'Nhà đầu tư vào thị trường vì tâm lý FOMO, không có phân tích cơ bản hay vĩ mô thì cũng dễ dàng rời thị trường vì tâm lý'
Vì sao kinh tế vĩ mô không có biến động lớn, mà thị trường chứng khoán lại rơi thẳng đứng?
- 20-04-2022Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đầu tư bao nhiêu tiền vào Việt Nam?
- 20-04-2022Quy định bất cập 'trói' doanh nghiệp thủy sản
- 20-04-2022Cơ hội hàng chục tỷ USD cho TP. HCM từ "siêu cảng" quốc tế Cần Giờ - Cái Mép
Khi áp lực bán lan rộng, tâm lý thị trường tiêu cực, chứng khoán đã liên tục giảm điểm trong những phiên gần nhất. Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica, sẽ có nhiều nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường, do yếu tố tâm lý chứ không phải dựa trên phân tích cơ bản hay tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp, hay dựa trên phân tích một cách cẩn trọng về tình hình kinh tế vĩ mô.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, TS Lê Duy Bình cho biết: "Việc nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, thậm chí là tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán như hiện nay, cũng giống như tâm lý lúc họ nhào vào thị trường, thậm chí với cả những mã không thực sự tốt. Cách đây mới chỉ vài tháng, đám đông lao vào với tâm lý sợ bị bỏ rơi (FOMO – fear of missing out) thì hiện giờ cũng tháo chạy vì yếu tố tâm lý".
Theo chuyên gia này, nhiều người đã đổ tiền vào chứng khoán, chỉ vì thấy những người xung quanh mình đầu tư và kiếm được tiền từ đó, mà không dựa trên phân tích cơ bản hay đánh giá chung về sự ổn định của tình hình kinh tế vĩ mô.
"Nên theo tôi, sự tháo chạy lần này chủ yếu dựa trên yếu tố tâm lý, chứ không phải do các yếu tố thường thấy ở các nền kinh tế có thị trường tài chính trưởng thành hơn" - ông Bình đánh giá.
Ông Bình cho rằng, thực tế, nếu đánh giá nền kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay thông qua các chỉ số ban đầu được công bố trong quý vừa rồi, thì rõ ràng mức độ ổn định là tốt. Tốc độ tăng trưởng tuy chưa đạt được mục tiêu đã đề ra, nhưng vẫn ở mức khá trong số các nước ASEAN.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP Việt Nam quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I năm 2020. Tăng trưởng GDP vượt mốc 5% và tăng dần qua các quý cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả.
"Rõ ràng, sẽ có nhiều nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường, do yếu tố tâm lý chứ không phải dựa trên phân tích cơ bản hay tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp, hay dựa trên phân tích một cách cẩn trọng về tình hình kinh tế vĩ mô" - ông Lê Duy Bình nói.
Ở một diễn biến khác, xu hướng mua ròng của khối ngoại đã kéo dài từ nửa cuối tháng 3 đến nay. Trong vòng 5 phiên giao dịch gần nhất, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam.
"Các nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu của Việt Nam là những người lão luyện. Họ có phân tích chính xác, và ít nhất là tốt hơn rất nhiều so với nhiều nhà đầu tư Việt Nam. Họ có chiến lược và đầu tư một cách bài bản, lựa chọn cổ phiếu, trái phiếu hay bất kỳ giấy tờ có giá nào đều phân tích và tính toán một cách đầy đủ" - ông Lê Duy Bình nhận định.
Theo Giám đốc Economica, việc họ tiếp tục tăng mua xuất phát từ rất là nhiều yếu tố. Một là họ vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam và tiếp tục đặt niềm tin vào một số cổ phiếu của doanh nghiệp tốt. Như vậy rõ ràng trên thị trường còn rất nhiều cổ phiếu tốt. Việc bán tháo các cổ phiếu tốt đó trong thời điểm này có thể sẽ là thiệt hại trong tương lai đối với nhà đầu tư, vì đã không phân tích kỹ.
Nhà đầu tư nước ngoài, nhìn thấy rõ nét các xu hướng này, có thể lựa chọn được các cổ phiếu tốt trên thị trường với giá thấp, và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn nữa từ thị trường chứng khoán Việt Nam.