Nhà máy xăng sinh học chết yểu!
Chưa cơ quan, tổ chức nào đưa ra được những giải pháp cơ bản để xử lý bất cập trong lộ trình sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học (E5)
Lộ trình dần dần thay thế xăng khoáng bằng xăng sinh học sẽ được thực hiện ra sao trong bối cảnh các nhà máy sản xuất nhiên liệu ethanol dùng để phối trộn thành xăng E5 đang hoặc đã “hấp hối”?!
Nợ đầm đìa nên phải đóng cửa
Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được đưa vào hoạt động chính thức từ 2007-2010. Dự án có vốn đầu tư lên đến 500 tỉ đồng với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm, do Công ty CP Đồng Xanh làm chủ đầu tư. Nhưng, chỉ đưa vào hoạt động được 2 năm thì nhà máy bất ngờ “chết yểu”.
Tháng 11-2012 nhà máy phải dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ, số nợ lên đến gần 1.000 tỉ đồng bao gồm nợ các ngân hàng, các tiểu thương cung ứng sắn nguyên liệu và nợ lương của hàng trăm công nhân. Hiện nay, do thời gian dài không hoạt động, bị phơi mưa phơi nắng nên nhiều máy móc của nhà máy đã xuống cấp, gỉ sét.
Theo phán quyết của TAND tỉnh Quảng Nam, toàn bộ tài sản Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân phải bàn giao lại cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để xử lý nợ. Vào tháng 6-2015, BIDV đã bán nhà máy cồn lại cho Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (Hà Nội). Ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết sau khi mua lại, Công ty Tùng Lâm đã tiến hành sửa chữa các hạng mục trong nhà máy từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Về thời điểm nhà máy này hoạt động trở lại thì ông Mai không biết được.
Không kém phần bi đát là trường hợp Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (gọi tắt NM Bio-Ethanol DQ). Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 1.900 tỉ đồng, do Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung (đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia - PVN) làm chủ đầu tư. Được đưa vào sử dụng từ tháng 2-2012 nhưng đến cuối tháng 4-2016, phóng viên có mặt tại khu vực nhà máy thì chỉ còn khung cảnh vắng lặng, hoang tàn.
Bên trong khuôn viên nhà máy là những công trình, máy móc đồ sộ trị giá hàng trăm tỉ đồng nhưng không một bóng công nhân vận hành, làm việc. Nhiều máy móc, thiết bị nằm phơi nắng phơi sương. Theo lời nhiều người dân địa phương, nhà máy đã ngưng hoạt động cả năm nay, công nhân, kỹ sư cũng bỏ đi tìm việc khác. “Nhìn cảnh máy móc cả trăm tỉ đồng bỏ phơi nắng, phơi mưa, quá lãng phí” - một người dân nói.
Ông Phạm Văn Vượng, Giám đốc NM Bio-Ethanol DQ, xác nhận từ tháng 4-2015 đến nay, nhà máy đã tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do thua lỗ.
Dự án Nhà máy Sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) mới đạt được 78% tiến độ xây dựng tổng thể vào năm 2014 và gần như dừng hẳn cho đến nay.
Trong khi đó, Nhà máy Ethanol Bình Phước (tỉnh Bình Phước) vốn đặt mục tiêu sản xuất hơn 100 triệu lít cồn sinh học/năm, tiêu thụ khoảng 240.000 tấn củ mì khô/năm cũng đã “âm thầm” đóng cửa từ bao giờ không rõ. Chỉ đến tháng 5-2015, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước mới biết chính xác là nhà máy này đã ngừng hoạt động với nguyên nhân được cho là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Kế hoạch khác xa thực tế
Ông Phạm Văn Vượng cho rằng nguyên nhân thua lỗ là do ethanol giá thành sản xuất khá cao khiến sản phẩm làm ra không bán được. Ngoài ra, thị trường trong nước chỉ có 8 địa phương tiêu thụ xăng E5, nên lượng tiêu thụ cồn nhiên liệu để pha chế rất thấp, khoảng 24% so với công suất của NM Bio-Ethanol DQ.
“Chúng tôi đã tìm hướng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài tuy nhiên giá mì sắn trái vụ cao, trong khi giá dầu thế giới liên tục giảm khiến sản phẩm không thể xuất khẩu được vì không cạnh tranh được với các nước” - ông Vượng nói.
Theo ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, để tháo gỡ khó khăn cho NM Bio-Ethanol DQ, UBND tỉnh đã họp kiến nghị với Chính phủ nhiều lần nhưng chưa có tiến triển. “Hiện NM Bio-Ethanol DQ đã được bàn giao về cho PVN. Trong cuộc họp của Chính phủ mới đây, PVN cũng đề xuất cải tổ nhà máy để sớm đưa nhà máy hoạt động trở lại nhưng đến nay Chính phủ vẫn đang xem xét, chưa có chủ trương cụ thể” - ông Sô cho biết.
