MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhằm vào Huawei, Mỹ còn chiến lược lớn hơn?

07-12-2018 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Tập đoàn ZTE Corp (Trung Quốc) từng đối mặt nguy cơ sụp đổ sau khi trở thành mục tiêu của cuộc điều tra tương tự Huawei

Thông tin bà Meng Wanzhou, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính hãng công nghệ Huawei (Trung Quốc), bị bắt giữ ở Canada hôm 1-12 theo yêu cầu của chính phủ Mỹ đã phủ bóng lên thỏa thuận đình chiến thương mại mong manh mới đạt được giữa Bắc Kinh và Washington. Đáng chú ý, bà Meng bị bắt vào đúng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có buổi ăn tối làm việc ở Argentina.

Bộ Tư pháp Canada hôm 5-12 thông báo bà Meng bị bắt ở TP Vancouver và đang đối mặt nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Bà Meng dự kiến ra tòa ở Canada trong ngày 7-12.

Theo Reuters, vụ bắt giữ có liên quan đến việc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhưng hiện chưa rõ bản chất những vi phạm này. Báo Nikkei tiết lộ nhà chức trách Mỹ nghi ngờ bà Meng, con gái nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei, dính líu đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm bị cấm sang Iran. Dù vậy, tuyên bố của Huawei khẳng định không nhận thấy bà Meng có "bất kỳ hành động sai trái nào". Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada tuyên bố kiên quyết phản đối vụ bắt giữ và yêu cầu thả người ngay lập tức.

Nhằm vào Huawei, Mỹ còn chiến lược lớn hơn? - Ảnh 1.

Bà Meng Wanzhou tại một diễn đàn ở thủ đô Moscow - Nga Ảnh: TASS

Cùng ngày thông tin về vụ bắt giữ bà Meng được công bố (5-12), Huawei còn bị giáng một đòn mạnh khác sau khi Tập đoàn BT Group (Anh) thông báo loại bỏ các thiết bị của công ty Trung Quốc này ra khỏi các hoạt động di động 3G và 4G hiện tại của họ. BT cũng xác nhận không tiếp tục sử dụng thiết bị Huawei trong thành phần chính của các mạng di động thế hệ tiếp theo.

Nhà chức trách Mỹ bắt đầu điều tra Huawei kể từ năm 2016 vì cáo buộc cung cấp các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ sang Iran và một số nước khác, vi phạm luật xuất khẩu và trừng phạt của Mỹ. Giới phân tích nhận định vụ bắt giữ trên đe dọa gây thêm căng thẳng mới giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ông Jia Wenshan, chuyên gia tại Trường ĐH Chapman (Mỹ), cho rằng động thái này là một phần chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn của chính quyền ông Trump và diễn biến mới nhất kể trên có nguy cơ làm chệch hướng quá trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) gọi đây là nỗ lực tăng cường của Mỹ nhằm "buộc các công ty Trung Quốc chịu trách nhiệm cho những hành động vi phạm luật pháp Mỹ, ảnh hưởng đến bầu không khí của đàm phán và khiến hai bên gặp khó trong việc tìm giải pháp bền vững cho tranh chấp thương mại".

Bước đi trên cũng làm dấy lên phỏng đoán Huawei có thể là mục tiêu kế tiếp trong chiến dịch của Mỹ nhằm hạn chế sự trỗi dậy của các công ty công nghệ Trung Quốc. Tập đoàn ZTE Corp (Trung Quốc) từng đối mặt nguy cơ sụp đổ sau khi trở thành mục tiêu của cuộc điều tra tương tự Huawei. Hồi năm 2017, ZTE nhận tội vi phạm luật pháp Mỹ về hạn chế bán công nghệ phát triển tại Mỹ cho Iran. Đến đầu năm nay, Washington cấm các công ty Mỹ bán linh kiện và phần mềm cho ZTE, buộc họ sau đó phải đóng phạt 1 tỉ USD để dàn xếp dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 6-2018.

Là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, Huawei được xem là có chuỗi cung ứng khổng lồ, liên kết chặt với nhiều công ty hàng đầu ở châu Á và Mỹ.

"Nếu Mỹ mạnh tay với Huawei như với ZTE, điều này chắc chắn sẽ gây ra gián đoạn lớn đối với ngành công nghệ khắp thế giới" - ông Andrew Lu, nhà phân tích kỳ cựu tại Công ty Sinolink Securities, cảnh báo. Nỗi lo này thêm lớn khi các thị trường chứng khoán khắp thế giới sụt giảm trong ngày thứ ba liên tiếp, bao gồm cổ phiếu của một loạt công ty công nghệ niêm yết tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Theo Hoàng Phương

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên