Nhà vô địch Thanh Vũ tiết lộ sẽ không thi nếu biết điều này
Đằng sau thành tích đáng nể của nữ VĐV Thanh Vũ là cả một quá trình rèn luyện và ý chí kiên cường.
- 06-09-2022Cậu bé 7 tuổi biết nói 8 thứ tiếng: Mẹ tiết lộ bí quyết học đa ngôn ngữ không bị loạn
- 06-09-2022Phong cách sống Hygge của người Đan Mạch cho bạn bí quyết tìm thấy hạnh phúc
- 06-09-2022Làm gì để sống khỏe tới 100 tuổi? Học ngay bí quyết ăn uống mang lại sự trường thọ của người Nhật
Vũ Phương Thanh (Thanh Vũ) là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự SwissUltra 2022 và cô đã đem lại vinh quang cho thể thao nước nhà, mang dấu ấn của Việt Nam ra thế giới khi trở thành quán quân thế giới giải The Deca Ultratriathlon được tổ chức tại Buchs thuộc bang St.Gallen (Thụy Sĩ).
Swiss Ultra 2022 là sự kiện ba môn phối hợp siêu đường dài diễn ra từ ngày 14 đến 29-8, được tổ chức lần thứ 5 sau hai năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Cuộc thi năm nay có tổng cộng 23 vận động viên quốc tế với 19 nam, 4 nữ và Thanh Vũ là đại diện duy nhất của Việt Nam, cũng là người phụ nữ châu Á duy nhất góp mặt.
SwissUltra là một trong những giải đua 3 môn phối hợp khắc nghiệt nhất hành tinh khi các vận động viên phải hoàn thành 38km bơi, 1.800km đạp xe và 422 km chạy bộ trong khoảng thời gian giới hạn là dưới 345 giờ.
Để hình dung mức độ "bão cấp 12" của Swiss Ultra 2022, hãy bắt đầu với cự ly chạy 422 km với đòi hỏi về sức bền cao gấp nhiều lần những người tham dự cuộc thi "người thép" Ironman Triathlon mà đường chạy "chỉ" dài 140,6 km. Vận động viên còn cần phải hoàn thành cự ly bơi 38km và đạp xe 1.800 km trong thời gian qui định. Tổng quãng đường của Swiss Ultra gấp 10 lần quãng đường mà một vận động viên thi ba môn phối hợp Ironman phải trải qua.
Tuy nhiên, đại diện Thanh Vũ của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc phần thi với tổng thành tích chỉ 328 giờ 27 phút 55 giây để lên ngôi vô địch nữ.
Trong buổi giao lưu trực tiếp diễn ra ngày 5/9, nữ VĐV đã có cơ hội chia sẻ nhiều hơn về hành trình của mình.
VĐV Thanh Vũ trong buổi giao lưu.
Trong đó, cô được hỏi rằng "Điều gì trong giải đấu nếu bạn biết trước thì sẽ không tham gia?". Thanh Vũ không ngần ngại chia sẻ:
"Mọi người nhìn vào sẽ nghĩ tại sao giải vô địch thế giới mà chỉ có 24 vận động viên, trong đó chỉ có 19 nam và 4 nữ. Khi đó Thanh không tìm hiểu quá sâu mà chỉ thăm dò các thành tích của các đối thủ nữ trước để biết sẽ nằm ở đâu và lên kế hoạch. Sau khi hoàn thành xong giải tôi mới biết 3 người đứng trên bục nhận giải của nam đều là những người nắm giữ kỷ lục thế giới... Ngoài ra, các vận động viên khác tham gia cũng đều có kinh nghiệm dày dặn, tham gia nhiều cuộc đua lớn..."
Ở nội dung deca, chỉ có 4 vận động viên nữ tham dự. Trong đó có 2 người không hoàn thành phần thi. Ngoài Thanh Vũ, chỉ còn lại Nadine Zacharis người Pháp đang hoàn thành đoạn cuối cùng của phần thi chạy.
Triathlon - 3 môn phối hợp - được coi là một trong những môn thể thao khắc nghiệt nhất. Ultra triathlon thậm chí còn khó hơn vì cự ly thi đấu gấp 10 lần so với 3 môn phối hợp thông thường. Kỷ lục thế giới ở nội dung deca dành cho nữ là 247 giờ, 7 phút, 21 giây do Christine Couldrey người Australia thiết lập năm 2018.
Nhà vô địch cũng chia sẻ rằng đây là giải 3 môn phối hợp siêu bền đầu tiên mà cô tham gia. Khi tìm hiểu thành tích của các vận động viên tham gia, cô càng thêm ngưỡng mộ những điều mà họ đã trải qua.
Thanh Vũ khẳng định: "Hiểu đối thủ là điều rất quan trọng. May mắn là tôi chỉ tìm hiểu những thành tích cũ và không đi quá sâu. Nếu biết trước được điều này, có lẽ tôi đã rút lui ngay từ đầu". Cô cho biết việc tìm hiểu về đối thủ khiến bản thân bị áp lực dù đã cố gắng suy nghĩ lạc quan.
Thậm chí cô đã căng thẳng đến mức ghì ghi đông quá mạnh khiến 2 ngón tay bị liệt trong một khoảng thời gian. Về sau, khi đã vào guồng, cô mới thực sự thả lỏng và thi đấu thoải mái hơn. Trải qua cuộc thi, Thanh Vũ nhận ra: "Mọi người nên tiếp cận vấn đề một cách lạc quan. Tất cả những giới hạn đều nằm trong đầu của chúng ta".
Khi được hỏi về động lực để tham gia cuộc thi khắc nghiệt như vậy, Thanh Vũ trả lời rằng: "Mọi việc chỉ có ý nghĩa khi mình đặt ý nghĩa cho nó". Với cô, khi đã nhìn ra mục tiêu và xác định được lý do thì dù mọi người có nói như thế nào thì bản thân cũng sẽ dốc sức để thực hiện.
Bản thân cô từng cho rằng mình sẽ không chạy lặp lại một cung đường marathon. Tuy nhiên khi tiếp cận giải đấu này, cô phải đạp xe trên một cung đường 200 lần, hành trình chạy bộ lặp lại 346 lần... Động lực lớn nhất để Thanh Vũ tiếp tục đó là mục tiêu trở thành người phụ nữ Châu Á đầu tiên hoàn thành giải SwissUltra đã được đề ra trước đó.
Trong quá trình giải diễn ra, cô nhận thấy cơ hội đến và bản thân có thể đạt được vị trí quán quân. Nhờ đó, Thanh Vũ có thể tập chung dành hết sức thi đấu, vượt qua những khó khăn trong suốt hành trình dài, bỏ ngoài tai những lời bàn tán.