Nhận cổ tức “khủng”, hãy coi chừng!
Các bạn hãy nhìn lại tài khoản của mình, đánh dấu ngày nhận cổ tức và tính toán xem sao. Cẩn thận một sớm mai thức dậy, bạn thấy mình bị call margin.
- 26-05-2016Cao su Đà Nẵng chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền và cổ phiểu thưởng tỷ lệ 60%
- 25-05-2016Vinamilk chốt quyền trả cổ tức đợt 2/2015 tỷ lệ 20%
- 24-05-2016Mía đường Sơn La: Sẽ trả cổ tức 60% cho nửa đầu năm 2016
- 23-05-2016Nhiều doanh nghiệp ngành Y, Dược đua trả cổ tức cao năm 2015
Sáng nay, anh T. – một nhà đầu tư bình thường- như thường lệ, đăng nhập vào tài khoản chứng khoán của mình để kiểm tra. Tất cả cổ phiếu trong danh mục đều đang tăng, nhưng anh T. tá hỏa nhận ra giá trị tài sản đã sụt giảm mấy chục triệu đồng. Lo lắng có kẻ “hack” tài khoản, anh vội vàng gọi cho môi giới nhờ kiểm tra, và thở phào khi được biết nguyên nhân là do cổ phiếu SKG điều chỉnh giá vì chốt quyền nhận cổ tức.
Cụ thể, ngày 2/6/2016 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và cổ phiếu của SKG với tổng tỷ lệ là 50%. Theo tính toán của Sở Giao dịch chứng khoán HOSE, giá tham chiếu của cổ phiếu điều chỉnh giảm 30% so với giá đóng cửa hôm qua.
Không vay ký quỹ để đầu tư, anh T. vẫn không bị sốc bằng anh H. – một nhà đầu tư cũng đầu tư vào SKG và giữ qua ngày giao dịch không hưởng quyền. Còn chưa kịp kiểm tra tài khoản, môi giới đã gọi điện cảnh báo anh vì hệ thống tự động thông báo tài khoản ở trong tình trạng thiếu tiền, có thể bị giải chấp.
Đây là vấn đề nhiều nhà đầu tư mắc phải khi nắm giữ lâu những cổ phiếu có phong độ tốt, trả cổ tức cao như SKG hay như vài ngày trước là HSG. Không phải điều gì nguy hiểm, ví dụ như mua cổ phiếu đầu cơ rồi cổ phiếu giảm sàn liên tục và bị giải chấp, vấn đề này hầu như là do nhà đầu tư “quên” mất mình đang nắm cổ phiếu được trả cổ tức cao.
Kể cả những người chủ động lựa chọn doanh nghiệp trả cổ tức cao – một chiến thuật khá hiệu quả trong thời gian qua – cũng có thể quên mất rằng việc điều chỉnh giá cổ phiếu có thể khiến mình gặp phải tình huống như anh T. và anh H. nói trên.
Trước đây, cổ phiếu KDC của CTCP Kido đã khiến nhà đầu tư một phen nháo nhác cũng vì trả cổ tức quá cao. Với tỷ lệ 200% bằng tiền mặt, tại ngày 11/08/2015 – ngày giao dịch không hưởng quyền để trả cổ tức, giá đóng cửa của cổ phiếu KDC được điều chỉnh xuống còn 28.500 đồng. Sau 2 phiên giảm giá, đóng cửa ngày 13/08, giá cổ phiếu KDC chỉ còn 25.700 đồng. Tỷ lệ ký quỹ của nhiều nhà đầu tư đã giảm xuống thấp hơn mức cho phép của công ty chứng khoán và bị thông báo giải chấp.
Sắp tới đây, một số doanh nghiệp có cổ phiếu đang được ưa chuộng trên thị trường như EVE, VNM, DRC … cũng sẽ tiến hành chốt quyền nhận cổ tức với tỷ lệ rất cao. Đây đều là những cổ phiếu được cho vay ký quỹ và nhà đầu tư cũng yêu thích việc sử dụng tiền vay ký quỹ để đầu tư. Chính vì thế, hãy nhìn lại tài khoản của mình, đánh dấu ngày nhận cổ tức, tính toán và trao đổi trước với môi giới để không bị “sốc”.
Trí Thức Trẻ