Nhà đầu tư nước ngoài muốn góp sức làm đường cao tốc
Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu phải hoàn thành thêm khoảng 4.000 km đường cao tốc đến năm 2030, gấp gần 4 lần số km đường cao tốc nước ta hiện có, là thách thức lớn. Tập đoàn Đèo Cả đã có đề xuất mang tính đột phá cho vấn đề này.
- 09-08-2021Bổ sung 'luồng xanh' vận chuyển thiết bị làm đường cao tốc Bắc - Nam
- 22-07-2021Phát hành trái phiếu doanh nghiệp để hoàn thành 3.800km đường cao tốc
- 23-06-2021Vay gần 3 tỷ USD đầu tư loạt tuyến đường trọng điểm, Tổng Công ty Đường cao tốc chỉ lãi tượng trưng vài tỷ vì lỗ tỷ giá
Theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, bên cạnh quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cần có thêm các giải pháp đột phá về nhân lực, tài chính, tháo gỡ cơ chế… nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các dự án là khâu then chốt.
"Phải huy động các nguồn lực cả trong và ngoài nước"
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với mục tiêu "đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc". Nội dung kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh: "Với nhiệm vụ được giao, ngân sách nhà nước cân đối tối đa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn. Do vậy, phải huy động tất cả các nguồn lực khác, cả trong và ngoài nước. Vốn ngân sách trung ương chỉ mang tính khơi nguồn, vốn xã hội hóa là quyết định; đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là chính".
Phương án thiết kế hầm Bản Giốc thuộc dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Thực tế, để thực hiện mục tiêu, ngoài phần vốn ngân sách nhà nước, Chính phủ cần có giải pháp huy động nguồn lực xã hội. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì không thể thực hiện được. Nguồn lực chúng ta không thiếu nhưng quan trọng là phải mở ra cơ chế để huy động.
Về giải pháp huy động vốn, các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đang đề nghị với nhà nước thành lập các quỹ đầu tư hạ tầng; hoặc có thể chế để doanh nghiệp phát hành trái phiếu công trình để từ đó thu hút, huy động nguồn lực từ xã hội, người dân chứ không thể chỉ trông chờ vào vốn từ các ngân hàng thương mại.
Mới đây, tại dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), để giải quyết khó khăn về vốn, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất phương án áp dụng mô hình hợp tác kinh doanh (BCC) thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với các nhà thầu thi công có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong nước và quốc tế hoặc phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Hướng đi của Tập đoàn Đèo Cả đang tiệm cận cách thực hiện hợp tác công tư theo cách làm của các nước trên thế giới.
Thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã được nhiều địa phương mời tham gia triển khai các dự án theo hình thức PPP. Doanh nghiệp này đã cùng lãnh đạo các tỉnh báo cáo với Chính phủ cụ thể về phương thức huy động vốn cho các dự án đầu tư PPP, trong đó có phương thức huy động vốn trái phiếu, cổ phiếu… Phương thức này đã được các bộ, ngành đồng tình ủng hộ và được Chính phủ đánh giá cao, là một giải pháp phù hợp và khả thi trong vấn đề thu xếp vốn cho các dự án giao thông hiện nay, mở ra hướng đi mới cho PPP đặt trong trường hợp nếu không vay được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại.
Chọn cổ đông chiến lược để đồng hành
Theo TS Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các tổ chức như Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Quỹ Đầu tư tài chính… - là các cổ đông chiến lược của Tập đoàn Đèo Cả -cùng gắn bó hơn 10 năm qua để hoàn thành dự án hầm đường bộ Đèo Cả với chuỗi các hầm như hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân…, xóa đi các "điểm đen" giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực. Các cổ đông này hiểu rõ với số vốn bỏ ra đầu tư ban đầu cho dự án hiện đã gia tăng rất nhiều lần và góp phần tạo ra một thương hiệu Đèo Cả như ngày nay.
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, thông tin: "Khi làm việc với đối tác là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Singapore, Hàn Quốc…, họ đều có chung một quan điểm là muốn hợp tác với chúng tôi và trở thành một cổ đông chiến lược. Một công ty tài chính đến từ California - Mỹ sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về các hoạt động đầu tư của Đèo Cả, đã gửi tới lời đề nghị chính thức mua 5-10% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán HHV) để trở thành cổ đông lớn. Mục đích của họ là tham gia vào công cuộc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông tại Việt Nam và quan trọng hơn là họ thấy được tiềm năng và cơ hội đầu tư cùng với Đèo Cả".
Đây là bước đầu tiên để Đèo Cả có thể huy động vốn nước ngoài thông qua các hình thức như tăng vốn, trái phiếu, hợp đồng BCC đối với các nhà đầu tư, các định chế tài chính quốc tế… nhằm tối ưu hóa lợi nhuận khi thay thế dần các khoản vay tín dụng trong nước có lãi suất khá cao từ 11%-12%/năm, cải thiện các chỉ số tài chính trong dài hạn để khẳng định "gia tăng giá trị thực trên sản phẩm thực đã có".
Trước xu thế quốc tế hóa các hoạt động kinh doanh "bùng nổ" như hiện nay, đặt trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trong nước hạn chế thì việc tận dụng nguồn lực bên ngoài là một hướng đi cần thiết đối với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra, tạo đà cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tại Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án được ký sau cùng trong số các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP, Tập đoàn Đèo Cả - đứng đầu liên danh nhà đầu tư - rất tự tin sẽ thực hiện thành công dự án khi đã chủ động triển khai phương án huy động vốn đa dạng, không phụ thuộc vào tổ chức tín dụng.
Người lao động