Với trường hợp dự án tại tỉnh Phú Thọ, Bộ Công Thương thừa nhận sản phẩm ethanol Phú Thọ không có khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu do giá thành cao. Theo Bộ Công Thương, khi báo cáo khả thi, dự án này chỉ tính giá nguyên liệu trung bình cả đời dự án khoảng 1.800 đồng/kg và giá thành sản phẩm là 10.000 đồng/lít. Thế nhưng, đến năm 2012-2013, giá sắn đã tăng gần gấp 3 lần, tới 5.000 đồng/kg, trong khi giá bán ethanol chỉ được 13.000 đồng/lít - mức thấp hơn giá thành sản xuất.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, ông Nguyễn Phú Cường, cũng chỉ ra thực tế là khi xây dựng bài toán đầu tư, các doanh nghiệp dựa trên cơ sở giá dầu thô khoảng 100-105 USD/thùng và giá sắn để sản xuất ethanol là 2.300-3.000 đồng/kg. Tức là, giá nhiên liệu thô cao còn giá thành sản xuất ethanol lại thấp nên sản phẩm có sức cạnh tranh. Tuy nhiên, diễn biến trên thực tế lại đi ngược lại, chỉ một vài năm sau, giá dầu thô sụt giảm còn 30-40 USD/thùng và giá sắn lại tăng lên tới 4.700-5.000 đồng/kg.
Về nguyên nhân sâu xa, đại diện Bộ Công Thương cho hay vấn đề cần xem xét chủ yếu là năng lực cạnh tranh của các nhà máy có cao không. Ví dụ suất đầu tư có cao không, quy trình sản xuất đã tối ưu chưa…
“Chính phủ và Bộ Công Thương đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ethanol ở mức độ nhất định. Các doanh nghiệp phải tự mình linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, tận dụng nguyên liệu trong quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm khác như CO2, phân hữu cơ nhằm tận dụng triệt để, tránh lãng phí nguyên liệu” - ông Cường chỉ ra.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá - Bộ Tài chính:
Khuyến khích bằng lợi ích kinh tế
Chính phủ và bộ, ngành đã có rất nhiều chủ trương kích thích sử dụng xăng sinh học E5 như một giải pháp để giảm ô nhiễm môi trường và cam kết cắt giảm hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, chúng ta chưa xác định được thị trường, tâm lý người tiêu dùng khi đưa vào sản phẩm mới nên các chiến dịch tuyên truyền xăng E5 chưa thực sự hiệu quả. Chúng ta cũng chưa chứng minh được chắc chắn rằng sản phẩm đã tốt với môi trường nhưng có thực sự tốt với thiết bị của người dùng, có mang lợi ích kinh tế cho người dùng không. Mức chênh lệch giá chỉ 300-500 đồng/lít thì khó lôi cuốn người tiêu dùng, trong khi họ hoài nghi về sản phẩm. Cơ quan chức năng nên khuyến khích thông qua cơ chế về giá, đánh vào lợi ích kinh tế.
PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội):
Trả giá
Giải pháp tổng thể hiện nay là nên đánh giá lại sản xuất xăng sinh học thế nào từ đầu đến giờ, xem xét việc đầu tư của chúng ta, công nghệ chúng ta sử dụng thế nào, từ đó dẫn đến giá thành cao - thấp ra sao. Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho thấy 4 nhà máy lớn sản xuất xăng E5 đóng cửa đều sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Điều này cho thấy sự đầu tư tràn lan, ồ ạt, không lựa chọn nhà đầu tư, không lựa chọn công nghệ một cách cẩn trọng. Như vậy thì không cứu vãn được và chúng ta phải trả giá.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính):
Phải đánh giá lại hiệu quả
Hiện chưa thể vội vã nói đến chuyện dừng hay tiếp tục triển khai lộ trình bán và sản xuất xăng sinh học được. Bởi lẽ, tính hiệu quả của những dự án này còn khá mơ hồ. Trước mắt, cần đánh giá lại tổng thể lộ trình, phương thức thực hiện, tính cạnh tranh của dự án để đưa ra kết luận cuối cùng. Phải xem xét ở nhiều chiều, nguồn cung ra sao, cầu ra sao, giá thành thế nào, tính kinh tế ra sao. Tuy nhiên, nếu đã xem xét kỹ và thấy dự án không hiệu quả thì không nên cố níu kéo. Phải chấp nhận một phương án tốt nhất, không thể cứ sai mà cứ theo đuổi.
Th.Dương ghi
Người lao động