MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư cần cẩn trọng với cổ phiếu ngành gạo

Các chuyên gia nhận định đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành gạo mang tính chất đầu cơ và có tính ngắn hạn vì giá gạo thường biến động trong thời gian ngắn.

Nhà đầu tư cần cẩn trọng với cổ phiếu ngành gạo - Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu đạt kỷ lục 11 năm, giá lúa tăng từng ngày. Ảnh VNEconomy

Trong phiên 9/8, nhiều mã cổ phiếu ngành gạo đã điều chỉnh sau chuỗi ngày tăng nóng. Theo đó, VSF sau khi tăng kịch trần trong phiên sáng đã quay đầu giảm sàn trong phiên chiều, kết phiên, cổ phiếu này giảm 15% về mốc 31.800 đồng/CP. Tương tự, AGM cũng giảm hết biên độ về mức 12.600 đồng/CP. Hướng ngược lại chỉ có mã NAF giữ được sắc tím và chốt phiên tại mức 16.350 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu ngành gạo có dấu hiệu chững lại sau nhiều phiên hứng khởi, tính trong 1 tháng trở lại đây các cổ phiếu nhóm này đã tăng rất mạnh, thậm chí tăng bằng lần. Điển hình như AGM, dù đang bị hạn chế giao dịch nhưng kể từ ngày 24/7 đến nay, AGM đã có 12 phiên tím trần. Thị giá AGM hiện đạt 12.600 đồng/CP, tương ứng tăng hơn 100% sau 1 tháng.

Mã NAF của CTCP Nafoods Group cũng tăng 17% kể từ đầu tháng 7. Còn TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã tăng 40%, lên mức 22.200 đồng/CP - tương đương vùng giá vào tháng 9/2022. Ngoài ra còn phải kể đến LTG của Tập đoàn Lộc Trời với mức tăng hơn 30% lên vùng 39.400 đồng/cổ phiếu.

Trước đà tăng nóng trên, nhiều công ty đã phải giải trình. Theo đó, trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ban lãnh đạo VSF và AGM đều khẳng định không tác động gây ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường. Theo các đơn vị này, giá cổ phiếu do cung - cầu trên thị trường quyết định và nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp.

Lưu ý rằng, cổ phiếu nhóm gạo nổi sóng trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 2 không mấy khả quan. Điển hình như TAR báo lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức lãi gần 24 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ từ khi lên sàn UPCoM hồi đầu năm 2019.

Theo giải trình, Trung An kinh doanh thua lỗ chủ yếu là do chi phí lãi vay kỳ này cao hơn so với cùng kỳ năm trước và công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài. Lũy kế nửa đầu năm 2023, dù doanh thu thuần của TAR tăng trưởng 46% đạt 2.513 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt vỏn vẹn 605 triệu đồng, giảm tới gần 99% so với cùng kỳ.

Với AGM, doanh thu thuần hợp nhất của công ty này trong quý 2 giảm 88% so với cùng kỳ, về còn 162 tỷ đồng còn lỗ sau thuế ở mức 33 tỷ đồng. Kết quả kém tích cực này đẩy số lỗ ròng của AGM sau 6 tháng đầu năm lên gần 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 6 tỷ đồng.

Về phần mình, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood 2 - VSF), trong quý 2 ghi nhận 6.867 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 125% so với cùng kỳ. Song, công ty chỉ lãi vỏn vẹn 9 tỷ đồng do giá vốn cao và chi phí bào mòn. Còn tính từ đầu năm đến nay, VSF lãi 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tương tự, lợi nhuận trong quý 2 của CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Mã: AFX) chỉ ở mức 5 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, AFX lãi gần 10 tỷ đồng trong khi doanh thu hơn 900 tỷ đồng.

Điểm sáng nổi bật nhất của ngành thuộc về Lộc Trời (LTG), ông lớn ngành gạo ghi nhận doanh thu thuần quý 2 đạt 3.678 tỷ đồng tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ khoản lãi trong công ty liên doanh, liên hết gần 327 tỷ đồng, LTG đã lãi sau thuế gần 425 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 44 tỷ đồng - Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Lộc Trời đạt 6.231 tỷ đồng, tăng 4%. Trong đó, doanh thu từ lương thực là lúa, gạo vẫn chiếm phần lớn với 67%, tương đương 4.219 tỷ đồng (tăng 24% so với nửa đầu năm 2022). Còn mảng thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, bao bì ghi nhận doanh thu giảm sút.

Tiềm ẩn rủi ro

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trên thị trường thế giới, hiện giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 618 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua, thấp hơn Thái Lan 7 USD/tấn. Gạo 25% tấm có giá 598 USD/tấn.

So với thời điểm Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nhóm cổ phiếu gạo thường bị ảnh hưởng bởi tính chu kỳ, mà cụ thể là giá gạo thời gian gần đây tăng rất mạnh. Nguyên nhân là bởi trong bối cảnh ElNino xuất hiện và có khả năng kéo dài sang năm 2024 đe dọa đến nguồn cung lương thực toàn cầu; ngoài ra sau Ấn Độ, đến Nga và các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cũng cấm xuất khẩu gạo, làm giá lương thực tăng vọt.

Do đó, ngành gạo Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng được kỳ vọng hưởng lợi.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định đà tăng của nhóm gạo mang tính chất đầu cơ và có tính ngắn hạn vì giá gạo thường cũng chỉ mang tính chu kỳ trong thời gian ngắn.

"Cổ phiếu nhóm này hút dòng tiền khi doanh nghiệp "được mùa", và từ đó đón sóng cổ phiếu. Dù vậy sau giai đoạn này, cổ phiếu lúa gạo sẽ khó hút tiền từ nhà đầu tư vì chỉ số ROE của nhóm này thấp hơn nhiều so với các ngành khác", ông Minh nói.

Ngoài ra, lúa gạo là ngành kinh doanh nhiều rủi ro, khó đoán trước, phụ thuộc vào thời tiết. Mặt khác, dòng tiền vào nhóm này cũng mang tính đầu cơ bởi có nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý II/2023 không tốt song giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh, do đó nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ trước khi xuống tiền.

Ông Nguyễn Thế Minh lưu ý thêm rằng, không phải các doanh nghiệp gạo đều hưởng lợi như nhau khi giá hàng hóa tăng, bởi, nhóm gạo gồm 2 loại: Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu; hai là thương mại. Vị chuyên gia này đánh giá nhóm sản xuất và xuất khẩu có ROE cao hơn, ổn định hơn và rủi ro thấp hơn.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên