MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai “đắp chiếu” kéo theo nhiều hệ lụy

Sau hơn 1 năm “đắp chiếu”, Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai để lại nhiều hệ lụy đối với tỉnh Quảng Nam, trực tiếp là người dân sống quanh nhà máy.

Ông Phạm Ân, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau hơn 1 năm “đắp chiếu”, Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai, nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai để lại nhiều hệ lụy đối với tỉnh Quảng Nam, trực tiếp là người dân sống chung quanh khu vực nhà máy.

Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai “đắp chiếu” kéo theo nhiều hệ lụy - Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai ô nhiễm môi trường ngay từ khi mới đi vào hoạt động.


Theo ông Phạm Ân, trong 1 năm qua, gần 400 công nhân, chủ yếu là người địa phương mất việc làm. Mỗi công nhân bị Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai nợ ít nhất từ 1 đến 2 tháng lương. Hơn 2.000 tỷ đồng doanh nghiệp này vay của 5 ngân hàng trở thành nợ khó đòi. Trong đó, 4 Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Tuyên Quang cho vay hơn 1.600 tỉ đồng.

Sau 5 năm đầu tư trang thiết bị có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, tháng 6/2015, Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai đi vào hoạt động, đến tháng 8/2016 phải tạm dừng do gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, người dân phản đối quyết liệt. Nguồn nước thải từ bên trong nhà máy chảy thẳng ra môi trường làm sông hồ bị ô nhiễm trầm trọng, cá chết trắng hồ suốt thời gian dài.

Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai “đắp chiếu” kéo theo nhiều hệ lụy - Ảnh 2.

Nhà máy Sô đa đóng cửa, gần 400 công nhân mất việc làm, bị nợ lương.


Doanh nghiệp này từng bị xử phạt vi phạm hành chính về ô nhiễm môi trường với số tiền hơn 700 triệu đồng. Tỉnh Quảng Nam cũng đã có Văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu nhà máy sô đa Chu Lai tạm dừng hoạt động để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Ân, cho biết: "Sau 1 thời gian hoạt động không đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Tài nguyên và môi trường. Vì thế, Tổng cục Môi trường cùng với Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Nam, Cảnh sát môi trường và Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai kiểm tra và đề nghị dừng hoạt động. Công ty Cổ phần sô đa phải nộp phạt số tiền theo quy định. Các vật liệu chứa trong kho dẫn đến việc ảnh hưởng amoniac ra môi trường, chúng tôi sẽ kiểm tra, kết luận và báo cáo biện pháp xử lý với Ủy ban nhân dân tỉnh"./.

Công ty Cổ phần sản xuất Soda Chu Lai do ông Nguyễn Thái Dũng làm Tổng Giám đốc. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai theo cam kết của nhà đầu tư là sẽ cung cấp cho ngành sản xuất  công nghiệp Việt Nam lượng sô đa đáng kể, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu 500.000 tấn sô đa mỗi năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã không thực hiện đúng như cam kết./.


Theo Hoài Nam

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên