MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà ở công nhân và sản xuất ‘ba tại chỗ’ - Bài 1: Vì sao hầu hết KCN chưa có nhà ở công nhân?

17-08-2021 - 10:28 AM | Doanh nghiệp

Tháng 10/2010 Công ty Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ đã khởi công xây dựng ha tầng cho nhà ở công nhân KCN Trà Nóc nhưng đến nay dự án này vẫn chỉ là một mảnh đất trống. Ảnh: An Hòa

Tháng 10/2010 Công ty Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ đã khởi công xây dựng ha tầng cho nhà ở công nhân KCN Trà Nóc nhưng đến nay dự án này vẫn chỉ là một mảnh đất trống. Ảnh: An Hòa

Khi dịch bệnh bùng phát, phương án “ba tại chỗ” được nhiều doanh nghiệp áp dụng để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp thuê đất trong các khu công nghiệp (KCN) chỉ đủ để xây dựng nhà xưởng nên không có đủ chỗ bố trí cho công nhân ăn, ngủ tại nơi làm việc.

Cơ chế đã có hơn 10 năm trước

Từ tháng 4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg về việc tạo điều kiện ưu đãi và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân cho lao động thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế theo phương thức xã hội hóa.

Chính phủ cũng giao cho Ban Quản lý các KCN, Công ty đầu tư hạ tầng làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở. Theo Quyết định 66, các dự án nhà ở công nhân được miễn tiền sử dụng đất, được vay vốn ưu đãi và được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu.

Tiếp theo đó, năm 2013, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, dành 30.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay đối với một số đối tượng gặp khó khăn về nhà ở và doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; hỗ trợ cho các đối tượng khách hàng có nhu cầu mua, thuê nhà ở thương mại có quy mô diện tích vừa và nhỏ, giá thấp dưới 1,05 tỷ đồng.

Tháng 10/2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đây là khung pháp lý quan trọng cho phát triển nhà ở xã hội phục vụ cho đối tượng có thu nhập thấp trong đó có công nhân tại các KCN.

Mới đây, ngày 1/4/2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 49/2021/NÐ-CP “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NÐ-CP ngày 20/10/2015 về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó có nội dung đáng chú ý là khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở xã hội, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó.

Khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Về hành lang pháp lý khung để khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội đã cho đến nay đã được Chính phủ ban hành tương đối đầy đủ, tuy nhiên đối với những dự án đã triển khai trước đây thì vẫn còn nhiều vướng mắc khiến cho nhiều dự án mất nhiều năm làm thủ tục mà vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

Chia sẻ khó khăn trên với Nhadautu.vn, ông Võ Ngọc Hồ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ cho biết, cuối năm 2013, UBND TP. Cần Thơ đã chỉ đạo thí điểm xây dựng nhà ở công nhân ở KCN Trà Nóc và KCN Thốt Nốt.

Trong đó Công ty Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ được giao làm chủ đầu tư Dự án nhà ở công nhân KCN Trà Nóc thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn với diện tích đất xây dựng 7.467m2, tổng diện tích sàn 24.747,8m2 gồm 2 block chung cư 5 tầng với 522 căn hộ, phục vụ 4.000 lao động.

 Nhà ở công nhân và sản xuất ‘ba tại chỗ’ - Bài 1: Vì sao hầu hết KCN chưa có nhà ở công nhân? - Ảnh 1.

Thiếu nhà ở nhiều công nhân ở xa phải chấp nhận thuê những nhà trọ ọp ẹp, cũ kỷ để làm việc tại các KCN. Ảnh: TL

“Trước đó, tháng 10/2010 công ty đã khởi công xây dựng hạ tầng cho khu tái định cư và khu nhà ở công nhân này. Tháng 7/2014, công ty đã hoàn tất các hồ sơ thủ tục cần thiết như báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và đã nộp hồ sơ để xin tiếp cận vốn vay từ gói 30.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công xây dựng ngay trong năm 2014", ông Hồ cho biết.

Theo ông Hồ, đoạn đầu của dự án, công ty có nhu cầu vay 40 tỷ đồng cùng với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp để đầu tư xây dựng 1 block chung cư dãy A với 134 căn hộ, tuy nhiên cho đến hết năm 2019 dự án cũng chưa thể tiếp cận được nguồn vốn. "Do không đáp ứng yêu cầu tiến độ triển khai dự án, UBND thành phố đã ra quyết định xử phạt công ty gần 2 tỷ đồng, đồng thời thu hồi giao về cho UBND quận Ô Môn là chủ đầu tư dự án này. Tính chung tất cả chi phí từ thông qua quy hoạch, thiết kế, đánh giá tác động môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng và tiền phạt..., công ty đã phải chi gần 5 tỷ đồng cho dự án này mà không thu hồi lại được”, ông Hồ nói.

Tương tự như vậy, ông Lê Văn Trấn - Giám đốc Trung tâm xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt cho biết, "Khu đất quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân KCN Thốt Nốt với diện tích xây dựng là 2,1ha, tổng mức đầu tư dự kiến trên 173 tỷ đồng, giải quyết chỗ ở cho 1.200 công nhân. Do dự án nằm trong khu tái định cư phường Thới Thuận giai đoạn 2, quận Thốt Nốt nên để xây dựng nhà ở công nhân phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch sao cho phù hợp. Vì thế, UBND thành phố cũng đã giao dự án này về cho quận Thốt Nốt là chủ đầu tư.

Thế nhưng khi trao đổi với Nhadautu.vn lãnh đạo hai địa phương đều cho hay được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư thì phải chấp hành, tuy nhiên với năng lực về chuyên môn lẫn tài chính kể cả mối quan hệ để mời gọi đầu tư, quản lý, tổ chức triển khai 2 dự án nhà ở xã hội quy mô lớn như thế đã vượt quá khả năng của đơn vị hành chính cấp huyện.

Theo đánh giá của các chuyên gia về thị trường bất động sản, cơ chế thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà ở công nhân thời gian qua chưa hấp dẫn; trong qua trình triển khai đã nảy sinh nhiều vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật liên quan, phù hợp tình hình thực tiễn.

Với cơ chế như thời gian qua thì việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; chính sách tiết kiệm mua nhà ở xã hội; vấn đề về chuyển nhượng nhà ở xã hội sau khi mua… còn nhiều bất cập khiến “Chương trình cho vay phát triển nhà ở xã hội theo Nghị định 100” chưa đạt như kỳ vọng. Đây cũng là lý do vì sao cho đến nay cả nước chỉ mới có hơn 200 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được triển khai đạt 36% kế hoạch, đến hết năm 2020 chỉ mới có hơn 100 dự án với hơn 300.000 chỗ ở cho công nhân đáp ứng chưa đến 10% so với tổng lao động hiện có tại các KCN.

Tại TP. Cần Thơ hiện nay có 6 KCN đang hoạt động thu hút hơn 200 dự án đầu tư với khoảng 40.000 công nhân nhưng chỉ có duy nhất 1 dự án nhà ở xã hội 490 căn hộ do một doanh nghiệp thủy sản đầu tư nhưng hiện nay dự án này cũng rất chật vật trong kinh doanh.

Theo số liệu của Sở Công Thương, TP. Cần Thơ hiện có 1.090 doanh nghiệp công nghiệp. Tính đến chiều 11/8, có 974 doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động (tương đương 89,36%) với hơn 60.000 lao động ngưng việc.

Cụ thể, số doanh nghiệp trong các khu chế xuất và công nghiệp tạm dừng hoạt động là 135 doanh nghiệp (chiếm 79,41% tổng số doanh nghiệp trong các khu chế xuất và công nghiệp); 839 doanh nghiệp ngoài khu chế xuất và công nghiệp tạm dừng hoạt động. Các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, là do không lên phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất" hoặc không đảm bảo quy định về "ba tại chỗ, một cung đường, hai điểm đến".

Theo An Hòa

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên