MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy thép Việt Pháp: Đảm bảo môi trường mới cấp phép

Chưa thống nhất với tổng mức đầu tư của dự án là 975 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư chỉ được UBND tỉnh xem xét tại Quyết định chủ trương đầu tư.

Chiều 9-10, trao đổi với chúng tôi ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã có Công văn 4887 gửi Bộ TT&TT cùng một số báo liên quan đến thông tin về dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp (tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang).

Chưa thống nhất tổng mức đầu tư

Theo ông Toàn, trong thời gian qua trên các phương tiện thông tin, truyền thông phản ánh một số nội dung liên quan đến dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa gây ra những lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Ông Toàn cho hay tại Công văn số 4209/UBND-KTTH ngày 30-8-2016 của UBND tỉnh Quảng Nam chỉ thống nhất cho phép Công ty TNHH Thép Việt Pháp khảo sát, nghiên cứu đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa với quy mô diện tích khoảng 17,3 ha và chưa thống nhất với tổng mức đầu tư của dự án là 975 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư chỉ được UBND tỉnh xem xét tại quyết định chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, tại Thông báo số 420/TB-UBND ngày 23-9-2016 của UBND tỉnh về thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH Thép Việt Pháp thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các quy định hiện hành.

Theo thông báo này, trong quá trình lập quy hoạch chi tiết (1/500) dự án lưu ý đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, khoảng cách ly,… phù hợp với cấp độ độc hại của nhà máy. Đồng thời giao trách nhiệm cho Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với dự án.

Trường hợp đánh giá tác động môi trường dự án tại địa điểm này (thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ) không đạt các yêu cầu về môi trường, Sở TN&MT tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét chỉ đạo.

Vì vậy, việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư của dự án chỉ được thực hiện khi đảm bảo quy định về đánh giá tác động môi trường và các quy định có liên quan.

Bên cạnh đó là các giải pháp giảm thiểu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, bụi và khí thải; chất thải rắn và chất thải nguy hại; nguồn nước cấp.

Phải di dơi vì nhà máy ở trong khu dân cư

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn, đây là dự án thuộc diện di dời từ khu vực đông dân cư (thị xã Điện Bàn) sang địa điểm khu vực xa khu dân cư (không phải dự án đầu tư mới trên địa bàn tỉnh).

Dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thị xã Điện Bàn do gần với khu vực đông dân cư nên trong quá trình vận hành thử nghiệm gây ra tiếng ồn và khí thải đã dẫn đến sự phản đối của người dân. Theo đó, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam và các ngành đã tổ chức rất nhiều đợt kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động và đã tiến hành đo đạc lấy mẫu khí thải để phân tích.

Mặc dù Công ty đã có nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kết quả phân tích mẫu khí thải đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, do nhà máy quá gần khu dân cư nên vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu kiện của người dân.

Trước tình hình đó, để giải quyết các ý kiến của người dân và theo đề nghị của UBND thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh đã có chủ trương di dời Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tới khu vực xa dân cư phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

Đồng thời nhằm đảm bảo khắc phục những hạn chế nêu trên. Đây là dự án sẽ giải quyết việc làm cho lao động tại khu vực miền núi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và dự kiến đóng góp các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.

Theo ông Toàn, việc dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp được hưởng các chính sách ưu đãi khi đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (huyện Nam Giang). Đây là các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các dự án tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để tạo động lực thúc đẩy kinh tế tại các khu vực này.

Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, công nghệ sản xuất của Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp là nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép khác với Formosa Hà Tĩnh là tổ hợp các nhà máy luyện cán thép, nhiệt điện,...; Formosa Đồng Nai là khu liên hợp nhà máy sợi - hạt nhựa - nhiệt điện, không có nhà máy luyện cán thép.

Dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp dự kiến triển khai tại thôn Hoa chủ yếu sản xuất các loại phôi thép sử dụng nguyên liệu là sắt thép phế liệu để nấu (không sử dụng quặng và than cốc).

Với quy trình và công nghệ cụ thể: Quy trình sản xuất: Sắt thép phế liệu, gang → xử lý phế liệu → nạp phế liệu → nấu luyện (lò trung tần) → lò trung gian → máy đúc liên tục → phôi thép → hệ thống con lăn dẫn → máy cán thô → máy cán liên hoàn → sàn làm nguội → thành phôi thép.

Công nghệ sản xuất, sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải.

Qua phân tích như trên, cho thấy việc so sánh việc ô nhiễm môi trường giữa Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp với Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai là không có cơ sở.

Theo Lê Phi

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên