Hàng ngày tôi sống thế nào thì các con học theo. Tôi khá thoải mái, hầu như không bao giờ từ chối khi con xin tiền. Các con không bao giờ lấy quá số tiền nó cần. Tôi cũng không bao giờ phải cất giấu tiền bạc vì sợ con lấy tiền tiêu sai mục đích. Quản lý tài chính của gia đình tôi là: Cần cái gì thì tiêu thực chất cái đấy và san sẻ với nhau. Bởi vậy, tôi sống sướng lắm.
Các con rất biết để ý đến tình hình tài chính của mẹ. Ví dụ như, các con rất thích cắt tóc, uốn tóc một chút để xinh trai. Nhưng trong đợt dịch vừa qua, Nhân chỉ cắt tóc cho gọn thôi, không xin thêm tiền mẹ để làm tóc nữa. Có lẽ, Nhân cũng ý thức được rằng vì dịch bệnh nên mẹ bị cắt giảm lương, sẽ không có nhiều tiền đâu nên cậu ta "tự lo việc cắt tóc bằng tiền tiêu vặt hàng ngày".
Cả 3 đứa con của tôi đều như thế, đều luôn suy nghĩ cho người khác. Những điều này các con của tôi đã học được trong cách sống hàng ngày của mẹ từ khi còn nhỏ.
- Chị lo lắng điều gì nhất đối với Thiện Nhân?
Tôi chẳng lo đâu. Bởi vì điều quan trọng nhất đối với tôi là các con sống tình cảm, yêu thương nhau. Khi 1 đứa có sơ xảy thì còn 2 đứa khác để bao dung, che chở. Người lớn cũng đâu thể hoàn hảo để tránh mọi sai lầm, tránh làm tổn thương người khác. Thế nên tôi rất ung dung trong mọi thứ, ngay cả khi tôi bị mất mát điều gì đó bởi tôi tin vào quy luật bù trừ.
Tôi chỉ lo 1 vấn đề là con tôi không vui. Khi con người ta vui vẻ thì họ sẽ sống vui vẻ với người khác. Khi đó, cuộc sống của họ cũng bớt đi những điều không vui khác.
Tôi cũng chẳng lo con tôi hư. Bởi trong môi trường sống như hiện tại, trở thành những đứa trẻ hư là điều không thể đối với các con. Còn những điều nghịch ngợm của con trẻ thì tôi cho rằng đó là một phần của "con người". Khi tôi không lo thừa thì những đứa trẻ lại có thêm niềm tin vào mẹ của mình để chia sẻ, sống thật.
Một lần, trước khi đi ngủ, Nhân gọi tôi và nói: "Ngày mai con nhất định phải đánh 1 bạn này. Con báo cho mẹ biết thế". Lúc đó không phải con xin phép tôi, mà con hiểu rằng, trong gia đình con có trách nhiệm phải thông báo dự định của mình với mẹ vì hành động đó chắc chắn sẽ gây ra hậu quả. Với một đứa trẻ hiểu chuyện như thế, thì tôi nghĩ người mẹ không cần phải lo con hư, làm những điều khuất tất. Bởi vì mình đã ở một vị thế để không phải lo lắng nữa rồi.
- Theo chị, điều gì ảnh hưởng nhiều nhất đến tính cách hiện nay của Thiện Nhân?
Số phận của Nhân. Khi sinh ra, không ai được lựa chọn số phận, nhưng họ có thể chọn cách tiếp nhận số phận. Sẽ có những người phát huy được sức mạnh nội tại bên trong để làm chủ cuộc sống, nhưng cũng có những người không đủ mạnh mẽ và bị số phận dẫn dắt và một ngày phải than thân trách phận.
Cho dù số phận đặt mình vào một con đường đầy hoa thơm, nhưng không phù hợp với tính cách của mình thì đừng đi. Sự không phù hợp sẽ khiến cuộc sống của bạn luôn là sự chịu đựng, bi kịch.
- Cuộc sống cho Nhân 1 số phận không bằng phẳng, nhưng em may mắn vì đã có một gia đình thấu hiểu?
Khi số phận đã áp đặt lên rồi, chúng ta chỉ còn cách lựa chọn cách sống. Nhân luôn có đường lùi là gia đình, là mẹ, là anh. Nếu không bản lĩnh, có lẽ Nhân đã chọn con đường ở yên trong nhà, với những người chắc chắn sẽ mỉm cười, yêu thương con, không bước ra đường để gặp phải những điều khó chịu.
Nhưng, Nhân đã không làm thế. Con tự tin đối mặt với những sỏi đá mà cuộc sống đã rải ra cho mình. Nghe người khác hỏi "Vì sao mất chân? Có phải là thằng bé bị bỏ rơi hay không?", thật sự không dễ chịu gì. Nhưng đời mình là thế thì nghe thôi.
- Các con đồng hành thế nào trong hoạt động xã hội của chị?
Mọi người thường nghĩ về một bức tranh hoàn mĩ: Cả gia đình đi làm người tốt. Câu chuyện một người mẹ mang cả 3 đứa con đi làm từ thiện giống như một giấc mơ. Nhưng đó không phải giấc mơ của gia đình tôi. Tôi và các con đều sống cho chính mình. Sự đồng hành tốt nhất của các con tôi là ở nhà, tự chăm sóc nhau một cách yên ổn để mẹ yên tâm làm việc và thực hiện những điều mẹ mong muốn.
