Nhân dân tệ tăng giá - "Con dao hai lưỡi" đối với kinh tế Trung Quốc
Kể từ đầu năm đến nay, nhân dân tệ đã tăng 6% so với USD.
- 08-09-2017Nhà đầu cơ Mỹ khốn đốn vì trót bán khống Nhân dân tệ
- 06-09-2017Căng thẳng Mỹ-Triều, Nhân dân tệ thành “vịnh tránh bão” mới
- 05-07-2017"Sóng ngầm" đằng sau sự ổn định của đồng nhân dân tệ so với USD
Đà tăng giá mạnh mẽ của đồng nhân dân tệ đang có nguy cơ trở thành 1 “con dao hai lưỡi”: một mặt nhân dân tệ tăng giá ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc, mặt khác lại là cơ hội để nước này thực hiện các cải cách cần thiết về cơ chế quản lý đồng nội tệ và dòng chảy vốn.
Kể từ đầu năm đến nay, nhân dân tệ đã tăng 6%. Điều này giúp xóa tan áp lực giảm giá, cho phép các nhà hoạch định chính sách có nhiều dư địa hơn để thực thi các cải cách giúp nới lỏng kiểm soát dòng vốn. Hôm 11/9, NHTW Trung Quốc đã dỡ bỏ yêu cầu về dự trữ đối với các hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn – biện pháp vốn được sử dụng để khiến cho việc bán đồng nhân dân tệ trở nên đắt đỏ. Bên cạnh đó là một số động thái giúp các công ty đầu tư ở nước ngoài dễ dàng hơn.
Nhân dân tệ đã tăng giá mạnh so với USD.
Hãy cùng điểm lại một số tác động từ đà tăng giá của nhân dân tệ:
Rủi ro đối với xuất khẩu
Khi đồng nội tệ tăng giá, xuất khẩu chính là hoạt động bị ảnh hưởng đầu tiên. Số liệu chính thức cũng cho thấy trong 2 tháng gần đây, khi nhân dân tệ tăng 2,9%, xuất khẩu của Trung Quốc đã bị giảm tốc.
Theo Iris Pang, chuyên gia kinh tế tại ING Groep (Hồng Kông), lợi nhuận thặng dư mà các doanh nghiệp xuất khẩu thu được sẽ giảm xuống trừ khi họ có doanh thu bằng đồng nhân dân tệ. Đặc biệt, thiệt hại càng tăng lên nếu các doanh nghiệp không có đủ các biện pháp phòng vệ tỷ giá. Bà cũng nhận định nhân dân tệ sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới.
Trong khi đó MK Tang, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Goldman Sachs, cho rằng đà tăng giá hiện nay sẽ khiến giới chức Trung Quốc cảm thấy không thoải mái vì xuất khẩu là động lực chính để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng.
Các biện pháp kiểm soát vốn
The Ding Shuang, chuyên gia của ngân hàng Standard Chartered, đà tăng giá của nhân dân tệ chính là cơ hội để Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn – điều đang gây hại cho nền kinh tế. Các động thái khả thi bao gồm tạo điều kiện cho các công ty dễ dàng chuyển tiền ra nước ngoài hơn và nới lỏng kiểm soát các thương vụ doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài.
Năm ngoái, Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm soát vốn để giảm bớt áp lực giảm giá sau khi nhân dân tệ giảm 6,5% so với USD trong đợt giảm mạnh nhất kể từ năm 1994.
Những ảnh hưởng rộng hơn
Nhân dân tệ tăng giá đã tạo ra hiệu ứng tích cực trên TTCK Trung Quốc với chỉ số Shanghai Composite tăng điểm 3 tháng liên tiếp và lập đỉnh cao nhất kể từ tháng 1/2016. Sau cơn bán tháo, thị trường trái phiếu Trung Quốc cũng trở lại ổn định.
Chứng khoán Trung Quốc lập đỉnh trong khi thị trường trái phiếu ổn định.
Cải cách, giải chấp
Tang cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tiến xa hơn trên lộ trình thả nổi đồng nhân dân tệ, ví dụ như cho phép nới biên độ dao động và giảm thiểu sự can thiệp vào thị trường tiền tệ.
1 đồng nhân dân tệ được thả lỏng hơn sẽ giúp ích cho nền kinh tế vì như vậy các nguồn lực sẽ được phân bổ hiệu quả hơn. 1 thị trường tiền tệ ổn định hơn cũng cho phép Chính phủ Trung Quốc rảnh tay tập trung vào giảm thiểu tình trạng vay mượn quá mức, từ đó đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế trong dài hạn.