MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận dạng những “kẻ thù” giấu mặt nơi công sở: Đừng vội trao niềm tin nếu không muốn sự nghiệp lao đao

03-07-2017 - 11:28 AM | Sống

"Kẻ thù giấu mặt" nơi công sở có thể đóng vai là một đồng nghiệp nhiệt tình, thân thiện, hay một người nhiều tâm sự, cần sự giúp đỡ... Họ sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên khó khăn, mệt mỏi hơn, công việc lao đao, kém thuận lợi. Vì thế hãy tỉnh táo và xác định rõ những người xấu tính ở nơi làm việc và tính cách "phòng thủ" trước.

Đồng nghiệp ganh ghét, đố kị

Ganh tị là cảm xúc khá phổ biến của con người khi chứng kiến thành quả của người khác. Tuy nhiên, nếu trở thành tính cách ở nơi làm việc, nó sẽ gây ra nhiều vấn đề.

Những người có tính đố kị có thể liên tục tung hô bạn trước mặt, nhưng lại nói với sếp, đồng nghiệp một câu chuyện hoàn toàn khác. Họ luôn muốn có được những thành quả tốt nhưng lại không cố gắng làm việc tốt hơn. Sự đố kị có thể khiến người ta trở nên nhỏ nhen, ích kỷ và khó hợp tác suôn sẻ trong công việc. Bởi đố kỵ, đôi khi người ta có thể làm những việc xấu, kiểu như "đâm sau lưng" đồng nghiệp.

Vì thế, hãy liên tục cập nhật tình hình công việc trực tiếp với sếp và các đồng nghiệp khác. Khi nhiều người biết được thành quả của bạn, những kẻ ghen tị sẽ không có cơ hội cạnh tranh thiếu lành mạnh với bạn.

Những người nhiệt tình không rõ mục đích

Đa số những người lạ đều có mục đích khi tiếp cận bạn với sự nhiệt tình quá mức. Có thể, họ đã mong đợi mối quan hệ với bạn sẽ giúp họ có một vị trí công việc cao hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn...

Cách tốt nhất là đừng vội chối bỏ sự nhiệt tình của những đồng nghiệp này, nhưng cũng không nên tin tưởng họ quá nhiều. Một ngày nào đó, bạn có thể phát hiện họ đang nói dối hoặc "đánh cắp" thành quả trong công việc của bạn. Ngay cả khi những lời nói dối của họ không tác động trực tiếp đến bạn, nhưng nó là biểu hiện cho thấy họ là người không đáng tin.

Những kẻ đưa chuyện

Những câu chuyện phiếm nơi công sở là chuyện bình thường. Nhưng khi có người tỏ ra quá bận tâm đến những tin đồn, đó là một dấu hiệu xấu. Những kẻ đưa chuyện thường thích soi mói đời tư của người khác rồi "lấy câu chuyện làm quà". Ngoài mặt họ có thể cởi mở tâm sự với bạn, nhưng thực chất đó chỉ là cái bẫy moi thông tin. Những lời nói bông đùa của họ có thể làm khiến người khác cảm thấy khó chịu hoặc làm tổn thương danh tiếng của họ.

Khi tham gia vào một câu chuyện phiếm về người khác, hãy ghi nhớ: Nếu những người này nhận xét về ai đó vắng mặt với bạn, họ cũng có thể làm điều tương tự khi bạn vắng mặt.

Người có quá nhiều vấn đề trong cuộc sống cá nhân

Trong cuộc sống cá nhân, những câu chuyện như phim truyền hình có vẻ thú vị. Nhưng tại nơi làm việc, chúng là thảm họa. Thường thì những người này liên tục kể khổ, than vãn về cuộc đời của họ với nhiều chi tiết éo le. Bạn sẽ không bao giờ có đủ thời gian để theo dõi và bị cuốn theo "những bộ phim dài tập" mà họ là diễn viên chính.

Những người luôn đóng vai nạn nhân trong bộ phim của cuộc đời họ sẽ không bao giờ thành công, họ sẽ kéo bạn đi xuống cùng họ. Khi than vãn, kể khổ về cuộc đời, có thể họ đang muốn lợi dụng lòng tốt của bạn, chờ đợi ở bạn sự giúp đỡ “mù quáng”.

Thu Hoài

Business Insider

Trở lên trên