Trước khi tham gia hoạt động gì đó, tôi đều chia sẻ, thông báo với các con cả những ý nghĩa và những điều vất vả mà các con có thể phải trải qua. Khi các bạn hứng thú với hoạt động của mẹ thì sẽ tự đề xuất đi cùng, nhưng nếu các con không thích thì tôi cũng không bao giờ nài thêm. Mỗi người sẽ cảm thấy được điều gì có ý nghĩa với bản thân họ, chứ không phải ép bản thân làm vì người khác thấy ý nghĩa.
- Điều quan trọng nhất chị muốn các con hiểu, học được trong cuộc sống này là gì?
Tôi chỉ mong ước con sống vui vẻ. Khi con người sống vui vẻ, những thành tựu khác họ sẽ đạt được một cách rất tự nhiên. Vì thế hãy để ý và để con phát huy cá tính riêng. Nếu bản thân con không biết chính mình là ai, muốn gì thì lớn lên cũng không ai giúp nó được.
-Từ chính xác mô tả cuộc sống hiện tại của chị là gì?
Đúng cái tôi muốn và ba mẹ tôi muốn. Ba mẹ tôi chỉ muốn con cái sống vui, sống đúng thôi và tôi cũng thế. Có một điều có thể nghĩ là cần theo đuổi, đó là sự thành đạt. Thì tôi luôn luôn tránh nó. Tôi cần hơn những thành tựu riêng của cuộc đời mình, đó chính là 3 đứa con của tôi.
- Đã bao giờ chị cảm thấy "đuối sức" khi chăm sóc 3 đứa con?
Nếu nói về đuối "sức khỏe" thì tôi cũng có lúc ốm, mệt. Khi các con còn nhỏ, chúng cũng hay ốm đau, có lúc đỉnh cao thì cả 4 mẹ con cũng truyền nước vì 3 đứa nhỏ thì lây nhau bị sốt dịch, còn mẹ thì mệt quá nên truyền luôn 1 thể.
Còn đuối sức vì mệt mỏi khi dạy con thì tôi không, bởi vì các con không khiến tôi có sự mệt mỏi đấy. Khi các con mắc lỗi ở trường, chưa cần cô giáo thông báo, chúng đã kể với mẹ rồi. Các con rất hào hứng kể, chia sẻ những chuyện xảy ra ở trường lớp với mẹ, chứ không phải e sợ, thông báo với mẹ để mẹ chuẩn bị tinh thần phải ký bản kiểm điểm. Lỗi nào của con buồn cười thì tôi cười: "Cái lỗi nghịch ngợm này của con quá buồn cười. Nếu con đã để cô giáo bắt được thì con phải tự chịu thôi".
Đuối sức về tài chính cũng không có, bởi cuộc sống của tôi rất đơn giản. Cuộc sống của mẹ con tôi đã đi vào thực chất của vấn đề, không có sự cầu kỳ, thừa thãi. Điều đó đã tiết kiệm được rất nhiều.
- Bí quyết để 1 thân nuôi 3 con vẫn "tỉnh tình tinh" của chị là gì?
Trước những vấn đề của con, tôi luôn tự hỏi rằng, điều đó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống, tương lai không? Nếu một bản kiểm điểm, lỗi lầm của tuổi thơ không ảnh hưởng gì thì tại sao chúng ta không bình thường hóa nó đi.
Người lớn đừng trở nên nhỏ nhặt vì 1 bản kiểm điểm, lỗi lầm của con. Đừng để 1 bản kiểm khiến con trẻ trở thành tội đồ mà bản thân cha mẹ cũng thêm mệt mỏi.
- Chị tác động tới mối quan hệ giữa 3 anh em thế nào?
Tôi không định hướng mà cho các con bài học. Lúc còn nhỏ, có lần tôi mua cho các con một bộ lego – món đồ chơi khá đắt đỏ với kinh tế gia đình. Ba anh em không chơi cùng nhau mà chí chóe tranh giành, tôi vứt luôn bộ đồ chơi và cũng chẳng cáu kỉnh.
Tôi nói với các con rằng: Đời không thể bất công thế, khi mẹ vừa mất tiền mua đồ cho các con chơi mà các con lại không vui. Vậy thì mình vứt đi để không ai phải không vui nữa. Các con đã học được rằng: Nếu anh em không hòa thuận thì sẽ không có gì tiến xa hơn được nữa.
- Điều ý nghĩa với chị mỗi ngày là gì?
Cả ngày các con không phải gọi mẹ. Bởi khi đó tôi biết rằng các con ổn. Gia đình tôi có nguyên tắc là: Khi bất kỳ ai đi đâu, làm gì thì người khác sẽ không nhắn tin, gọi điện giục về. Ngay cả cách quan tâm người khác ở gia đình tôi cũng cần sự thoải mái, sử dụng cách truyền đạt để người khác thoải mái.
Khi các con đi chơi muộn chưa về, tôi cũng chỉ nhắn tin hỏi rằng: "Con đi chơi vui chứ? Có vấn đề gì không?". Lúc đó, các con sẽ tự hiểu rằng đã đến lúc phải thu xếp cuộc vui để về nhà. Tôi không bao giờ kiểm soát con theo kiểu chặt chẽ sát sạt, như vậy mới có thể an tâm sống vui vẻ với nhau.
- Điều gì vui nhất trong gia đình chị?
Đối với tôi mỗi khoảnh khắc với gia đình đều vui. Những điều vui vẻ là chuyện hàng ngày khi mẹ con tôi ở cạnh nhau.
Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!