MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nhân vật bí ẩn" hé lộ toan tính tiếp theo của Trung Quốc sau một loạt chiến dịch trấn áp trên mọi mặt trận

26-10-2021 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

"Nhân vật bí ẩn" hé lộ toan tính tiếp theo của Trung Quốc sau một loạt chiến dịch trấn áp trên mọi mặt trận

Các nhà hoạch định chính sách quyết tâm sẽ không ồ ạt tung ra các biện pháp kích thích kinh tế.

Năm 2016, một "nhân vật có thẩm quyền" giấu tên đã thu hút được sự chú ý của giới quan sát quốc tế sau khi đưa ra nhiều nhận định về đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn. Nhân vật này còn phát biểu trên truyền thông nhà nước rằng chính phủ nên ưu tiên giảm nợ thay vì theo đuổi thành tích tăng trưởng GDP.

Sau này danh tính của nhân vật kể trên đã được tiết lộ: Phó Thủ tướng Lưu Hạc – người được coi là "cánh tay phải" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Kể từ đó đến nay ông Lưu và đội ngũ của ông khá kín tiếng. Tuy nhiên, trong 1 bài phỏng vấn dài đăng trên tờ Tân Hoa Xã cuối tuần vừa qua, ông lại một lần nữa đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý.

Mặc dù thời gian gần đây nhiều chuyên gia kinh tế có cái nhìn khá bi quan về kinh tế Trung Quốc, "nhân vật bí ẩn" vẫn vững tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cho rằng không có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách trên diện rộng.

Trong bài xã luận có tựa đề "10 câu hỏi về nền kinh tế", một số nhân vật có thẩm quyền khẳng định các nhà hoạch định chính sách quyết tâm sẽ không ồ ạt tung ra các biện pháp kích thích kinh tế, đồng thời sẽ tập trung giảm sự phụ thuộc vào nợ và lĩnh vực bất động sản.

Họ cũng hạ thấp những nguy cơ đe dọa đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, nói rằng những chỉ tiêu như số việc làm mới, chỉ số giá tiêu dùng và kim ngạch xuất nhập khẩu cho thấy bức tranh 1 nền kinh tế vững vàng. Thay vì hỗ trợ nền kinh tế, trọng tâm chính sách trong thời gian tới sẽ là những cải cách nguồn cung để giảm tình trạng dư thừa công suất trong những ngành gây ô nhiễm môi trường và lập lại trật tự trên thị trường nhà đất.

Mặc dù có đề cập đến việc cần có nhiều biện pháp hơn để thúc đẩy lực cầu nội địa, bao trùm bài xã luận là giọng điệu lạc quan, khác hẳn với những nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trong thời gian gần đây. Bank of America và Citigroup đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 xuống dưới 5%, viện dẫn những tác động tiêu cực từ khủng hoảng thiếu điện, các biện pháp siết chặt quản lý thị trường bất động sản và đại dịch Covid-19.

Quay trở lại tháng 5/2016, thời điểm kinh tế Trung Quốc chỉ vừa mới hồi phục sau khi bong bóng chứng khoán vỡ, tờ Nhân dân nhật báo đăng bài phỏng vấn với "nhân vật bí ẩn". Người này cảnh báo đà hồi phục hình chữ L (chứ không phải chữ U hay chữ V) sẽ trở thành điều bình thường mới. Trung Quốc nên đặt việc giảm tỷ lệ đòn bẩy lên trước các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn và cần phải chủ động đối phó với nợ xấu thay vì trì hoãn hoặc che giấu chúng.

Bài báo đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh. Và trong nửa cuối năm 2016, NHTW Trung Quốc bắt đầu tăng lãi suất liên ngân hàng. Lợi suất trái phiếu 10 năm từ từ tăng lên và đến tháng 11/2017 vượt mốc 4%, sau khi chạm đáy 2,7% vào tháng 8/2016.

Lần này, mặc dù thị trường không kỳ vọng nhiều về việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), giới phân tích vẫn dự báo Trung Quốc sẽ tung ra một số biện pháp nới lỏng chính sách trong những tháng tới.

Hiện tại có lẽ thị trường đã đánh giá quá thấp về mức độ sẵn sàng chấp nhận GDP suy giảm của Bắc Kinh. Bất chấp thị trường nhà đất đang gặp phải rất nhiều khó khăn với nhiều công ty lao đao, gần như chắc chắn tới đây Trung Quốc sẽ ban hành thuế sở hữu bất động sản nhằm giảm thiểu tình trạng đầu cơ nhà đất - một động thái sẽ gây ra nhiều sóng gió hơn nữa cho lĩnh vực được cho là đóng góp tới gần 30% GDP. Điều này càng khẳng định Bắc Kinh đang quyết tâm tập trung vào chất lượng tăng trưởng thay vì số lượng.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên