MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà thầu cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận căng băng rôn đòi nợ, Tập đoàn Đèo Cả nói gì?

24-01-2022 - 15:31 PM | Doanh nghiệp

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành tuyến chính, cho xe lưu thông dịp Tết Nhâm Dần 2022.- Ảnh: VOV

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành tuyến chính, cho xe lưu thông dịp Tết Nhâm Dần 2022.- Ảnh: VOV

Tập đoàn Đèo Cả yêu cầu Công ty Nguyễn Vinh phải chứng minh việc Đèo Cả có nợ hay không và đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ để bảo vệ quyền lợi, uy tín, hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp.

Sáng 19/1, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thông xe tuyến chính. Đây là tuyến cao tốc có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, ngay sau buổi lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, bất ngờ xuất hiện đoàn xe căng băng rôn trên đường để đòi nợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả số tiền 13,5 tỷ đồng.

Nội dung của tấm băng rôn thể hiện: “Yêu cầu Tập đoàn Đèo Cả, BOT Trung Lương – Mỹ Thuận thanh toán tiền vật liệu làm đường cao tốc 13 tỷ 533 triệu cho công ty Nguyễn Vinh”, hay “Đường làm xong, nợ không trả kéo dài 19 tháng, Tập đoàn Đèo Cả, BOT Trung Lương – Mỹ Thuận không thanh toán”…ngay gần hiện trường dự án.

Ngày 23/1, đại điện Tập đoàn Đèo Cả và Ban điều hành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận (DNDA) cho biết, đã cho rà soát, kiểm tra các hồ sơ công nợ của các bên trình lên và khẳng định, việc nợ của Công ty Nguyễn Vinh hoàn toàn không liên quan đến DNDA và Tập đoàn Đèo Cả. Đây là tranh chấp giữa Công ty Tây An (đơn vị trực tiếp ký hợp đồng mua bán nguyên vật liệu với Công ty Nguyễn Vinh) khi thi công  tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Đại điện Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, về việc Công ty Nguyễn Vinh gửi văn bản đi nhiều đơn vị, tổ chức gây rối và có những hành động gây ảnh hưởng đến DNDA và Tập đoàn Đèo Cả, có dấu hiệu kích động, vi phạm pháp luật, Ban điều hành DNDA cho biết sẽ tổ chức làm việc giữa các bên liên quan để làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ, yêu cầu Nguyễn Vinh cung cấp các chứng cứ chứng thực các nội dung khiếu nại để xem xét.

“Về phía Tập đoàn Đèo Cả sẽ yêu cầu Công ty Nguyễn Vinh phải chứng minh việc Đèo Cả có nợ hay không nợ, nếu không bên Đèo Cả sẽ đề xuất cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi, uy tín, hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả nói.

Được biết, ngày 21/1/2022, Công ty CP Đầu tư và XDCT Tây An (Tây An) đã có văn bản thông tin về công nợ giữa Công ty Tây An và Công ty Nguyễn Vinh tại dự án Trung Lương – Mỹ Thuận. Theo đó, Công ty Tây An khẳng định Tập đoàn Đèo Cả và DNDA không liên quan đến công nợ nói trên, đối với sản lượng thực hiện của Tây An, DNDA và Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành việc thanh toán cho Tây An theo hợp đồng.

Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Tây An cho biết: Trong quá trình tham gia Dự án này, chúng tôi đã được DNDA và Tập đoàn Đèo Cả tạo điều kiện về giải ngân, thanh toán, hỗ trợ các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và cho vay vốn trước để đảm bảo vốn lưu động.

Ông Trần Minh Tuấn cho hay, việc Công ty Nguyễn Vinh tổ chức căng băng rôn, khẩu hiệu, kiện cáo đòi nợ Tập đoàn Đèo Cả và Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đối với công nợ giữa Nguyễn Vinh và Tây An làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Tập đoàn Đèo Cả.

“Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và nhận thấy việc này là không có cơ sở do giữa DNDA, Tập đoàn Đèo Cả không có bất cứ mối quan hệ hợp đồng kinh tế, cam kết nào đối với công nợ giữa Công ty Tây An và Nguyễn Vinh”, ông Tuấn cho hay.

Đơn vị này cũng nhìn nhận những việc công ty Nguyễn Vinh làm gây ảnh hưởng đến uy tín cũng như thiệt hại về kinh tế cho Tập đoàn Đèo Cả và cam kết sẽ khắc phục để giải quyết sự việc này./.

12 năm thi công "vật vã" của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có tổng chiều dài hơn 51 km. Điểm đầu là nút giao cao tốc tại xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành và điểm cuối là nút giao QL30, H.Cái Bè (nối tỉnh Đồng Tháp).

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực ĐBSCL với TP.HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù vậy, suốt gần 10 năm đầu triển khai dự án với 2 lần thay đổi chủ tổng đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư (lần cuối cùng là 12.668 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước góp 2.186 tỉ đồng), 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và dự án chỉ đạt được 10% khối lượng.

Tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền được Thường trực Chính phủ chỉ đạo chuyển từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang. Ngày 31/12/2020, dự án được thông tuyến.

Sáng 19/1, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phát lệnh thông xe tuyến chính, cho phép xe ô tô được lưu thông từ 23 Tết đến 10 tháng Giêng 2022.

Theo Phi Long

VOV

Trở lên trên